Xây dựng môi trường giáo dục đồng bộ
Chia sẻ của TS. Trần Thị Thanh Thuỷ, thành viên Ban điều hành, Hiệu trưởng Trường THPT Alpha School, một trong những giải pháp được triển khai có hiệu quả trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh nhà trường là xây dựng một môi trường giáo dục đồng bộ: Gia đình - học sinh - nhà trường.
Điều này có nghĩa là bất kỳ thành viên nào cũng đều được tham gia vào quá trình giáo dục. Học sinh là trung tâm của trường học nhưng không có nghĩa là một chủ thể độc lập. Mỗi phụ huynh, mỗi thầy cô, cán bộ, nhân viên nhà trường hàng ngày cần tích lũy và học hỏi những điều mới trong ngôi nhà chung, cùng tạo nên một hệ sinh thái tích cực.
Tạo môi trường giáo dục đồng bộ giữa gia đình và nhà trường, Trường THPT Alpha School đã tổ chức chuỗi 8 buổi hội thảo tuyển sinh để cha mẹ học sinh hiểu được định hướng giáo dục của nhà trường.
Các phụ huynh cũng tham gia làm bài thi trong kỳ xét tuyển đầu vào để chia sẻ mục đích, cách thức giáo dục con tại gia đình, giúp nhà trường hiểu và đánh giá được sự phù hợp của gia đình trong hoạt động phối hợp giáo dục trong và ngoài nhà trường.
“Tại Alpha School, cha mẹ học sinh cùng tham gia các hoạt động giáo dục con trong quá trình con học, như đọc nhật ký hằng ngày của con; trao đổi về tình hình của con với cố vấn học tập; phối hợp với nhà trường trong quá trình giáo dục con; tham gia một số hoạt động chung với con, cũng như tham gia các hội thảo, trao đổi của Ban điều hành và bộ phận tâm lý/huấn luyện. Cha mẹ có thể trao đổi với cố vấn học tập, bộ phận tâm lý khi con gặp khó khăn, phối hợp với nhà trường khi con cần giúp đỡ đặc biệt” - TS. Trần Thị Thanh Thuỷ cho biết.
Chia sẻ các yếu tố ảnh hưởng đến sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội trong giáo dục học sinh từ thực tế tại Alpha School, TS. Trần Thị Thanh Thuỷ nhấn mạnh đến triết lý giáo dục của hệ thống; quan điểm giáo dục của phụ huynh; nhận thức của giáo viên và nhân viên phục vụ tại trường; các nguyên tắc vận dụng trong mối quan hệ hợp tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; điều kiện tổ chức trường, lớp (địa điểm đặt trường, điều kiện cơ sở vật chất, số học sinh/ lớp)
Trong đó, triết lý giáo dục của hệ thống có ảnh hưởng một cách cực kỳ quan trọng đến mối quan hệ này bởi những tư tưởng, định hướng đó sẽ ảnh hưởng đến việc đồng bộ giữa môi trường văn hoá của hệ thống đến quá trình đào tạo giáo viên và nhân viên cũng như chương trình/kế hoạch giáo dục học sinh.
“Trong mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường, chúng tôi bảo đảm nguyên tắc hợp tác giữa gia đình và nhà trường là “Kịp thời - lắng nghe - chia sẻ - thấu hiểu”, dựa trên “niềm tin” để cùng nhau phối hợp trong quá trình giáo dục học sinh. Chính vì tuân theo những nguyên tắc này, nên trong quá trình giáo dục, những vấn đề nảy sinh giữa gia đình và nhà trường trong quá trình giáo dục học sinh thường được giải quyết một cách triệt để.
Một lý do quan trọng khiến cho việc phối hợp trở nên hiệu quả là chúng tôi (nhà trường và phụ huynh) đã thấu hiểu trong suốt chặng đường phụ huynh tham gia các buổi chia sẻ trong chuỗi hội thảo tuyển sinh cũng như thông qua bài chia sẻ của phụ huynh khi con bắt đầu vào học tại Alpha” - TS. Trần Thị Thanh Thuỷ cho hay.
Phối hợp gia đình-nhà trường: Phải làm tốt hơn nữa
Trường THCS Liên Bảo,thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, là đơn vịcó bề dày truyền thống, chất lượng giáo dục bền vững ở vị trí tốp của tỉnh. Để có được chất lượng giáo dục như vậy, một trong những nhiệm vụ quan trọng, mang tính chiến lược trong phát triển giáo dục được nhà trường đặc biệt coi trọng, duy trì thường xuyên, hiệu quả đó là công tác giáo dục đạo đức, lối sống, lý tưởng sống cho học sinh.
Dù giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh đang được nhà trường triển khai rất hiệu quả, với các giải pháp đồng bộ và đẩy mạnh tổ chức một số mô hình hoạt động, nhưng theo cô Triệu Thị Thanh Hà, hiệu trưởng nhà trường, còn không ít khó khăn trong công tác này.
Trong đó có khó khăn từ những hạn chế, tác động xấu từ môi trường của thời kỳ“mở cửa, hội nhập”, những “tư tưởng văn hoá xấu, ngoại lai”, mặt trái của cơ chế thị trường đã tác động tiêu cực đến đạo đức, lối sống của thanh thiếu niên.
Giáo viên của trường thiếu về số lượng, không đồng bộ về cơ cấu bộ môn. Giáo viên dạy môn Giáo dục công dân phải dạy trái ban, gặp nhiều khó khăn trong việc giảng dạy. Số lượng học sinh toàn trường cũng như số học sinh trong một lớp khá đông, lại không đồng đều về khả năng nhận thức cũng như ý thức tu dưỡng rèn luyện đạo đức cũng là một khó khăn trong công tác giáo dục đạo đức học sinh.
Một bộ phận phụ huynh mải làm ăn mưu sinh mà thiếu quan tâm đến việc học tập của con em, còn nuông chiều con, chưa có sự phối hợp tích cực với nhà trường trong việc giáo dục con em.
Để công tác giáo dục đạo đức, lối sống học sinh đạt hiệu quả tích cực hơn với Trường THCS Liên Bảo, cô Triệu Thị Thanh Hà cho rằng, cần tăng cường công tác lãnh đạo của Chi bộ, chỉ đạo của Ban giám hiệu đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức học sinh trong nhà trường. Xây dựng trường học hạnh phúc góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho học sinh.
Cùng với đó, thực hiện tốt giáo dục tích hợp nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các môn học và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Nâng cao vai trò, vị trí và chất lượng dạy và học môn Giáo dục công dân góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức học sinh. Tổ chức tốt các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa để nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
“Bên cạnh nâng cao vai trò, vị trí, chất lượng công tác chủ nhiệm lớp, cần làm tốt hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình và xã hội (các tổ chức, đoàn thể của địa phương) trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh” – cô Triệu Thị Thanh Hà cho hay.
Thông qua quá trình giáo dục trong hơn 6 năm, TS. Trần Thị Thanh Thuỷ cho rằng, để giáo dục thực sự thành công cần thiết cần phải có sự phối hợp giữa các gia đình – nhà trường – xã hội, trong đó mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường có tính chất quyết định và then chốt nhất. Mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường thể hiện thông qua rất nhiều các hoạt dộng và bằng nhiều kênh thông tin khác nhau. Muốn duy trì được mối quan hệ đó không gì khác là sự hiểu biết và nỗ lực không ngừng của Ban lãnh đạo nhà trường cùng đội ngũ giáo viên.
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020” cũng đặc biệt nhấn mạnh vai trò gia đình trong giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Trong đó cho rằng, để giáo dục gia đình trong điều kiện, bối cảnh hiện nay cũng như trong thời gian tới vượt qua những khó khăn, thách thức, đạt được hiệu quả cao hơn nữa cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ cả về quan điểm, nhận thức, định hướng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội mà các gia đình là trung tâm.