Vươn lên thoát nghèo từ mô hình cải tạo vườn tạp

GD&TĐ - Sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết số 05, nhiều hộ gia đình ở Hà Giang đã có nguồn thu nhập từ cải tạo vườn tạp.

Vườn lê của gia đình anh Lò Đình Quyến sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: My Ly
Vườn lê của gia đình anh Lò Đình Quyến sinh trưởng, phát triển tốt. Ảnh: My Ly

Kỳ vọng giảm nghèo từ một nghị quyết

Nhằm hiện thực hóa 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 05 (ngày 1/12/2020) về “phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025”.

Nghị quyết 05 có mục tiêu cốt lõi là thay đổi tư duy, phương pháp sản xuất của người dân trên chính mảnh vườn của mình; ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi canh tác từ cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế thấp sang cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao hơn.

Từ đó, tăng dinh dưỡng, tạo sinh kế, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đặt mục tiêu đến năm 2025 có 6.500 hộ với trên 6.500 vườn trên địa bàn tỉnh có thu nhập khá.

Sau hơn 3 năm triển khai, đến nay đã có 6.495 hộ thực hiện, đạt 99,92% kế hoạch. Tổng diện tích đã thực hiện là 262 ha với tổng kinh phí Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện giải ngân cho các hộ nghèo, cận nghèo trên 90 tỷ đồng.

Qua theo dõi, đánh giá các tiêu chí theo Đề án cải tạo vườn tạp của UBND tỉnh, có 2.063 vườn đạt 4/4 tiêu chí, chiếm 88,5% số hộ thực hiện.

Có 225 hộ tại các huyện Vị Xuyên, Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Yên Minh tổ chức thực hiện rất tốt, tích cực và có hiệu quả, lợi nhuận thu được các vườn mẫu trên 30 triệu đồng/hộ/năm.

Đặc biệt, huyện Vị Xuyên có 220 hộ/545 hộ vay vốn thực hiện cải tạo vườn tạp đã thoát nghèo.

Hiệu quả lớn nhất trong thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp là huy động được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận của nhân dân.

Gia đình anh Lò Đình Quyến, thôn Ma Lé, xã Ma Lé, huyện Đồng Văn (Hà Giang) là một trong những hộ mạnh dạn thực hiện cải tạo vườn tạp với việc trồng hơn 800 cây lê đặc sản địa phương trên diện tích 2ha. Đến nay, một số cây lớn đã cho quả, nguồn thu ban đầu được khoảng trên 20 triệu đồng.

Theo tính toán của anh Quyến, khi toàn bộ diện tích lê cho thu hoạch có thể mang về từ 100-120 triệu đồng mỗi vụ. Ngoài ra, anh Quyến còn tận dụng diện tích đất bên dưới gốc lê trồng xen bắp cải, rau màu để chăn nuôi, tăng thêm thu nhập.

1 po lo hoangsuphi.jpg
Mô hình cải tạo vườn tạp trồng dâu tây của người dân xã Pố Lồ (Hoàng Su Phì).

Đồng hành cùng người dân

Để hỗ trợ người dân cải tạo vườn, các huyện, thành phố tại Hà Giang đã chỉ đạo ngành chức năng, đoàn thể phối hợp với các xã, thị trấn hướng dẫn các gia đình bố trí lại không gian vườn, quy hoạch vùng sản xuất tập trung với từng loại cây trồng phù hợp, có hiệu quả kinh tế, như cây ăn quả, trồng rau an toàn...

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đồng Văn trong năm 2023, toàn huyện thực hiện mới được 50 vườn/49.649 m2/50 hộ, trong đó có 26 hộ nghèo, 18 hộ cận nghèo, 6 hộ khác.

Lũy kế toàn huyện hiện có 364 vườn/471.214 m2, trong đó có 157 hộ nghèo, 118 hộ cận nghèo, 89 hộ khác được hỗ trợ. Cấp ủy, chính quyền địa phương và phòng chuyên môn thường xuyên sát sao trong việc chỉ đạo người dân chăm sóc, duy trì vườn tạp đảm bảo theo 4 tiêu chí.

Đến nay, tổng thu nhập của các vườn cải tạo đạt 6,3 tỷ đồng, trừ chi phí thu nhập trung bình đạt 18 triệu đồng/vườn/năm. Nhờ đó, hiện đã có 41 hộ thoát nghèo, 19 hộ từ nghèo lên cận nghèo.

Hiệu quả lớn nhất trong thực hiện chương trình cải tạo vườn tạp là huy động được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và sự đồng thuận của nhân dân.

Với sự kiên trì, bền bỉ, người nông dân đã gặt hái được những “quả ngọt” từ những mảnh vườn của chính mình, từ đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, thu nhập cho các hộ. Theo tính toán của ngành chuyên môn, các vườn tạp sau khi cải tạo đã đem lại giá trị thu nhập cao gấp 2-3 lần so với trước đây, bình quân đạt từ 18 triệu đồng/năm trở lên.

Rất nhiều mô hình cải tạo vườn tạp ở các huyện đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ngoài ra, các chủ hộ cải tạo vườn tạp đã bước đầu thực hiện sản xuất theo tín hiệu thị trường, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Phát huy những kết quả đạt được, năm 2024, toàn tỉnh Hà Giang phấn đấu thực hiện trên 700 hộ nghèo, cận nghèo cải tạo vườn tạp, tập trung phát triển chăn nuôi gia cầm, lợn, dê, trồng rau, củ, quả, dược liệu.

Phấn đấu mỗi huyện, thành phố có tối thiểu từ 10 hộ thực hiện cải tạo vườn mẫu trở lên, ưu tiên thực hiện cải tạo vườn tạp gắn với phục vụ du lịch.

Để thực hiện mục tiêu trên, ngay từ đầu năm, các địa phương đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát các hộ nghèo, cận nghèo có diện tích vườn tạp đảm bảo theo tiêu chí của đề án.

Chú trọng công tác tuyên truyền, đảm bảo 100% số hộ trước khi thực hiện cải tạo vườn tạp đều được phổ biến chủ trương nghị quyết, chính sách, mục tiêu của đề án trước khi thực hiện.

Hướng dẫn người dân các điều kiện, thủ tục để vay vốn ưu đãi theo chính sách của tỉnh đối với các hộ đủ điều kiện.

Huy động sự tham gia đóng góp về ngày công, cây, con giống, vật tư nông nghiệp từ các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị để giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo cải tạo vườn tạp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ