Giảng viên làm máy thở cho bệnh nhân Covid-19

GD&TĐ - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các nhà khoa học Đại học Bách khoa Hà Nội đã bắt tay vào nghiên cứu và sản xuất thành công máy thở.

PGS.TS Vũ Duy Hải và máy thở BK-Vent.
PGS.TS Vũ Duy Hải và máy thở BK-Vent.

Với việc làm chủ công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội sẵn sàng sản xuất máy thở số lượng lớn nếu dịch bùng phát trên diện rộng.

Quyết tâm làm máy thở made in Việt Nam

Máy thở BK-Vent hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 đã được Viện Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) tiến hành đo lường, kiểm tra và đánh giá đạt các thông số kỹ thuật chính. Đây là đề tài nghiên cứu cấp cơ sở trọng điểm năm 2020 do PGS.TS Vũ Duy Hải – Giám đốc Trung tâm Điện tử Y sinh, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội làm chủ nhiệm.

Cùng tham gia nhóm nghiên cứu còn có 9 thành viên thuộc các chuyên ngành Cơ khí, Cơ khí động lực, Điện tử Viễn thông, Kỹ thuật y sinh và Kỹ thuật hóa học.

Theo PGS.TS Vũ Duy Hải, để cho ra đời một chiếc máy thở đạt chuẩn dùng trong y tế đòi hỏi các nhà sản xuất phải nghiên cứu và xây dựng quy trình chế tạo kỹ lưỡng. Điều này sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức. Trong điều kiện bình thường (không có dịch bệnh), nhu cầu về máy thở là không quá nhiều.

Vì vậy trên thế giới cũng chỉ có một số công ty chuyên sản xuất máy thở. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh, đặc biệt là thời điểm hiện tại, khi đại dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, việc tổ chức sản xuất máy thở của các hãng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Tình hình dịch bệnh đã khiến nhiều công ty sản xuất thiết bị y tế buộc phải cho công nhân nghỉ làm để giảm thiểu tối đa sự lây lan của virus. Trong khi nhu cầu sử dụng máy thở lại tăng lên đột biến. Do đó, trong thời gian qua, chính phủ nhiều nước trên thế giới đã kêu gọi các tập đoàn công nghệ, các trường đại học nghiên cứu sản xuất máy thở để phục vụ cho phòng chống dịch.

Các loại máy thở ở Việt Nam hầu hết đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Với kịch bản dịch Covid-19 có số ca nhiễm từ 50 nghìn người trở lên thì Việt Nam chắc sẽ thiếu máy thở và đi kèm với việc quá tải hệ thống y tế, đội ngũ kỹ thuật viên, chuyên gia.

Trước những giải pháp mà Chính phủ ban hành, việc triển khai nghiên cứu sản xuất máy thở trong nước trong thời gian ngắn để ứng phó với dịch bệnh đang là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là sự vào cuộc của các tập đoàn công nghệ, các trường đại học trên cả nước.

Theo PGS.TS Vũ Duy Hải, ngay từ đầu tháng 4/2020, Ban Giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo thành lập nhóm nghiên cứu liên ngành giữa 5 Viện của Trường để nghiên cứu, chế tạo máy thở. Các tiêu chí đặt ra là đơn giản, tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có, giá thành rẻ và thời gian chế tạo ngắn.

Theo đó, máy thở BK-Vent được chế tạo dựa theo các yêu cầu và quy định của Bộ Y tế, các khuyến cáo của Hiệp hội phát triển thiết bị y tế thế giới AAMI ban hành, hoạt động đơn giản với các linh phụ kiện thiết yếu được sản xuất hoàn toàn trong nước. Nếu đại dịch bùng phát và thiếu máy thở, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tự sản xuất và cung cấp cho các cơ sở y tế với số lượng lớn. 

Công nghệ ứng phó với đại dịch

Máy thở BK-Vent của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Máy thở BK-Vent của Đại học Bách khoa Hà Nội.

PGS.TS Vũ Duy Hải cũng cho biết, máy thở BK-Vent của Đại học Bách khoa Hà Nội có thể thực hiện được chức năng hỗ trợ điều trị tốt cho bệnh nhân thông qua việc kết hợp 2 chế độ trợ thở.

Chế độ thở áp lực dương liên tục CPAP nhằm giúp mở phế nang, tránh xẹp phế nang cho bệnh nhân. Chế độ thở điều khiển theo thể tích VAC để hỗ trợ thở cho bệnh nhân suy hô hấp khi đã được mở phế nang.

Bên cạnh đó, các chức năng điều khiển thông minh của sản phẩm sẽ giúp cho việc phát hiện, đồng bộ với nhịp thở sinh học của người bệnh được chính xác và hiệu quả.

Máy có đủ các chế độ thở trong việc hỗ trợ điều trị viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 (dựa theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế và khuyến cáo của Hiệp hội phát triển thiết bị y tế AAMI). Sản phẩm chế tạo mẫu đã được Viện Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế đánh giá, kiểm định các thông số kỹ thuật. Các nhà khoa học Đại học Bách khoa Hà Nội có thể sản xuất số lượng lớn trong thời gian, dự kiến 300 - 500 máy/tháng.

Trên thị trường Việt Nam hiện cũng đã có một vài đơn vị nghiên cứu sản xuất máy thở. Viện nghiên cứu Bộ Công Thương hoàn thành nghiên cứu, sẵn sàng sản xuất máy trợ thở phục vụ chống dịch Covid-19. Hoạt động của máy chủ yếu dựa vào một bóng Ambu.

Đây là một quả bóng thở bóp tay có thể được tìm thấy dễ dàng tại các bệnh viện, các nhà cung cấp thiết bị y tế tại thị trường Việt Nam hiện nay. Thông thường, với phương pháp bóp bóng Ambu bằng tay, nhân viên y tế sẽ phải liên tục trực bên cạnh bệnh nhân và cần thực hiện đúng kỹ thuật mỗi lần thao tác.

Trong khi đó, thiết kế của máy bóp bóng Ambu do nhóm đề xuất, với cơ cấu cơ, điện, điện tử cho phép chạy liên tục trong nhiều ngày và có khả bắt chước được kỹ thuật của các bác sĩ cấp cứu dựa trên thuật toán điều khiển thông minh theo quỹ đạo co bóp bóng được lập trình trước

Công ty cổ phần nghiên cứu và sản xuất Vinsmart (thuộc Tập đoàn Vingroup) cũng đã được Bộ Y tế chính thức cấp số đăng ký lưu hành cho máy thở Vsmart VFS-510 do Vinsmart phát triển. Sản phẩm đã vượt qua các bài đo kiểm chất lượng độc lập, được tiến hành đánh giá lâm sàng thông qua việc sử dụng thực tế tại nhiều bệnh viện tuyến đầu như Bạch Mai, Quân y 103, Vinmec... với sự theo dõi, đánh giá sát sao của các bác sĩ chuyên khoa và chuyên gia đầu ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sa mạc ngập vì mưa bất thường

GD&TĐ - Hầu hết các nhà khoa học đều có chung nhận định, biến đổi khí hậu có thể 'tiếp tay' gây ra tình trạng thời tiết cực đoan ở UAE.
Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.