Nông dân Hà Giang giảm nghèo nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng

GD&TĐ - Tỉnh Hà Giang đã có chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của người dân.

Nông dân xã Ma Lé mạnh dạn chuyển đổi từ cây ngô sang các loại cây trồng có hiệu quả hơn. Ảnh: Thanh Thuỷ
Nông dân xã Ma Lé mạnh dạn chuyển đổi từ cây ngô sang các loại cây trồng có hiệu quả hơn. Ảnh: Thanh Thuỷ

Hà Giang là tỉnh nông nghiệp, nông nghiệp đóng vai trò quan trọng, đảm bảo sinh kế cho khoảng 86% dân cư sinh sống ở khu vực nông thôn.

Hồi sinh những mảnh đất cằn

Mèo Vạc là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Hà Giang với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 60%.

Huyện có điều kiện địa hình đặc biệt, chủ yếu là đồi núi đá, giao thông đi lại khó khăn, diện tích canh tác của các hộ còn manh mún, nhỏ lẻ, tình hình thiếu nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất thường xuyên xảy ra...

Đây là một trong những khó khăn lớn nhất huyện Mèo Vạc gặp phải trong thực hiện phát triển nông nghiệp.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thực tiễn, nâng cao thu nhập cho người nông dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp được huyện Mèo Vạc chỉ đạo.

Niêm Tòng là xã núi đất của huyện vùng cao Mèo Vạc, địa phương này có gần 100% là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, cây trồng chủ yếu của bà con vẫn chỉ là trồng cây ngô địa phương.

Để hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững, là đơn vị được phân công phụ trách xã Niêm Tòng, Công an huyện Mèo Vạc đã phối hợp với chính quyền xã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn bà con phát triển kinh tế; đặc biệt chú trọng việc chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương.

Gia đình anh Vàng Mí Dờ, thôn Pó Qua là một trong 2 hộ gia đình được lựa chọn làm điểm, khi được tuyên truyền anh đã mạnh dạn chuyển đổi 0,5ha diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng thử nghiệm cây sắn; từ 0,5ha diện tích trồng thử nghiệm ban đầu, sau gần 3 năm, sau khi nhận thấy hiệu quả kinh tế đến nay gia đình anh đã quyết định chuyển đổi toàn bộ 2ha diện tích đất trồng ngô sang trồng cây sắn.

Gia đình chị Trần Thị Quỳnh thôn Trung Sơn, xã Trung Thành (Vị Xuyên), là một trong những hộ mạnh dạn chuyển đổi trồng ngô sang trồng khoai lang với diện tích trên 1ha. Từ tháng 10 âm lịch gia đình chị bắt đầu xuống giống khoai và đến tháng 2 âm lịch năm sau bắt đầu thu hoạch.

Chỉ sau gần 5 tháng trồng, 1 sào khoai lang cho năng suất đạt 4- 5tạ/sào, với giá bán tại ruộng từ 8.000 đến 10.000/kg tuỳ loại, sau khi trừ chi phí mang lại thu nhập 60 – 70 triệu đồng/1ha.

1 chuyen đôi ngo sang san.jpg
Nông dân xã Niêm Tòng (Mèo Vạc) chuyển đổi diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây sắn. Ảnh: Hà Linh

Đồng hành cùng người nông dân

Những năm qua, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã có nhiều mô hình chuyển đổi từ cây trồng kém hiệu quả sang cây khác mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Nhiều nơi còn hình thành vùng sản xuất hàng hóa giá trị cao như chuyển đổi cây ngô sang trồng cây ăn quả ôn đới, cây ăn quả có múi, cây hoa phục vụ du lịch, trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi.

Theo báo cáo, toàn tỉnh Hà Giang hiện có gần 54.700ha ngô, năng suất bình quân đạt 37 tạ/ha. Thế nhưng, giá trị của cây ngô không cao chỉ từ 25 đến 30 triệu đồng/ha/1 vụ.

Theo đó, tỉnh xây dựng dự thảo Đề án chuyển đổi đất nông nghiệp trồng ngô sang trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2023. Đề án sẽ được thực hiện ở 4 huyện vùng Cao nguyên đá và 2 huyện phía tây Hoàng Su Phì, Xín Mần.

Theo đề án, mục tiêu chuyển đổi thành công trên 2.000 ha đất trồng ngô sang cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn. Thu nhập trên đơn vị diện tích sau chuyển đổi tăng ít nhất 20% so với trước khi chuyển đổi.

Má Lé là xã biên giới của huyện Đồng Văn, có 12 thôn, phần lớn là dân tộc Mông, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn, Đảng bộ xã xác định: Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển sản xuất theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chương trình “3 cây”: Dược liệu, cây lê, cây tam giác mạch.

Gia đình ông Chá Nhìa Sử, thôn Lèng Sảng (xã Ma Lé) là một trong những hộ tiên phong trong phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.

Ông Sử phấn khởi chia sẻ: Những năm trước đây, gia đình chỉ trồng ngô giống địa phương nên năng suất thấp, kinh tế khó khăn lắm. Được cấp ủy, chính quyền xã tuyên truyền, vận động phát triển kinh tế, gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng gừng. Đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, thu hoạch đến đâu tiêu thụ đến đó. Với 2 ha gừng, năm đầu tiên cho thu nhập 200 triệu đồng, năm 2023 gần 400 triệu đồng.

Không chỉ gia đình ông Sử mà nhiều hộ khác trên địa bàn thôn Lèng Sảng nói riêng và xã Má Lé nói chung rất tích cực chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây có giá trị kinh tế cao.

Nhờ tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả đã tạo điều kiện cho nhân dân phát triển kinh tế, diện mạo nông thôn ở Má Lé ngày càng khởi sắc. Đời sống của bà con đã và đang được cải thiện, trình độ canh tác nâng lên, góp phần thúc đẩy kinh tế của xã phát triển.

Ông Ly Mí Ná, Chủ tịch UBND xã Má Lé cho biết: Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, Đảng bộ xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

“Xã sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng; vận động nhân dân mở rộng quy mô các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, phấn đấu giảm nhanh số hộ nghèo…”, ông Ná khẳng định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây Muồng hoàng yến sắc vàng tươi