“Nông trại trường học” trong trường học VNEN

GD&TĐ - Biết tôi đang loay hoay tìm đề tài để viết bài về mô hình trường học mới (VNEN), chị Hải Yến - một cán bộ truyền thông của Dự án VNEN đã giới thiệu tôi đến Trường tiểu học Bản Xen – một trường còn rất nhiều khó khăn của huyện Mường Khương (Lào Cai), song đã áp dụng khá thành công mô hình “Nông trại trường học” trong trường học VNEN.

Cổng vào “Nông trại trường học”
Cổng vào “Nông trại trường học”

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Thấy tôi băn khoăn chị Yến khẳng định chắc nịch: Em cứ đến đi rồi sẽ thấy, nhiều cái hay lắm!

Câu nói đó đã thôi thúc tôi lên đường. Sau một đêm trên tàu từ Hà Nội đến Lào Cai, tôi đã đến được nơi cần đến. Uống xong chén trà nóng, cô Trần Thị Bình – Hiệu trưởng nhà trường dẫn chúng tôi đến thăm khuôn viên của “nông trại”.

Đúng là ấn tượng và đặc biệt. “Nông trại” được quy hoạch khá rộng trong khuôn viên của vườn trường gồm: Vườn rau, chuồng dê, chuồng gà, ngỗng, chuồng chim bồ câu cùng một ao cá rộng vài trăm m2. Chủ nhân của “nông trại” này không ai khác chính là các thầy, cô giáo và các em học sinh của nhà trường.

Giải thích về lý do xây dựng mô hình “Nông trại trường học”, cô Bình cho biết: Thực ra mô hình này đã được nhà trường triển khai áp dụng cách đây 3 năm. Ban đầu chỉ nhằm mục đích cải thiện bữa ăn hàng ngày cho giáo viên. 

Tuy nhiên sau khi trường vinh dự được chọn triển khai thí điểm theo Dự án mô hình trường học mới tại Việt Nam thì “nông trại” đã thực sự phát huy hiệu quả rõ rệt, bởi đây chính là điều kiện để nhà trường dạy kỹ năng sống, nâng cao phẩm chất, năng lực cá nhân cho các em học sinh.

Từ nông trại này mà các em đã có những tiết học thực hành sinh động và bổ ích. Điều quan trọng là “nông trại” không chỉ đơn thuần giúp các em học sinh học tập mà còn là môi trường để các em được trải nghiệm thực tế; giúp các em từ chỗ biết lao động đến yêu lao động và yêu thiên nhiên, động vật bảo vệ môi trường.

Câu chuyện giữa tôi và Hiệu trưởng Trần Thị Bình đang rôm rả thì tiếng trống trường vang lên báo hiệu buổi học kết thúc. Không phải là những hình ảnh các em học sinh cắp cặp ra về mà tôi vẫn thường gặp, mà đó là những nhóm học sinh đang xắn tay áo chăm sóc “nông trại” của mình. 

Nhóm thì cho dê ăn, nhóm thì cắt cỏ cho cá, nhóm thì nhổ cỏ, bắt sâu cho rau, nhóm thì cho ngỗng, cho chim bồ câu ăn v.v… nhìn các em làm rất gọn gàng, ngăn nắp và “chuyên nghiệp”.

Em Nguyễn Hải Yến – học sinh lớp 5A1 đang lúi húi nhỏ cỏ cho rau tâm sự: Trên lớp chúng em được học những tiết học VNEN rất vui nhộn, được học cách cách làm việc theo nhóm rất hay. Sau giờ học chúng em lại được vận dụng kỹ năng làm việc nhóm vào việc chăm sóc “nông trại”. 

Chúng em phân công nhau, người nhổ cỏ, người bắt sâu, người tưới nước cho rau. Bạn nào xong sớm sẽ sang hỗ trợ phần việc của bạn khác. 

Từ khi có “nông trại” chúng em rất vui và học được rất nhiều kỹ năng sống từ đây. Chúng em đoàn kết hơn, làm việc có tổ chức hơn và yêu ngôi trường này hơn. Em cũng muốn ngày nào cũng được đến trường.

Trao đổi với chúng tôi, chị Lương Thị Thủy – một phụ huynh đang có con theo học tại Trường tiểu học Bản Xen đã không dấu nổi niềm vui khi thấy con tiến bộ từng ngày. 

Chị cho biết: “Cháu đã mạnh dạn, tự tin, năng động hơn rất nhiều so với trước đây. Về nhà cháu tự giác giúp đỡ bố mẹ theo công việc phù hợp với năng lực của mình. Cháu cũng biết vận dụng trong việc chắm sóc vật nuôi. 

Ví dụ: Ở trường nuôi ngỗng, nuôi chim bồ câu thì về nhà cháu đã áp dụng vào việc nuôi gà, chăm đàn ngan, đàn vịt của gia đình”.

Kinh nghiệm từ thực tiễn

Học sinh miệt mài chăm sóc, nhổ cỏ cho rau trong khu “nông trại”
 

Học sinh miệt mài chăm sóc, nhổ cỏ cho rau trong khu “nông trại”

Để mô hình đạt được hiệu quả như mong muốn, cô Bình cho hay: Yếu tố đầu tiên là phải lựa chọn mô hình sao cho phù hợp với đặc thù của địa phương. 

Ví dụ: Ở trường chúng tôi không thể chọn mô hình về du lịch hay các hoạt động về kinh tế được mà nó chỉ phù hợp với đặc điểm của từng gia đình học sinh và rộng hơn là điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương. 

Theo đó, nông – lâm nghiệp sẽ phù hợp hơn cả đối với trường chúng tôi. Cuối cùng chúng tôi chọn phương án là làm mô hình “nông trại”.

Tiếp đến là phải biết phối kết hợp với chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể. Đặc biệt thu hút phụ huynh học sinh cùng tham gia. “Ở trường chúng tôi, các loại cây con giống đều do cha mẹ học sinh mang đến tặng. 

Sau đó phụ huynh sẽ cùng với các thầy, cô giáo, con em mình trực tiếp làm, chăm sóc “nông trại”. Riêng khâu kỹ thuật nuôi trồng, chăm sóc chúng tôi có cán bộ khuyến nông xã và huyện đến trợ giúp. Như vậy là cộng đồng cùng trách nhiệm” – cô Bình hồ hởi chia sẻ.

Sức lan tỏa sâu rộng

Qua tìm hiểu được biết, mô hình “Nông trại trường học” được Trường tiểu học Bản Xen triển khai áp dụng thí điểm cách đây 3 năm. 

Thời gian đầu kết quả chưa thật sự rõ nét, song đến khi nhà trường áp dụng mô hình VNEN thì “nông trại” này đã thực sự phát huy hiệu quả và trở thành điểm đến của các trường học trong huyện cũng như những vùng lân cận đến thăm quan học hỏi kinh nghiệm.

Ông Nguyễn Hoàng Chiến – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Khương cho biết: “Mô hình “Nông trại trường học” trong trường học VNEN ở Trường tiểu học Bản Xen đã có sức lan tỏa sâu rộng đến các trường khác trong huyện. 

Đây chính là cơ sở thực tiễn để chúng tiếp tục nhân rộng theo hướng các mô hình trường học trong trường học VNEN đến các trường trong toàn huyện. Hiện nay chúng tôi đã mở rộng đến khối THCS.

“Từ thành công của “Mô hình “Nông trại trường học” trong trường học VNEN ở Trường tiểu học Bản Xen. Chúng tôi đã có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn để tự tin nhân rộng mô hình trường học mới. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã xuất hiện một vài mô hình tương tự như trên. Điển hình như: mô hình “vườn trường sinh thái”, mô hình “văn hóa truyền thống” v.v… Các mô hình này cũng đã đạt được những kết quả ngoài sức mong đợi, tạo được hiệu ứng tích cực trong xã hội” - Ông Nguyễn Hoàng Chiến – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Khương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.