Nỗi trăn trở của “cha đẻ” máy thở MV20

GD&TĐ - Ông Trần Ngọc Phúc là nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tập đoàn Metran Japan. Ông là “cha đẻ” của chiếc máy trợ thở MV20. Đây là dòng máy thở đa năng đặc biệt điều trị bệnh Covid-19.

Ông Trần Ngọc Phúc bên công trình nghiên cứu của mình.
Ông Trần Ngọc Phúc bên công trình nghiên cứu của mình.

Từ máy trợ thở tránh lây nhiễm chéo

Nhớ lại thời điểm dịch Covid-19 lần đầu xuất hiện, ông Trần Ngọc Phúc được đề nghị thiết kế một chiếc máy thở. “Khi tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp, số bệnh nhân tăng nhanh, áp lực sản xuất chiếc máy thở trong thời gian ngắn thúc đẩy tôi cùng đội ngũ Metran tối ưu công đoạn sản xuất”, ông Phúc nhớ lại.

Yêu cầu then chốt cho chiếc máy thở của người Việt là tính an toàn, thời gian sản xuất sớm, chi phí thấp. Nó cũng phải đáp ứng yêu cầu sản xuất hàng loạt. Sau đó, 2.000 máy thở Eliciae MV20 đã được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Đại học Văn Lang đặt hàng Metran để tặng Chính phủ.

Máy thở Eliciae MV20 được đơn giản hóa trong vận hành và chỉ cần bấm nút chọn chế độ, tùy thuộc vào việc bệnh nhân có tự thở được hay không. Một hệ thống áp lực an toàn giúp đảm bảo duy trì oxy ở mức ổn định.

Với các máy thở thông thường, người điều khiển phải quyết định mức độ oxy được cung cấp, dựa trên kích cỡ cơ thể bệnh nhân và tình trạng bệnh. Không chỉ dễ sử dụng, máy thở của Metran có giá thành chỉ khoảng 600.000 yen (130 triệu đồng), bằng 1/10 so với các máy thở thông thường.

“Khi một bệnh nhân nhiễm Covid-19 rất khó để biết được tình trạng phổi hay bệnh lý nền đang mắc phải. Điều quan trọng là tập trung chữa viêm phổi để cải thiện tình trạng sau đó giúp bệnh nhân hồi phục, lấy ống nội khí quản ra và tiến hành weaning (giúp bệnh nhân quen với việc không có sự trợ thở).

Với đặc thù bệnh lý này, máy trợ thở có tính an toàn cao là khi chúng có cách sử dụng đơn giản, thuận tiện cho người dùng, có thể sản xuất hàng loạt được. Quan trọng hơn hết, khả năng ngăn lây nhiễm chéo trong không gian phòng bệnh là yếu tố quyết định”, ông Phúc cho biết.

Tính ưu việt của chiếc máy trợ thở MV20 do Metran sản xuất nằm ở việc ngăn lây nhiễm chéo thông qua tính năng khu biệt những luồng khí có nhiễm virus và dẫn ra bên ngoài.

Việc này bảo đảm các bác sĩ và nhân viên y tế trong phòng bệnh an toàn khỏi nguy cơ lây nhiễm virus trong không khí. Hiện, trên thế giới chưa có hệ thống máy trợ thở nào bảo đảm được sự an toàn kể trên cho đội ngũ áo trắng trong quá trình điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19.  

Đến khẩu trang lọc không khí của tương lai

Những phát minh của ông Trần Ngọc Phúc còn là giải pháp dành cho cộng đồng trên toàn thế giới. Đó là dự án “Khẩu trang không khí của tương lai”. Khẩu trang ứng dụng công nghệ mới, thoải mái khi trời nóng bức, không gây ngạt thở, thuận tiện cho hoạt động trao đổi khí diễn ra trong phổi.

“Hiện nay, khẩu trang là vật dụng phổ biến mới đối với con người. Nhưng chưa mấy ai hiểu rõ và ý thức được tác dụng của nó đối với bản thân mình. Vì vậy, làm thế nào để mọi người đeo khẩu trang một cách vừa an toàn, vừa thở được thoải mái… là điều tôi luôn trăn trở và bắt tay vào nghiên cứu”, ông Phúc nói.

Khẩu trang có đặc điểm như chất liệu silicon, bộ lọc không khí an toàn cho người sử dụng và thân thiện với môi trường không khí xung quanh. Khoang khẩu trang tạo áp lực dương, bảo đảm không khí chưa lọc khuẩn không thể xâm nhập vào hệ hô hấp.

Mặt khác, thiết bị đi kèm được nối bằng một ống dẫn khí với khẩu trang có tích hợp tia tử ngoại diệt virus bám trên bề mặt cùng khả năng kết nối không dây với điện thoại thông minh.

Trong tương lai, sản phẩm sẽ được bổ sung thêm cảm biến đo áp lực không khí, ô nhiễm không khí, hay thậm chí là thân nhiệt của người sử dụng để tiến hành phân tích.

Chiếc khẩu trang của tương lai này không chỉ thích hợp để kháng virus Covid-19 dành cho người già và trong môi trường bệnh viện mà còn có thể lọc được bụi mịn PM 2.5. Đặc biệt, sản phẩm có tiềm năng hỗ trợ những người bệnh điều trị bệnh tắc nghẽn mãn tính (COPD) giúp họ tự bảo vệ bản thân trong môi trường không khí ô nhiễm.

“Tôi mong rằng nó sớm trở thành một phong cách (lifestyle) để hành động đeo khẩu trang trở nên phổ biến và gần gũi hơn. Chiếc khẩu trang chúng tôi sắp cho ra mắt tạo luồng không khí mát cho phổi, thậm chí không cần đến điều hòa, phần nào giúp tiết kiệm điện năng”, ông Phúc chia sẻ.

Theo ông Trần Ngọc Phúc, bên cạnh máy trợ thở là công cụ điều trị bệnh hay các giải pháp phòng ngừa khác thì vắc-xin vẫn là giải pháp duy nhất cần thiết có khả năng miễn dịch cho cộng đồng.

Ông Trần Ngọc Phúc sinh năm 1947 tại Huế. Năm 1968, ông được gia đình cho sang Nhật du học, tốt nghiệp kỹ sư Đại học Tokai ở Kanagawa, làm việc tại Công ty Senko.
Năm 1982, ông phát minh máy hô hấp nhân tạo dao động cao tần số Hummingbird (HFO) cho trẻ em sinh non. Hummingbird đã vượt qua 7 đối thủ đến từ các nước trên thế giới, giành giải Nhất trong cuộc thi chế tạo máy thở nhân tạo tại Đại học Harvard do Viện Y tế Hoa Kỳ tổ chức. Sản phẩm này được đánh giá là chiếc máy hô hấp nhân tạo cho trẻ sơ sinh tốt nhất thời điểm đó.
Năm 1984, ông sáng lập Công ty Metran, giữ chức vụ Tổng Giám đốc và sau này là chủ tịch. Tháng 7/2012, Nhật hoàng Akihito đã ghé thăm Công ty Metran. Năm 2016, Bệnh viện Từ Dũ là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam sử dụng máy thở Hummingbird do công ty của ông tài trợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.