Có bình thường không khi trẻ nôn?
Thông thường, trẻ hay bị nôn vào vài tuần đầu khi bắt đầu tập ăn và khi cơ thể phát triển. Bạn có thể gọi đó là nôn, hơn là trớ sữa vì lượng nôn nhiều, nôn còn có thể làm trẻ sợ dẫn đến khóc.
Mọi việc từ say xe đến khó tiêu đều có thể khiến con cảm thấy mệt, thậm chí một trận khóc dài hay ho quá nhiều cũng có thể khiến trẻ nhỏ nôn. Do vậy, bạn có thể sẽ thấy trẻ nôn rất nhiều trong vài năm tuổi đầu.
Cơn nôn thông thường sẽ giảm dần sau 6 đến 24 giờ kể từ lúc bắt đầu. Lúc này trẻ nhỏ không cần điều trị gì đặc biệt ngoài việc uống nhiều để đảm bảo không bị thiếu nước. Bạn không cần phải lo lắng, miễn là bé vẫn có vẻ khỏe mạnh và tiếp tục tăng cân. Hãy tin vào trực giác của mình và nếu lo lắng, hãy hỏi ý kiến bác sĩ.
Khi nào thì tôi nên lo lắng?
Trong vài tháng tuổi đầu, nguyên nhân khiến trẻ nhỏ bị nôn có thể do chế độ ăn, như là ăn quá no hay ăn thực phẩm lạ. Sau vài tháng tuổi đầu, đột nhiên bị nôn có thể do các bệnh như viêm đường ruột. Loại bệnh này thường đi kèm với tiêu chảy.
Trẻ nhỏ cũng có thể bị nôn khi cảm lạnh, viêm đường tiết niệu hay viêm tai.
Dị ứng thức ăn đôi khi cũng có thể gây ra tình trạng nôn ở trẻ nhỏ. Nếu trẻ thôi không ăn loại thức ăn gây dị ứng đó nữa thì có thể sẽ dừng nôn. Tuy nhiên, bạn nên hỏi bác sĩ trước khi loại bỏ các loại thức ăn khỏi chế độ ăn uống của trẻ.
Đôi khi, nôn cũng có thể là biểu hiện của một số bệnh nguy hiểm. Hãy đưa trẻ đến bệnh viện nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào dưới đây ở trẻ:
- Các biểu hiện mất nước như khô miệng, khóc không có nước mắt, thóp đầu hõm, người mềm oặt và dũng tã ít hơn bình thường (ít hơn 6 tã một ngày)
- Sốt
- Không uống sữa mẹ hoặc sữa công thức
- Nôn trong hơn 12 giờ hoặc nôn mạnh
- Hay buồn ngủ hoặc dễ cáu kỉnh
- Thóp đầu phồng
- Khó thở
- Bụng trướng to
- Nôn ra máu hoặc mật xanh: Thông thường thì không có gì đáng lo ngại nếu trước đó trẻ vẫn khỏe mạnh. Bởi vì việc này có thể do lực nôn mạnh gây ra vết rách rất nhỏ trong mạch máu chạy dọc thực quản. Hay có thể do trẻ nuốt máu từ vết rách có trong miệng, hoặc do trẻ bị chảy máu cam trong vòng 6 tiếng trước đó.
Tuy nhiên, hãy đưa trẻ đến bác sĩ nếu vẫn thấy máu trong dịch nôn của trẻ hoặc thấy số lượng máu nhiều lên. Bác sĩ chắc chắn sẽ muốn kiểm tra dịch nôn của trẻ. Vì vậy, mặc dù đó không phải là việc dễ chịu, hãy giữ lại một ít sau khi trẻ nôn. Mật xanh có thể là biểu hiện của việc đường ruột bị tắc, trường hợp này cần chú ý ngay lập tức.
- Nôn mạnh và dai dẳng trong vòng nửa giờ khi ăn: Nguyên nhân có thể do hẹp môn vị, đây là trường hợp hiếm. Hẹp môn vị thường xảy ra nhất khi trẻ vài tuần tuổi, nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào trước bốn tháng tuổi.
Làm thế nào để đối phó với tình trạng nôn?
Thông thường thì không có gì đáng lo lắng, trẻ sẽ sớm đỡ hơn. Và để giúp trẻ phục hồi sau khi nôn, sau đây là những gì bạn có thể thực hiện:
- Giữ cho trẻ đủ nước: Khi bị nôn, trẻ sẽ mất nhiều chất lỏng dinh dưỡng, vì vậy cần phải thay thế bằng cách để cung cấp nước cho trẻ. Bạn có thể cho trẻ uống dung dịch bù nước và điện giải, vài lần một giờ cùng với sữa mẹ hoặc sữa pha và nước. Trước khi cho bé uống, hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ. Không được cho trẻ uống nước hoa quả hoặc nước uống có ga.
- Đưa trẻ trở lại với chế độ ăn bình thường: Nếu trẻ không nôn trong vòng 12 đến 24 tiếng, bạn có thể cho trẻ ăn theo chế độ bình thường. Nhưng hãy nhớ cho trẻ dùng nhiều các loại lỏng như sữa. Nếu trẻ đang ăn thức ăn đặc, hãy bắt đầu với các loại dễ tiêu hóa như ngũ cốc hay sữa chua.
- Giúp trẻ ngủ: Thức ăn ở dạ dày sẽ chảy xuống theo ruột trong giấc ngủ mà không trào ngược lên và làm giảm bớt cảm giác muốn nôn.
Chú ý không cho trẻ uống thuốc chống buồn nôn, trừ khi được bác sĩ kê đơn.