Mượn lời nói đầy tâm tình và gần gũi, người cha truyền vào tâm hồn người con để hình thành trong con một nghị lực sống vững chãi nơi miền đất gập ghềnh, biết vươn lên phía trước để sống mạnh mẽ và có hoài bão...
Từ phẩm chất của “người đồng mình”
Từ không gian gia đình ăm ắp tiếng nói tiếng cười và tình yêu thương của cha mẹ đối với con, nhà thơ Y Phương đã phát triển ý thơ để nói với con về “người đồng mình” ở nơi đầy nắng, đầy gió.
Nhà thơ gọi đồng bào dân tộc Tày là “người đồng mình”, những con người cùng sinh ra, lớn lên rồi gắn bó trọn đời với mảnh đất quê hương.
Chính điều đó càng làm cho sự gắn kết, gần gũi và đồng cảm trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết, trong giọng thơ trầm ấm và lời nhắn nhủ đầy ân tình của người cha đối với con.
Ở đầu mỗi khổ thơ, Y Phương không quên sử dụng phép điệp qua câu thơ: “Người đồng mình yêu lắm con ơi”, “Người đồng mình thương lắm con ơi” như để đưa tâm hồn đứa trẻ vào không gian sống và không gian tình cảm rất đỗi quen thuộc và ngọt ngào.
Trong cuộc mưu sinh đầy gian khó, người “đồng mình” đã tự tay mình tạo ra những giá trị văn hóa và những giá trị ấy được lưu giữ, truyền lại bao thế hệ. Hiện hữu trong những vật dụng hàng ngày như chiếc lờ được đan bằng tre, đồng bào dùng để bắt cá dưới suối nhưng vật dụng ấy không chỉ gắn bó với cuộc sống lao động của đồng bào mà còn biểu hiện những nét văn hóa bình dị mà độc đáo.
Đó là những đường đan được uốn nắn, trang trí hoa văn đẹp và tinh xảo. Rồi những câu hát then, lượn, sli vang lên trên mỗi căn nhà sàn trong đêm khuya bên bếp lửa bập bùng làm cho vách nhà đơn sơ, mộc mạc bằng tre, bằng gỗ tưởng như cũng có hồn, có tình, như được đan cài bởi những câu hát nghĩa tình.
Con người vùng cao sinh ra gần núi, gần suối, lớn lên và gắn bó cả đời với núi rừng, sông suối. Bởi vậy, ý thơ như đưa tâm hồn con về nguồn sinh dưỡng được chưng cất từ nơi rừng thẳm.
“Rừng cho hoa/ Con đường cho những tấm lòng”, đó là những gì tốt đẹp nhất, ngọt bùi nhất mà núi rừng ban tặng cho con người. Để rồi hiện diện trên mỗi con đường, mỗi bậc cầu thang là sự nồng ấm của tình đồng bào, của tấm lòng nghĩa tình.
Nơi sơn thẳm xa xôi, “người đồng mình” năng đi lại để hỏi thăm nhau, họ quyết không để cho cầu thang nhà mình mọc cỏ, không để lối đi trên mỗi con đường bị rừng rậm chặn lối. Đó là những con đường nghĩa tình như những mạch máu kết nối những yêu thương:“Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới/ Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời”.
Người cha muốn đưa con trở về với mạch nguồn yêu thương, nơi bắt đầu cho những cuộc đời, cho những tình cảm tốt lành để nhắc nhở con luôn trân trọng và biết nhân lên những tình cảm đó trong cuộc sống. Người đồng mình không chỉ tài hoa, cần cù mà còn sống trong sự gắn bó keo sơn, sâu nặng nghĩa tình. Phẩm chất ấy thật cao đẹp và có sức sống lâu bền trong tâm hồn con.
Đến truyền lửa nghị lực sống cho con
Nói với con trong những bước chập chững vào đời, người cha mong con hiểu và rèn cho mình ý chí, nghị lực sống và phẩm chất như “người đồng mình” từng trải qua. Từ cung bậc tình cảm “yêu lắm con ơi” nhà thơ hướng đứa con đến tình thương “Người đồng mình thương lắm con ơi” để con nhìn thấy cuộc sống nơi đây, nơi con cất tiếng khóc chào đời và bước vào những chân trời cao rộng: “Cao đo nỗi buồn/ Xa nuôi chí lớn”.
Nhà thơ sử dụng tính từ “cao” và “xa” để nói về cuộc sống của “người đồng mình”, nơi đó vắng vẻ và buồn, nơi đó xa xôi và heo hút. Nhưng không vì thế mà “người đồng mình” rời xa nơi chôn rau cắt rốn của mình, rời xa không gian thấm đẫm nghĩa tình.
Đồng bào đã lấy cao và xa để rèn bản thân mình, để tạo cho mình bản lĩnh, cho mình tâm thế sống với miền đất gian khó này. Càng cao, càng xa thì chí càng lớn. Đó là một phẩm chất cao đẹp của đồng bào Tày được nhà thơ Y Phương nói đến khi muốn truyền sức mạnh của nghị lực cho đứa con thân yêu.
Bởi vậy, từ hình ảnh “người đồng mình”, người cha mong muốn ở con những điều thật giản dị mà lớn lao đầy nghị lực:
Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
Sống trên đá không chê
đá ghập ghềnh
Sống trong thung không chê
thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc.
Lời thơ chứa đựng trong đó niềm mong mỏi và hi vọng đến cháy bỏng của người cha đối với con. Dù cuộc sống có khó khăn, dù quê hương mình nghèo đói nhưng người cha vẫn muốn truyền vào đứa con nghị lực để hình thành trong nó những tình cảm hết sức tốt lành.
Sử dụng những hình ảnh đối lập: “Lên thác/ xuống ghềnh”, điệp ngữ: “Sống trên đá/ sống trong thung”, những từ ngữ giàu màu sắc dân tộc như: Thung, đá, ghập ghềnh… để nói về sự hiện diện của cuộc sống gian khổ nơi quê hương mà đứa trẻ khi sinh ra và lớn lên phải trải qua: Sống trên đá/ Sống trong thung/ Lên thác xuống ghềnh.
Người cha mong muốn người con phải sống sao cho mạnh mẽ, biết đối đầu với những gian khó của cuộc sống. Từ những điều ấy, cha muốn con cần hình thành những phẩm chất đáng quý như “Không chê đá/ không chê thung/ không lo cực nhọc”.
Những điều không chê, không lo ấy chính là sự vượt lên trên tất cả những khó khăn, gian khổ của quê hương, là sự hình thành trong con người đứa con nghị lực biết vượt lên hoàn cảnh để trụ vững, để có sức manh “như sông như suối” đối mặt với những gian nan phía trước.
Bởi bên cạnh đứa trẻ, những người “đồng mình” là nhân chứng sống để con học tập và tự tu rèn bản thân mình. Dù có đi bất kỳ phương trời nào thì quê hương vẫn luôn là điểm tựa và niềm tin để con nhớ về và có thêm sức mạnh:
Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
Người đồng mình tự đục đá
kê cao quê hương
Còn quê hương
thì làm phong tục.
Hình ảnh con người miền núi được người cha tiếp tục nói tới sau khi đặt niềm tin, niềm kỳ vọng ở con. Mượn hình ảnh “người đồng mình”, người cha nhấn mạnh về phẩm chất của họ để làm điểm tựa cho con và tiếp thêm cho con niềm tin.
Tuy cuộc sống có thiếu thốn, gian khổ nhưng những con người ăn đời ở kiếp với núi, với thung, với suối với đá vẫn luôn tự hào về quê hương, luôn rèn cho mình nghị lực sống phi thường. Chính bàn tay họ đã tự mình khuân những tảng đá lớn, đục vuông để xếp xung quanh nhà để làm cao lên không gian sống của mình.
Đó là một trong nhiều minh chứng cho ý chí cũng như phẩm chất cao đẹp của người vùng cao khi chính những con người này đã tự mình làm nên phong tục của quê hương. Lắng đọng lại trong tâm hồn đứa trẻ là lời nhắn nhủ đầy ân tình, niềm tin đầy vững chắc và sự mong đợi đến hy vọng:
Con ơi tuy thô sơ da thịt
Lên đường
Không bao giờ nhỏ bé được
Nghe con.
Y Phương là nhà thơ dân tộc Tày, người gắn bó đến sâu nặng với thung lũng Tày Cô Sầu đầy thương nhớ. Chính vì vậy, trong bài thơ “Nói với con”, từng câu, từng chữ thấm đượm lời ăn tiếng nói của quê hương xứ sở.
Hình ảnh thơ bình dị, quen thuộc và gần gũi. Mạch thơ hết sức tự nhiên, lời thơ như lời trò chuyện, thủ thỉ, tâm tình của người cha đối với con. Nhờ vậy, từ một đề tài quen thuộc, bài thơ đã thể hiện được một tư tưởng với những giá trị giáo dục hết sức lớn lao về cuộc sống và con người.