Đoạn trích Tùy bút 'Thương nhớ mùa Xuân' của Vũ Bằng:

Nỗi lòng người khách ly hương

GD&TĐ - Trong văn chương, đôi khi niềm xa thương da diết sẽ khơi nguồn cảm hứng để người cầm bút viết nên trang văn từ trái tim đi đến những trái tim.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chân lí trên rất đúng với nhà văn Vũ Bằng khi ông viết cuốn tùy bút tuyệt hay của đời mình “Thương nhớ mười hai”. Trong miền nhớ thương thăm thẳm về thiên nhiên, con người, phong tục của người Việt ở Bắc Bộ qua mười hai tháng trong một năm, ta yêu nhất trang văn về mùa Xuân đất Bắc, trang văn tha thiết ân tình của người khách ly hương.

Theo nghiệp văn chương bởi đam mê

Vũ Bằng tên đầy đủ là Vũ Đăng Bằng, sinh năm 1913 ở Hà Nội, mất năm 1984 tại Sài Gòn, quê gốc của ông ở làng Lương Ngọc, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Cha mất sớm, Vũ Bằng ở với mẹ là chủ một tiệm bán sách ở phố Hàng Gai (Hà Nội), được mẹ cho ăn học.

Từ nhỏ, Vũ Bằng đã tỏ ra rất thông minh, ham chuộng văn chương, năm mười sáu tuổi ông đã có truyện đăng báo trên tờ An Nam tạp chí. Mẹ ông khuyên con trai đi du học Y khoa ở Pháp, có lần bà phải thốt lên, không muốn con mình theo nghiệp cầm bút: “Trời ơi, làm cái nghề gì chứ lại làm báo! Xin anh thương mẹ, đừng làm cái nghề ấy, vì nhà ta không nhiều phúc đức đâu…”.

Song với niềm đam mê văn chương, Vũ Bằng chọn con đường bút mực, chọn làm báo, viết văn lập nghiệp. Với Vũ Bằng, viết là đam mê, là lẽ sống, đi qua muôn ngàn sóng gió ẩn ức cuộc đời, những trang văn của ông neo đậu, chạm khắc nơi trái tim người đọc. Vũ Bằng có sở trường về viết truyện ngắn, tùy bút, bút ký. Những tác phẩm của ông như: Miếng ngon Hà Nội (1960), Miếng lạ miền Nam (1969), Thương nhớ mười hai (1971)... được người đọc say mê, xem đó là áng văn của tình yêu được viết nên bởi ngòi bút tài hoa, mang nặng ân tình với quê hương đất nước.

Nhớ lắm cảnh sắc mùa Xuân Bắc Việt

“Thương nhớ mười hai” là tập tùy bút hay nhất trong đời văn của Vũ Bằng. Tác phẩm được nhà văn khởi viết từ tháng Giêng năm 1960, cho đến năm 1971 mới hoàn thành. Ra đời trong bối cảnh tác giả phải sống xa quê hương, vì chiến tranh chia cắt đất nước, “Thương nhớ mười hai” là áng văn được cất nên bởi hoài niệm của người khách tha hương với bao niềm thương nhớ mênh mang về cảnh sắc thiên nhiên, con người mười hai tháng trong năm của xứ Bắc.

Đoạn trích “Thương nhớ mùa Xuân” (Sách giáo khoa Ngữ văn 11, bộ Cánh diều) là những dòng cảm xúc về tháng Giêng, thuộc chương một của tác phẩm. Lắng sâu trong từng trang viết, người đọc cảm nhận được vẻ đẹp cảnh sắc mùa Xuân đặc trưng của đất Bắc, của Hà Nội dấu yêu.

Văn chương là tiếng nói của tình cảm, tình đậm văn nồng say cuốn hút lòng người. Cái tình của Vũ Bằng với mùa Xuân mới da diết làm sao: “Tự nhiên như thế: Ai cũng chuộng mùa Xuân. Mà tháng Giêng là tháng đầu của mùa Xuân, người ta càng trìu mến, không có gì lạ hết. Ai bảo được non đừng thương nước, bướm đừng thương hoa, trăng đừng thương gió; ai cấm được trai thương gái, ai cấm được mẹ yêu con, ai cấm được cô gái còn son nhớ chồng thì mới hết được người mê luyến mùa Xuân”.

Đó là tình cảm tự nhiên, tựa như quy luật tất yếu. Cái tài của người viết trong mấy câu văn mở đầu đoạn trích là sử dụng một chuỗi các hình ảnh ẩn dụ đối sánh: Non - nước; bướm - hoa; trăng - gió; trai - gái; mẹ - con; cô gái còn son - chồng để khẳng định tình cảm mê luyến, yêu chuộng mùa Xuân của riêng mình, và cũng là quy luật của tự nhiên, của lòng người.

Sau đoạn mở đầu bộc lộ trực tiếp cảm xúc về mùa Xuân, đoạn thứ hai là bức họa riêng về cảnh xuân Bắc Việt: “Mùa Xuân có mưa riêu riêu, gió lành lạnh, có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng ...”.

Vẫn là cảnh xuân, song nếu cảnh xuân trong thơ Nguyễn Bính là xuân mãn, tháng Ba với “mưa xuân phơi phới bay, hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy” thì cảnh xuân trong văn Vũ Bằng lại là xuân chớm, đầu Giêng. Dệt nên bởi niềm thương nhớ, cho nên hình ảnh xuân chớm trong câu văn của Vũ Bằng đọng lại ấn tượng khó quên với cảm giác từ “mưa riêu riêu, gió lành lạnh” và cả âm thanh “câu hát huê tình của cô gái đẹp”.

Cái hồn cảnh xuân đất Bắc đã được nhà văn gợi lên bởi ngòi bút tinh tế, mưa như có dáng, có hình, thanh thanh, mảnh mảnh, cái lạnh se se trong gió gợi phút mùa Xuân mới chớm, và trong không gian thơ mộng đó, âm thanh của thiên nhiên, của con người ngân lên đẹp như một miền cổ tích, không khí mùa Xuân, không khí lễ hội. Quả thực, Vũ Bằng rất tài khi thức tỉnh trong ta về một miền kí ức, để rồi ta thêm mến yêu mùa Xuân đất mẹ ngàn đời.

“Đẹp quá đi mùa Xuân ơi - mùa Xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến”. Câu văn mở đầu đoạn ba gói trọn một tình yêu, và từ đó mở ra cho người đọc cảm xúc về mùa Xuân Hà Nội. Với Vũ Bằng, mùa Xuân Hà Nội yêu nhất là sau ngày rằm tháng Giêng. Khi đó “Tết hết mà chưa hết hẳn, đào hơi phai nhưng nhuỵ vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông, đầu giêng, nhưng trái lại lại nức một mùi hương man mát.

Thường thường, vào khoảng đó trời đã hết nồm, mưa xuân bắt đầu thay thế cho mưa phùn, không còn làm cho nền trời đùng đục như màu pha lê mờ. Trên giàn hoa lý, vài con ong siêng năng đã bay đi kiếm nhị hoa... Thời tiết lúc đó kì lạ lắm: Rét vẫn còn vương trên ngọn xoan đào, nhưng đất ở ngoài vườn khô ráo, sạch bong, mịn màng như thể đất rừng Đà Lạt sau một đêm sương, và, qua những kẽ lá chòm cây, có những bông hoa nắng rung rinh trong bể nước...”.

Tiết xuân Hà Nội qua ngòi bút của Vũ Bằng sau ngày rằm tháng Giêng mang một vẻ riêng không nóng cũng không rét, mát mẻ và rất dễ chịu, cảnh xuân được đẹp không chỉ bởi sắc mà còn cả hương. Tất cả như hòa điệu làm nên chất men say mê đắm lòng người.

Và say nhất, tuyệt nhất là những câu văn Vũ Bằng tả về trăng tháng Giêng: “Cái trăng tháng Giêng, non như người con gái mơn mởn đào tơ, hình như cũng đẹp hơn các tháng khác trong năm thì phải: Sáng nhưng không đẹp lộng lẫy như trăng sáng mùa Thu, đẹp nhưng không đẹp một cách úa héo như trăng tháng Một.

Cái đẹp của trăng tháng Giêng là cái đẹp của nàng trinh nữ thẹn thùng, vén màn hoa ở lầu cao nhìn xuống để xem ai là tri kỷ, mặc dầu không có ai thấy để đoán biết tâm sự mình, nhưng cứ thẹn bâng khuâng, thẹn với chính mình”.

Tài quan sát, sự phát hiện tinh tế giúp nhà văn phát hiện cái nét riêng của trăng tháng Giêng, nét đẹp ấy không giống với trăng ở các tháng khác. Một nét đẹp thẹn thùng, mơn mởn sắc xuân, trăng ngỡ như người thiếu nữ đang độ xuân thì thẹn thùng, e ấp. Đằng sau bức tranh xuân là điệu hồn văn sĩ, người lữ khách tha hương gửi trọn tình yêu với mùa Xuân Bắc Việt.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Mãi mãi một tình yêu da diết

“Làm thơ thì không thể không có cái tôi” (Viên Mai). Suy cho cùng, văn là người, điều còn lại ở mỗi nhà văn là giọng điệu riêng biệt của chính mình. Đọc “Thương nhớ mười hai”, đi sâu suy ngẫm về đoạn trích “Thương nhớ mùa Xuân”, người ta nhận thấy một cái tôi tha thiết một tình yêu và nỗi nhớ. Đó là tình yêu, nỗi nhớ Vũ Bằng dành cho mùa Xuân Bắc Việt, mùa Xuân Hà Nội.

Dõi theo đoạn trích, cái tôi ấy hiện lên ở nhiều dạng thức khác nhau: Lúc là tôi, khi là anh, lúc là khách. Song, về cơ bản là cái tôi trực tiếp bộc lộ cảm xúc, nỗi lòng của mình: “Ấy đấy, cái mùa Xuân thần thánh của tôi nó làm cho người ta muốn phát điên lên như thế đấy; nhưng tôi yêu mùa Xuân nhất là vào khoảng sau ngày rằm tháng Giêng; người khách xa nhà nằm ngửa mặt lên trần, mơ lại những ngày xuân đã mất và cảm như tất cả những cái vui đẹp, say sưa đó thuộc vào một tiền kiếp xa xôi...”.

Dường như, sau niềm thương nỗi nhớ là sầu đau nuối tiếc, với kẻ li hương, cảnh ấy, người ấy chỉ còn trong hoài niệm xa xôi. Vũ Bằng vốn là người con đất Bắc. Vì nhiệm vụ mà vào Nam ở, biền biệt cách xa, xa mãi không về. Bởi vậy, ông gửi lòng mình vào trang văn với da diết một trời thương nhớ. Đó là nỗi nhớ, tình yêu của người con chung tình với Bắc Việt mến thương.

“Một tác phẩm nghệ thuật là kết quả của tình yêu”. Suy ngẫm của đại văn hào Nga L. Tôn xtôi mấy trăm năm về trước vẫn vẹn nguyên giá trị. “Thương nhớ mùa Xuân”, đoạn trích tùy bút giàu chất trữ tình của Vũ Bằng được viết nên bởi tình yêu quê hương xứ sở và một ngòi bút rất mực tài hoa.

Ngôn ngữ của văn bản là ngôn ngữ hồi kí, câu văn mang giọng điệu thủ thỉ, tâm tình như tiếng gọi luyến thương: “Đẹp quá đi, mùa Xuân ơi - mùa Xuân của Hà Nội thân yêu, của Bắc Việt thương mến...”. Sự kết hợp của yếu tố tự sự - trữ tình, kể tả, biểu cảm tạo nên một giọng điệu riêng, cuốn hút người đọc với cảm xúc dồi dào. “Thương nhớ mùa Xuân” có lẽ là đoạn trích văn xuôi giàu chất thơ, chất thơ đó được tạo nên bởi những câu văn mang nhạc điệu du dương, luyến láy.

Nhạc điệu đó được tạo nên bởi các biện pháp tu từ như điệp ngữ, điệu cấu trúc câu: “Ai bảo... thương nước, thương hoa, thương gió; ai cấm trai thương gái, mẹ yêu con...”. Câu văn ngỡ như thơ, vọng vào lòng người bao cung bậc nhớ nhưng, khi cồn cào da diết, lúc sâu lắng rưng rưng.

Đặc biệt, những câu văn đẹp lạ của Vũ Bằng được tạo nên bởi những liên tưởng so sánh tinh tế, độc đáo, chẳng hạn: “nhựa sống ở trong người căng lên như máu cũng căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối, nằm im mãi không chịu được, phải trỗi ra thành những cái là nhỏ tí ti giơ tay vẫy những cặp uyên ương đứng cạnh; cái trăng tháng Giêng, non như người con gái mơn mởn đào tơ”. Những hình ảnh so sánh làm cho câu văn giàu sức gợi, cuốn hút, say mê, cứ thế nàng trăng đẹp mãi trong câu văn Vũ Bằng, để thương để nhớ nơi tâm hồn đọc giả.

Văn chương giá trị là lời trái tim vang vọng trái tim. “Thương nhớ mùa Xuân”, là áng văn dệt nên bởi tình yêu thương quê hương và gia đình. Bởi thế, đọc những trang văn Vũ Bằng bộc lộ nỗi lòng riêng của ông mấy mươi năm về trước, người ta tìm được sự đồng điệu, nhất là với những người con đất Bắc biền biện cách xa nơi trời Nam nhiều nắng gió mỗi độ xuân về.

Nhớ lắm cảnh sắc mùa Xuân quê mẹ! Yêu lắm xuân về nơi đất tổ quê cha! Tôi tin, những trang văn khơi nguồn từ tình yêu của Vũ Bằng nhất định sẽ lan tỏa tình yêu đến muôn triệu trái tim, giục giã bước chân người con xa tìm về xum họp đoàn viên cho thỏa niềm mong nhớ mỗi lần Tết đến Xuân sang.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.