Và nếu không kịp thời khắc phục những điểm yếu cố hữu, nông nghiệp Việt Nam sẽ chịu những đợt “sóng” lớn từ TPP.
Cần khắc phục điểm yếu
Ngành nông nghiệp nước ta đang tạo ra khoảng 20% GDP và thu hút trên 55% lao động cả nước, với hàng chục triệu hộ nông dân, hơn 10.500 hợp tác xã nông nghiệp… Việt Nam hiện có hàng chục mặt hàng nông sản xuất khẩu (XK) chủ lực mang tầm vóc thế giới. Trong đó, XK hạt tiêu đứng thứ nhất; gạo, cà phê, sắn đứng thứ 2; cao su đứng thứ 4; thủy sản đứng thứ 5 và chè đứng thứ 7 thế giới. Với tiềm lực sẵn có đó, đứng trước thị trường rộng lớn của các nước tham gia TPP, phải khẳng định cơ hội mở ra cho XK nông sản là rất lớn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, với nhiều điểm yếu chưa được khắc phục, nông nghiệp Việt Nam sẽ đón nhận những áp lực cạnh tranh rõ nét hơn cơ hội thu về ở cả thị trường nội địa lẫn XK.
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, tại thị trường nội địa, nguy cơ đến từ các quốc gia như Australia, New Zealand vì 2 nước này có năng lực cạnh tranh khá cao ở tầm thế giới với các sản phẩm ngành chăn nuôi bò (thịt bò, sữa) và quả ôn đới (táo, cam). Đối với các sản phẩm sữa nói chung, thịt bò, thịt gia cầm và thịt heo, Mỹ lại là quốc gia mà Việt Nam phải dè chừng. Hiện tại, Việt Nam đang nhập khá nhiều những mặt hàng này từ Mỹ. Do vậy nếu thuế giảm còn 0% thì các sản phẩm tương tự của Việt Nam sẽ khó có “đất sống”.
Trong khi áp lực cạnh tranh đến từ các quốc gia trong TPP đã hiển hiện khá rõ ràng thì những năm qua, xuất phát từ việc chưa chú trọng đầu tư cho công tác xúc tiến thương mại tại thị trường nội địa cũng như chưa phát triển hệ thống phân phối chuyên nghiệp và bảo vệ thương hiệu nông sản, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam có chất lượng cao lại khó tiêu thụ ngay tại “sân nhà”. Hệ quả là, người tiêu dùng mất tiền mà vẫn mua phải nông sản không sạch, trong khi nhà vườn sản xuất nông sản chất lượng lại bất lực trong việc đưa sản phẩm ra thị trường.
Cần một giải pháp đồng bộ
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, để mở lối cho tiêu thụ nông sản khi TPP có hiệu lực, các doanh nghiệp (DN) cần phải tăng cường tổ chức, đổi mới, nâng cao hiệu quả của chuỗi cung ứng nông sản. Trong đó, đặc biệt tập trung vào việc ứng dụng công nghệ hiện đại ở khâu sau thu hoạch, cũng như vai trò của các DN phân phối bán lẻ trong chuỗi cung ứng. Đồng thời, cần giảm bớt sự tham gia của các DN Nhà nước cũng như vai trò của DN Nhà nước đối với các hợp đồng thương mại Chính phủ. Chính phủ chỉ đóng vai trò hỗ trợ và chuyển giao cho khu vực tư nhân thực hiện các hợp đồng bởi khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi các phân khúc đầu vào, đầu ra cũng như phát triển các chuỗi giá trị toàn diện và từng khâu trong chuỗi...
Phân tích từ một góc độ khác, các chuyên gia cho rằng, để chủ động ứng phó với TPP, việc đầu tiên phải làm là xây dựng một chương trình, dự án lớn, đủ mạnh với thời gian dài cung cấp thông tin cả chiều rộng lẫn chiều sâu từ cơ quan chức năng hoặc từ tổ chức Hội Nông dân cho nông dân - đối tượng chịu tác động nhiều nhất nhằm giúp cả DN lẫn nông dân hiểu rõ, khai thác, tận dụng được những ưu đãi mà TPP mang lại cũng như có giải pháp ứng phó với khó khăn một cách hiệu quả nhất trong những năm tới, nhất là thời điểm TPP có hiệu lực.
Đối với một số mặt hàng là thế mạnh của các địa phương so với các nước trong TPP như xoài, cá tra, ba sa, các chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, thống nhất với nước nhập khẩu về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm dịch, chiếu xạ nhằm tạo cơ hội phát triển sản phẩm trong nước. Bên cạnh đó, việc cần làm là bổ sung, ban hành chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm để hàng nông sản Việt Nam ngày càng khẳng định uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.
Thị trường trong nước được dự báo là khó khăn, còn thị trường nước ngoài, tình hình cũng không mấy sáng sủa. Bởi khi TPP có hiệu lực nông sản vào các nước này sẽ khắt khe hơn về đảm bảo chất lượng khi phải tuân thủ các tiêu chuẩn của thị trường. Trong khi đó, chất lượng và tỷ trọng chế biến trong nông sản Việt Nam hiện còn thấp.
Nhiều sản phẩm rau quả, thủy sản tươi sống của Việt Nam vẫn còn bị cấm nhập khẩu vào các thị trường lớn của TPP như Nhật Bản, Mỹ vì vấn đề ATTP. Bên cạnh đó, phần lớn các sản phẩm nông sản của Việt Nam ở dạng thô, tươi sống, đông lạnh hoặc phơi khô, thiếu các công nghệ tạo ra giá trị gia tăng; bảo quản công nghệ sau thu hoạch còn yếu và thiếu...