Theo tờ Les Echos (Pháp), Cybercom có ba nhiệm vụ: Thu thập thông tin tình báo, bảo vệ mạng máy tính quốc phòng và chính phủ và cuối cùng là vô hiệu hóa các phương tiện của đối phương. Nước Pháp sẽ coi Cybercom gần như một binh chủng, ngang hàng với hải lục không quân, khi giao lực lượng này cho một vị tướng 4 sao điều hành.
Đây được xem là một phần của học thuyết quân sự mới của Pháp, trong bối cảnh mạng máy tính của quân đội và của Chính phủ đang trở thành mục tiêu quan trọng không kém các vị trí quốc phòng chiến lược.
"Nếu mạng máy tính bị tấn công, Pháp có quyền đáp trả bằng một cuộc phản công trên mạng, thậm chí phản công bằng vũ khí thông thường", tờ Les Echos trích dẫn phát biểu của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp.
Các cuộc tấn công mạng đang là nỗi lo chung của nhiều quốc gia
Dù kín tiếng hơn đôi chút song những động thái gần đây cho thấy, nước Đức cũng đang gấp rút xây dựng đội quân phòng vệ mạng.
Đầu tháng 10 vừa qua, tờ Schwaebische Zeitung đã có một tin vắn cho biết sau giai đoạn chuẩn bị, Đức sắp có một đơn vị mới bao gồm 130 chuyên gia tin học có nhiệm vụ bảo vệ hệ thống máy tính quốc phòng. Đức đặt tên cho đơn vị trên là Cục tác chiến mạng và Kỹ thuật thông tin. Đơn vị này sẽ trực thuộc Bộ Quốc phòng Đức.
Những động thái trên được cho là xuất phát từ các nghi vấn của việc có hay không bàn tay của tin tặc Nga tác động đến kết quả bầu Tổng thống Mỹ, sự việc đang làm cho nhiều nước châu Âu "lạnh gáy".
Tờ Tribune de Geneve đã cho biết, đang có những thế lực tìm cách tác động đến kết quả bầu Quốc hội Đức vào năm 2017. Nước Pháp cũng đang rất lo ngại về những cuộc tấn công mạng khi mà năm sau sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống.
Chỉ cần một vài thống tin lấy cắp được từ mạng máy tính chính phủ và bị tung ra vào thời điểm trước ngày bầu cử, là đủ để xoay chuyển tình thế. Một kịch bản hoàn toàn có thể xảy ra nếu tuyến phòng thủ trên mạng không đủ sức chống đỡ.