Mặc dù nhìn cháu rất khỏe mạnh, hoạt bát nhưng luôn chân, luôn tay múa máy, kèm theo những lời nói tựa như các nhân vật trong phim hành động.
Tôi đem sự tò mò này hỏi mẹ cháu thì được chia sẻ rằng: do cháu xem nhiều băng siêu nhân nên rất thích hình ảnh siêu nhân với trang phục, động tác đó.
Đến nỗi trong mọi hành động, lời nói hàng ngày của cháu đều giống như siêu nhân, kể cả áo mặc, dép đi cháu cũng đòi mua loại có hình ảnh siêu nhân mới chịu dùng. Nhiều lúc muốn uốn nắn cháu vì sợ nếu để như vậy cháu sẽ có xu hướng bạo lực nhưng chưa biết làm thế nào.
Trường hợp thứ hai là đứa bạn học cùng có con đang học lớp 8, bạn kể, sau khi xem mấy bộ phim về “thần bài”, cháu luôn học tập theo hành động của các “siêu sao” để mong muốn trở thành các ngôi sao cờ bạc nổi tiếng như trong phim.
Thay vì việc chú tâm vào học tập kiến thức thì cháu lại say mê vào việc luyện tập các động tác như: chia bài, trộn bài, và các thủ thuật khác,… thậm chí trong khi ngủ cháu còn nói tên những nhân vật trong phim.
Còn đối với con gái tôi, từ nhỏ tới khi học hết cấp 1, học lực môn toán của cháu chỉ ở mức khá, nhưng khi bắt đầu lên cấp 2 thấy cháu rất mải mê và thích thú với môn toán, chỉ sau 1 năm học lực môn toán của cháu đã đạt tới mức giỏi khiến tôi không khỏi bất ngờ. Khi tìm hiểu ra mới biết, vì cháu muốn giỏi như thầy dạy toán của mình nên mới nỗ lực bằng mọi cách để đạt được như vậy.
Qua ba trường hợp cụ thể nêu trên, ta thấy các em ở độ tuổi 13, 14 đều có xu hướng và biểu hiện “thần tượng” một vấn đề gì đó, một sở thích nào đó, hay cụ thể một người nào đó. Đây là vấn đề bình thường của tâm lý, lứa tuổi.
Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ việc các em thần tượng cái gì (tốt hay xấu) và ở mức độ nào mới là điều quan trọng. Nếu thần tượng theo cái xấu, cái không phù hợp thì rất nguy hiểm, trực tiếp gây hại cho sự phát triển của trẻ.
Ví dụ, nếu trẻ thần tượng siêu nhân, hay “thần bài” thì các em sẽ làm theo như vậy để trở thành các nhân vật đó và điều đó là xấu. Ngược lại, nếu các em thần tượng những cái tốt, như trở thành thầy giáo, bác sỹ để cứu người,… thì lại rất tốt, giúp các em có động lực mạnh mẽ để tiến bộ không ngừng.
Trên thực tế, có nhiều em mới lớn cũng hay hướng tới một nhân vật nổi tiếng nào đó lấy đó làm hình mẫu để nỗ lực đạt tới. Và trong mọi hoàn cảnh các em thường so sánh mình với các nhân vật mình ngưỡng mộ đó.
Đặc biệt, một số em từ sự yêu thích thần tượng dẫn đến những biểu hiện thái quá như: mê muội, quên ăn, quên ngủ, xao nhãng học hành. Có em còn rơi vào chán nản, thất vọng, thậm chí suy sụp khi thần tượng của mình bị sụp đổ…
Do đó, cha mẹ và thầy cô cần phải thường xuyên quan tâm định hướng tốt cho các em về vấn đề này. Theo đó, cần giúp các em hiểu rõ những hạn chế, nguy hại của việc thần tượng thái quá, thần tượng ảo. Đồng thời, kịp thời điều chỉnh những hành động theo sở thích phù hợp, đúng đắn ở trẻ.
Người lớn không được thần tượng thái quá ai đó kẻo con trẻ bắt chước, mà phải biết hướng trẻ vào những điều tốt, giúp các em hình thành những thần tượng đẹp đẽ trong tâm hồn. Hãy tích cực cho trẻ tham gia vào các hoạt động thực tiễn bổ ích, bồi dưỡng những giá trị thiết thực về lịch sử, cuộc sống, để các em tránh được những điều vô bổ khác.
Thiết nghĩ, “bệnh thần tượng” luôn là “vấn đề” đặt ra đối với trẻ ở độ tuổi mới lớn. Muốn giúp trẻ tránh được những tác động xấu từ điều này, cha mẹ và thầy cô phải tích cực hướng trẻ tham gia vào các hoạt động bổ ích, thiết thực