“Nổi sóng” giữa miền đất hứa

GD&TĐ - Nhờ gỡ bỏ một số chính sách nhập cư của người tiền nhiệm, Tổng thống Joe Biden đã nhận được ủng hộ của nhiều công dân Mỹ.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Tuy nhiên, chính quyền Biden đang đối mặt với rắc rối lớn từ làn sóng trẻ em di cư không có người lớn đi kèm.

Theo cuộc khảo sát do Yahoo News và YouGov thực hiện từ 23 - 25/3, 62% trong hơn 1.500 người được hỏi cho rằng, tại biên giới Mexico - Mỹ, căng thẳng liên quan đến vấn đề nhập cư đang leo thang. Khoảng 43% cử tri đảng Dân chủ “phần nào tán thành” cách làm việc của ông Biden trong khi chỉ 23% “rất tán thành”.

Khi còn là ứng viên tranh cử, ông Biden đánh giá bản thân là “đối cực của Donald Trump” khi giải quyết vấn đề nhập cư và biên giới. Ông Biden cam kết rằng khi nhậm chức, ông sẽ hủy bỏ một số chính sách nhập cư của người tiền nhiệm, thay thế bằng quy định nhân đạo, cởi mở hơn với những người xin tị nạn.

Ngay sau khi nhậm chức, ông Biden đã nhanh chóng bắt tay thực hiện lời hứa. Tổng thống đã chấm dứt Quy chế Bảo vệ Người di cư (MPP), do chính quyền Donald Trump xây dựng, chấm dứt các thỏa thuận hợp tác về tị nạn (ACA) với các nước Trung Mỹ, hủy bỏ lệnh cấm du lịch đến Mỹ từ một số quốc gia Hồi giáo, châu Phi, đình chỉ xây dựng tường dọc biên giới Tây Nam. Những động thái này đã nhận được sự ủng hộ từ phía người di cư và công dân Mỹ.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, chính quyền Biden phải đối mặt với sự chỉ trích từ cả hai phía vì không ngăn chặn và phản ứng nhanh hơn với làn sóng trẻ em di cư không có người lớn đi kèm. Bên cạnh cuộc khủng hoảng di cư, ông Biden đang phải đối mặt với chỉ trích từ phe Cộng hòa và một số người từ chính đảng Dân chủ.

Hiện tại, Mỹ chưa mở biên giới cho người di cư, chỉ tiếp nhận trẻ em không có người lớn đi kèm, dẫn đến tình trạng quá tải các trung tâm tiếp nhận trẻ em. Tính đến cuối tháng 3, hơn 5.000 trẻ em di cư đang bị tạm giữ tại các cơ sở tuần tra biên giới.

Khoảng 3.000 em mắc kẹt hơn 10 ngày. Về mặt pháp lý, trẻ em không có người lớn đi kèm chỉ được tạm giữ trong các cơ sở này tối đa 72 giờ, sau đó được chuyển giao cho Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (HHS) quản lý.

Trong vài năm qua, Đội Tuần tra Biên giới đã phải đối mặt với những báo cáo về lạm dụng, đe dọa, thậm chí khiến nhiều trẻ em tử vong trong thời gian tạm giữ. Đây là bằng chứng rõ ràng về rủi ro các em phải đối mặt, chưa kể đến mối nguy hiểm lây nhiễm Covid-19.

Chính quyền Biden và HHS đã nỗ lực mở thêm các trung tâm tiếp nhận khẩn cấp dành cho trẻ em, tăng cường xét nghiệm Covid-19, di dời trẻ em di cư đến những cơ sở tạm giữ khác trên cả nước.

Chính phủ cũng có kế hoạch sử dụng trung tâm hội nghị tại Dallas, có sức chứa tới 3.000 người, để tạm giữ trẻ em trai di cư từ 15 - 17 tuổi trong tối đa 90 ngày. Bên cạnh đó, thúc đẩy nhanh quá trình giúp các em đoàn tụ với người thân hoặc tìm người bảo lãnh phù hợp.

Trong cuộc họp báo ngày 25/3, ông Biden thừa nhận điều kiện tạm giữ trẻ em di cư tại biên giới là “không thể chấp nhận”. Tuy nhiên, ông bảo vệ quyết định mở cửa biên giới cho nhóm đối tượng này.

Ngược lại, chính quyền Biden vẫn tiếp tục trục xuất nhiều người di cư khác khỏi nước Mỹ dựa trên lệnh y tế công cộng khẩn cấp do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ ban hành để hạn chế lây nhiễm Covid-19.

Số lượng lớn trẻ không có người lớn đi kèm tràn vào nước Mỹ đang trở thành vấn đề cấp bách. Căng thẳng đặt ra câu hỏi, liệu đây có phải cuộc khủng hoảng mới hay không? Và Tổng thống Biden sẽ “dập lửa” thế nào trong nhiệm kỳ của mình?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.