Tô Hiến Thành và vụ hối lộ đánh tráo ngôi vua

GD&TĐ - Vụ hối lộ để đánh tráo ngôi vua vào cuối triều Lý là một trong những vụ án nổi tiếng nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Tượng và đền thờ Tô Hiến Thành ở Đan Phượng, Hà Nội. Ảnh: ITN.
Tượng và đền thờ Tô Hiến Thành ở Đan Phượng, Hà Nội. Ảnh: ITN.

Tráo ngôi vua

Thái phó Tô Hiến Thành (1102 - 1179), người làng Hạ Mỗ thuộc Đan Phượng, Hà Nội ngày nay. Theo sách “Từ Liêm huyện đăng khoa chí”, ông từng thi đỗ Minh kinh bác học (tiến sĩ) khoa Mậu Ngọ (1138) đời vua Lý Thần Tông. Sau khi đỗ đạt, ông ra làm quan cho triều Lý, sớm trở thành vị quan văn võ toàn tài.

Đến thời vua Lý Anh Tông, Tô Hiến Thành là bậc hiền thần, giữ chức Đô tướng có công đánh dẹp Ai Lao, Chân Lạp quấy nhiễu biên thùy và một số cuộc nổi loạn trong nước.

Theo “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú, sau khi dẹp yên bờ cõi, Tô Hiến Thành trở về nắm binh nghiệp, ông chăm lo việc rèn binh kén tướng, thuyết giảng quân sự, luyện tập quân sĩ… Nhờ đó, việc quân đội, việc biên phòng nhất nhất được chỉnh tề, giúp nước nhà ngày càng hùng mạnh, buộc nhà Tống phải công nhận Đại Việt vào năm 1164.

Bên cạnh chiến công binh nghiệp, sự nghiệp văn quan của ông cũng hiển hách không kém. Nhưng phần lớn công lao tập trung ở giai đoạn cuối đời, khi ông trở thành vị đại thần phụ chính tài năng và đức độ cuối cùng của nhà Lý.

Giữ chức Thái phó bình chương quân quốc trọng sự (Tể tướng) đứng đầu triều đình, được vua tôi hết mực tin tưởng nên khi vua Lý Anh Tông sắp qua đời đã giao thái tử Long Cán cho ông và được quyền thay vua nhỏ tuổi nhiếp chính.

Năm 1175, khi vua Lý Anh Tông qua đời, vua Lý Cao Tông nối ngôi mới chỉ 3 tuổi, Tô Hiến Thành là quan phụ chính đại thần, thay vua giải quyết những vấn đề trọng đại của đất nước.

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, bấy giờ, Đỗ Thái hậu muốn phế Long Trát để lập con trai bà ta lên làm vua, bèn đem một mâm vàng bạc đút cho vợ của Tô Hiến Thành. Tô Hiến Thành biết được, đã nói rằng: “Ta là đại thần nhận mệnh của tiên tổ để lo giúp đỡ vua còn bé, nay lại lấy của đút mà làm chuyện phế lập thì còn mặt mũi nào trông thấy tiên đế ở dưới suối vàng”.

Không đạt được mục đích, Thái hậu họ Đỗ lại gọi Tô Hiến Thành đến thuyết phục nhưng ông vẫn một mực nói: “Làm việc bất nghĩa mà được giàu sang, kẻ trung thần nghĩa sĩ đâu có chịu làm, huống chi lời của tiên đế còn ở bên tai, điện hạ lại không nghe việc của Y Doãn, Hoắc Quan hay sao? Thần không dám vâng lệnh”.

Dù âm mưu phế lập của thái hậu không thành nhưng bà ta vẫn chưa chịu từ bỏ. Năm 1178, khi hết quốc tang, Đỗ Thái hậu lại ban yến cho quần thần ở điện của mình và dụ rằng: “Hiện nay, tiên đế đã chầu trời, vua nối ngôi thơ ấu, nước Chiêm Thành thất lễ, người phương Bắc quấy nhiễu. Các khanh chịu ơn nặng của triều đình, nên lo việc của nước nhà. Kế sách ngày nay không gì bằng lập lại thái tử, để vận nước được lâu dài, lòng dân được yên”.

Các quan đều chắp tay tâu: “Thái phó nhận mệnh rõ ràng của thiên tử, bệ hạ cũng đã nhiều lần dỗ bảo rồi, bọn thần không dám trái mệnh”. Tô Hiến Thành lúc bấy giờ lãnh cấm binh, nghiêm hiệu lệnh, thưởng phạt công bằng, quần thần lẫn người trong nước đều hết sức nể phục.

to-hien-thanh-va-vu-hoi-lo-danh-trao-ngoi-vua-2.jpg
Tranh minh họa Thái hậu hối lộ Tô Hiến Thành. Ảnh: ITN.

Vì nước chọn người tài

Khi Tô Hiến Thành ốm nặng, tham tri chính sự Vũ Tán Đường vốn là người trong bè cánh của thái hậu được cử đến ngày đêm chăm sóc, thuốc thang chu đáo cho ông. Trong khi, gián nghị đại phu Trần Trung Tá vì quá bận việc triều đình nên không có thời gian rảnh rỗi đến thăm ông. Lúc ông sắp mất, thái hậu thân đến thăm và hỏi ông rằng “Nếu Thái úy có mệnh hệ nào thì ai là người có thể thay ông?”.

Tô Hiến Thành trả lời: “Trung Tá có thể thay được!”. Thái hậu tỏ vẻ thắc mắc và hỏi để nhắc: “Thế Tán Đường ngày ngày hầu hạ thuốc thang cho Thái úy sao không được nhắc đến?”.

Tô Hiến Thành trả lời: “Vì thái hậu hỏi người nào thay thần nên thần mới nói đến Trung Tá, còn như hỏi người hầu dưỡng thì ngoài Tán Đường còn ai nữa?”.

Thái hậu buộc phải tặng ông một lời khen là “Trung”. Tuy vậy, sau khi Thái úy Tô Hiến Thành qua đời, bà đã không làm theo lời tiến cử của ông.

Năm 1179, Thái phó Tô Hiến Thành qua đời, triều Lý đau xót như mất một cánh tay. Biết tin ông mất, vua Lý Cao Tông đã bớt ăn 3 ngày, nghỉ chầu 6 ngày để tỏ lòng thương xót ông.

Hành động vì nước bỏ tình riêng của Tô Hiến Thành trong việc kén chọn người tài trở thành một trong những điển tích đẹp trong quan trường sử Việt.

Đánh giá về ông, sử gia Ngô Sĩ Liên cho rằng: “Tô Hiến Thành nhận việc ký thác con côi, hết sức trung thành, khéo léo xử lý khi biến cố, như cột đá giữa dòng, tuy bị sóng gió lay động, vỗ đập mà vẫn đứng vững không chuyển, khiến trên yên dưới thuận, không thẹn với phong độ của đại thần xưa nay. Huống chi đến lúc sắp chết còn vì nước tiến cử người hiền, không vì ơn riêng. Thái hậu không dùng lời nói của Hiến Thành là việc không may cho nhà Lý vậy”.

Sau khi qua đời, Tô Hiến Thành được thờ ở rất nhiều nơi tại miền Bắc như tại Ninh Bình, Hà Tĩnh, Hải Phòng... Riêng ở Thanh Hóa, trước đây có tới 72 đền thờ Tô Hiến Thành. Tại làng Viên Lang, Cổ Am, Lạng Am thuộc Vĩnh Bảo, Hải Phòng, ông được nhân dân xây đền thờ và tôn làm Thành hoàng. Trên đất nước ta ngày nay, tên ông được dùng để đặt cho nhiều tuyến đường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ