Đặc biệt, tại xã Ia O (huyện Ia Grai, Gia Lai) vẫn lưu giữ được khoảng 517 bộ chiêng (gồm 315 bộ chiêng hanh, 202 bộ chiêng quý), chiếm hơn 1/2 số lượng cồng chiêng trên địa bàn huyện, khoảng 1/11 số lượng cả tỉnh. Thực tế là tại xã này, người dân xem chiêng là tính mạng của mình, quyết không đánh đổi với bất cứ thứ gì.
1.000 con bò cũng không mua được chiêng
Đến nhà ông Ksor Có (68 tuổi, làng Dăng, xã Ia O) vào buổi chiều tà, chúng tôi thấy chủ nhà đang hì hục vác bộ chiêng quý hơn 10 chiếc cất trong kho ra hiên nhà luyện tập cùng đám trai làng. Ông Ksor Có cầm chiếc chiêng bố to nhất đứng đầu, 9 thanh niên cầm 9 chiếc chiêng đứng nối tiếp.
Khi mọi người cầm dùi đánh, một âm thanh trong trẻo vang liên hồi bay tỏa khắp núi đồi, đâm xuyên qua những làn sương phủ dày đặc. Tiếng chiêng có sức hút đến nỗi, nhiều khán giả xung quanh không kiềm chế được cảm xúc cũng tham gia nhảy múa, hò hét. Cả làng, cả bản cùng hòa mình mỗi khi nhịp chiêng vang lên.
Theo ông Ksor Có, thời gian tới, ông cùng trai làng sẽ tham gia hội diễn cồng chiêng nên bây giờ tranh thủ tập luyện trước. Bộ chiêng của ông đang sử dụng là chiêng Path, rất quý, được ông mua cách đây 50 năm với giá 30 con bò.
“Hồi ấy, nghe bạn giới thiệu có người bán bộ chiêng Path nên mình đạp núi băng rừng đến xem. Sau khi thử chiêng, mình chết mê chết mệt với âm thanh trong trẻo, giòn giã của chiêng Path. Mình hỏi thì người chủ họ hét giá 30 con bò. Biết đắt nhưng do quá mê chiêng, lại sợ mất cơ hội sở hữu nên đành cắn răng về huy động bò của nhà, người thân, bạn bè để lấy chiêng về”, ông Ksor Có nói.
Mang chiêng về, ông Có “làm đẹp” cho chiêng bằng cách bán thóc lấy 1 triệu đồng mua túi sách đan bằng mây để làm túi đựng chiêng. Suốt 50 năm qua, ông Ksor Có sử dụng chiêng Path để đánh trong đám ma, cúng lúa nước, đâm trâu hay các lễ hội, lễ tết… Chúng tôi đặt vấn đề muốn mua bộ chiêng của ông với giá 100 con bò, ông Ksor Có lắc đầu, đồng thời khẳng định: “Có 1.000 con mình cũng không bán. Mình để sử dụng. Sau này về với giàng (cách đồng bào nói về cái chết) thì truyền lại cho con”.
Cách nhà ông Ksor Có 500m, nhà bà Ksor Byơih (78 tuổi, làng Dăng) cũng sở hữu bộ chiêng Path quý hiếm. Đến nhà hỏi về chiêng, bà Byơih nhìn khách chằm chằm rồi nói cụt lủn: “Đi chỗ khác mà tìm. Ở đây không có chiêng nào cả”. Đến khi trưởng thôn ra mặt, bà Byơih mới thừa nhận nhà có chiêng. “Hôm rồi thôn xảy ra mấy vụ mất trộm chiêng.
Vì thế hễ gặp người lạ vào nhà hỏi chiêng, tôi đều nói dối là không có để trộm bỏ ý định”, bà Byơih lý giải. Nói rồi, bà Byơih bước vào buồng mở khóa lấy chiêng. Buồng được gia chủ khóa 2 ổ khóa chắc nịch. Dù trộm có cạy cửa, bẻ khóa cũng mất khá nhiều công sức.
Theo bà Byơih, bộ chiêng của bà có tuổi thọ hơn 100 năm, được tổ tiên truyền mấy đời. Những năm trước, chồng bà hay sử dụng, nhưng 2 năm nay, khi chồng mất, bà hay cho hàng xóm và con cháu mượn để đánh. “Nhiều người trả tôi hàng trăm con bò, hoặc đổi xe đẹp nhưng tôi đâu có bán. Chiêng này của tổ tiên, là mạng sống của gia đình nên tôi phải giữ bằng mọi giá” - bà Byơih nói.
Quyết tâm giữ hồn dân tộc
Cồng chiêng là tài sản vô giá, là linh hồn, là thần linh, là cuộc sống của dân tộc Tây Nguyên. Vì vậy, việc bảo tồn giá trị văn hóa đích thực của cồng chiêng là trách nhiệm của cả cộng đồng và quan trọng nhất là đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên để có thể sáng tạo, lưu truyền di sản văn hóa phi vật thể không gian cồng chiêng này.
Theo ông Puih Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Ia O, tổng số chiêng của xã nằm rải rác ở tất cả 9 buôn làng. Đặc biệt có nhiều hộ sở hữu 4 - 5 bộ, còn lại mỗi hộ một bộ, có hộ nghèo quá thì không có bộ chiêng nào. Nhiều bộ chiêng có tuổi đời hàng trăm năm, được truyền từ thế hệ này sang hệ khác. Cũng có bộ chiêng được mua ở tỉnh khác về. Cá biệt hơn có bộ chiêng được người dân sang tận Lào, Campuchia sưu tầm.
“Sở dĩ xã Ia O sở hữu nhiều chiêng nhất bởi ở đây, người dân xem chiêng là máu thịt của mình, là nét văn hóa của dân tộc cần phải được gìn giữ bằng mọi giá. Nhiều hộ quan niệm trong nhà có thể thiếu bất cứ thứ gì nhưng chiêng phải có.
Nhiều người không biết đánh chiêng cũng phải giữ chiêng trong nhà để cho con cháu sử dụng, hoặc đến khi chết còn có cái mà đánh để tiễn mình về với trời đất. Cũng vì nhiều chiêng nên vào các dịp lễ, hay các đợt cúng, người dân mang chiêng tụ tập đánh. Cả vùng đất chìm trong nhịp chiêng” - ông Lợi nói.
Ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Di sản văn hóa, Sở VH,TT&DL Gia Lai cho biết: Trong thời buổi nạn “chảy máu” cồng chiêng đang diễn ra, việc người dân xã Ia O yêu quý chiêng, bằng mọi cách để giữ chiêng là việc làm đáng trân trọng, góp phần bảo tồn nét văn hóa dân tộc. Đây là việc làm đáng được tuyên dương.