Họ bắt đầu có nhiều công việc và vị trí nhất định ngoài xã hội.Cùng với đó, nhiều chị em đã thắc mắc và than phiền chuyện con không theo mẹ.
Đặc biệt khi sinh con, sau chế độ nghỉ dài hạn, phụ nữ lại bắt đầu công việc cơ quan và lẽ đương nhiên phải gửi con cho ông bà hoặc thuê người giúp việc.
Chị Trần Hồng Nhung - Nhân viên Marketting cho một công ty hóa mỹ phẩm nổi tiếng - cho biết: Công việc của chị cũng thường xuyên phải đi lại nhiều và phải tự phát triển nên thời gian dành cho gia đình không nhiều.
Phải gửi con cho ông bà ngoại, mỗi ngày đi làm về thấy con có ông bà chăm cũng yên tâm nhưng mỗi khi muốn ôm con thì con lại không theo mẹ.
Đó không chỉ là nỗi niềm riêng của chị Nhung mà còn là nỗi niềm của rất nhiều bà mẹ khác.
Nguyễn Hải Châu (Thụy Khuê, Hà Nội) nói: Mình làm kế toán cho một cơ quan nhà nước, công việc cũng chỉ làm theo giờ hành chính quy định nhưng không có người trông con nên phải thuê người giúp việc. Ban đầu mình cảm thấy may mắn vì có cô giúp việc chăm chỉ, sạch sẽ, đi làm cũng yên tâm phần nào.
Nhưng khổ nỗi, mỗi khi đi làm về hay những ngày nghỉ ở nhà, con trai mình chỉ yêu cầu người giúp việc làm chứ không chịu cho mẹ chăm. Cho con ăn mà con khóc không chịu, lại ngậm ngùi nghĩ mình còn không bằng cả cô giúp việc.
Không thể phủ nhận việc con cái có người chăm sóc, chị em sẽ có rất nhiều thời gian để chăm chút bản thân cũng như việc cơ quan. Nhưng khi con quá quen với việc bà cho ăn, người giúp việc tắm…thì những bà mẹ lại cảm thấy tủi thân.
Trần Thu – Giáo viên dạy tiểu học - nói: Khi con không theo mẹ, bất cứ bà mẹ nào cũng có những cảm xúc hụt hẫng nhưng đôi khi bản thân mình cũng phải dành thời gian cho con nhiều hơn, chơi đùa và nói chuyện với con và tất cả những thời gian rảnh đều dành chon con để con quen với hình ảnh của mẹ.
Không phải các bà mẹ không biết điều đó, nhưng công việc cũng ảnh hưởng nhiều đến người phụ nữ. Hoài Phương (Dịch Vọng, Hà Nội) tâm sự:
Hai vợ chồng mình sống cùng ông bà nội, hết 6 tháng nghỉ sinh con, dù không đành lòng mình cũng phải để con cho ông bà nội trông để đi làm.
Cháu được ông bà trông nom cẩn thận nên mình cũng yên tâm , nhưng cũng từ đó mình cảm thấy con quý bà hơn cả mẹ, miệng lúc nào cũng “bà cơ”, đôi lúc không thể tránh được sự ghen tị.
Là một người mẹ, ai cũng muốn tự tay chăm sóc con mình và yêu thương con mình. Mỗi niềm vui, nỗi buồn của con đều được mẹ ghi dấu trong lòng. Chính vì vậy, khi mẹ đưa tay ra ôm con mà con lại quay mặt đi thì không thể tránh khỏi những nỗi buồn, nhiều khi xen lẫn cả ngạc nhiên.
Để cuộc sống vui vẻ, các bà mẹ nên cân bằng công việc bận rộn của mình và dành nhiều thời gian hơn nữa cho những đứa con thân yêu của mình, để hình ảnh của mẹ luôn đẹp và lớn mãi trong lòng con trẻ. Đó cũng là một yếu tố quan trọng xây dựng hạnh phúc gia đình.