Không vận động học sinh, phụ huynh mua xuất bản phẩm ngoài danh mục SGK
Liên quan đến sách giáo khoa, tại phiên chất vấn và trả lời chất – Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV (ngày 8/6); nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ có thêm các chính sách hỗ trợ về sách giáo khoa, thiết bị dạy học; đồng thời cần coi sách giáo khoa là loại hàng hoá đặc biệt và đưa vào danh mục Nhà nước định giá.
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay: Sách giáo khoa thuộc danh mục kê khai giá, nên quyền quyết định về giá là các nhà xuất bản. Nhà nước chỉ có thẩm định gía với sách giáo khoa hoặc sản phẩm được mua bằng ngân sách Nhà nước.
Việc đưa sách giáo khoa vào danh mục Nhà nước định giá thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan sẽ tham mưu với Chính Phủ. Chính phủ sẽ tham mưu với Quốc hội và Quốc hội quyết định có đưa vào Luật Giá hay không.
Cũng liên quan đến nội trên, ngày 10/6, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn ban hành Chỉ chị số 643/CT-BGDĐT về việc sử dụng sách giáo khoa và sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Theo đó, Bộ trưởng chỉ đạo các cơ sở giáo dục không được vận động học sinh, hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm ngoài danh mục sách giáo khoa đã được Bộ phê duyệt và các địa phương đã lựa chọn dưới bất kì hình thức nào; không thực hiện việc lập danh mục, đóng gói thành bộ sách giáo khoa kèm sách bài tập, sách tham khảo và các tài liệu khác ngoài danh mục sách giáo khoa đã được phê duyệt, lựa chọn để học sinh, phụ huynh học sinh mua và sử dụng.
Bố trí nguồn kinh phí hợp lý để mua sách giáo khoa cho các thư viện trường học, tổ chức cho học sinh mượn sách giáo khoa để học tập; vận động học sinh quyên góp, ủng hộ sách giáo khoa cũ vào thư viện để học sinh các lớp sau tiếp tục được mượn và sử dụng.
Với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản có sách giáo khoa đã được phê duyệt, Chỉ thị yêu cầu tổ chức rà soát, đánh giá cụ thể việc in ấn, phát hành sách giáo khoa nhằm tiết kiệm, giảm giá thành; kịp thời in ấn, phát hành sách giáo khoa bảo đảm đủ số lượng, chất lượng phục vụ nhu cầu của giáo viên và học sinh. Báo cáo Bộ GD&ĐT về kết quả rà soát, đánh giá và phương án giảm giá thành sách giáo khoa trước khi phát hành hoặc tái bản. Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Bộ Tài chính làm các thủ tục cần thiết trình Chính phủ, Quốc hội để có được giải pháp ổn định, lâu dài về giá sách giáo khoa.
Chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đang đến gần, đây là một trong những nội dung được bạn đọc quan tâm trong tuần qua. Theo ghi nhận của nhóm phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại, hiện các địa phương đang tích cực chuẩn bị các điều kiện nhằm tổ chức Kỳ thi bảo đảm các yêu cầu.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị lãnh đạo các tỉnh/thành phố lưu ý, hỗ trợ tối đa cho các sở GD&ĐT thực hiện tốt các khâu chuyên môn, giúp học sinh vững cả về kiến thức và tâm lý trước khi bước vào Kỳ thi; quan tâm hỗ trợ các thí sinh vùng sâu, vùng xa về đi lại, giao thông, lưu trú…
Cùng với đó, Bộ trưởng cũng mong muốn lãnh đạo các địa phương quan tâm, tăng cường khâu kiểm tra, giám sát để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho những khâu về đề thi, coi thi, chấm thi, các khâu khác có liên quan… để bảo đảm an toàn, bảo mật, trật tự cho Kỳ thi.
Trong 2 ngày 10 -11/6, tại Ninh Bình, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2022. Tại hội nghị, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra về nguyên tắc mục tiêu là để phòng ngừa chứ không phải để xử lý. Phòng ngừa là chính, phòng ngừa từ sớm, từ xa, do đó phải kiểm tra sớm, kiểm tra kỹ lưỡng, lựa chọn các nội dung để không xảy ra các sai sót, vi phạm của thí sinh, cũng như các cán bộ làm công tác coi thi, để kỳ thi của chúng ta hướng tới mục đích an toàn.
Thứ trưởng đề nghị, mỗi cán bộ thanh tra, kiểm tra cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, năng lực, phẩm chất và bản lĩnh, công tâm khách quan. Để làm được như thế, phải nghiên cứu rất kỹ các văn bản, hướng dẫn thi nói chung và thanh tra thi nói riêng.
Bộ GD&ĐT đã ban hành công văn hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2022 cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Công văn nêu rõ, thí sinh thuộc diện F0, có giấy xác nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp THPT. Thí sinh thuộc diện F0 nếu có nguyện vọng tham dự Kỳ thi phải nộp đơn xin dự thi, cam kết tuân thủ các quy định phòng chống, dịch Covid-19, được cha, mẹ hoặc người giám hộ ký xác nhận đồng ý.
Khởi tố vụ án hình sự
Bộ GD&ĐT cũng đã phát đi thông tin về vi phạm trong quá trình xây dựng đề thi môn Sinh học Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Bộ GD&ĐT cho biết: Trong quá trình tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Bộ đã ghi nhận một số yếu tố không bình thường liên quan đến việc luyện thi và đề thi môn Sinh học.
Kết quả xác minh, điều tra về vụ việc cho thấy, có dấu hiệu vi phạm trong công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi và ra đề thi môn Sinh học Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Ngày 10/6/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" (theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Bộ Công an http://bocongan.gov.vn/).
Theo đó, cơ quan công an đã khởi tố bị can đối với bà Phạm Thị My (59 tuổi, cựu giáo viên Đại học Sư phạm Hà Nội) và ông Bùi Văn Sâm (73 tuổi, cựu giáo viên Đại học Sư phạm Hà Nội) cùng tội danh như trên. Hiện Bộ GD&ĐT đang tiếp tục phối hợp với Bộ Công an xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã triển khai rà soát, điều chỉnh các khâu có liên quan, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra tới tất cả các khâu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, hướng tới mục tiêu các kỳ thi được triển khai chặt chẽ, hiệu quả, an toàn.