Nỗi lo thiếu trường tại các khu đô thị mới

GD&TĐ - Sự phát triển nóng của các khu đô thị thời gian vừa qua đã gây sức ép rất lớn đối với ngành Giáo dục. Mật độ chung cư cao tầng mọc lên quá dày trong khi đó, việc xây dựng trường lớp không theo kịp. Hầu hết các trường công lập tại các khu đô thị đều trong tình trạng quá tải. Đó là thực trạng tại Hà Nội trong những năm trở lại đây.

Nỗi lo thiếu trường tại các khu đô thị mới

Thiếu trường công tại khu đô thị mới

Vào mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp, việc xin học cho con luôn là nỗi lo thường trực của cư dân tại các khu đô thị mới của Hà Nội. Không chỉ những gia đình không có hộ khẩu thường trú tại địa phương mà ngay cả những người có hộ khẩu cũng phải rất chật vật để lo chỗ học cho con tại một trường công lập.

Hiện nay, số lượng trường công lập thuộc các khu đô thị mới tại Hà Nội không nhiều. Trong khi đó, tốc độ đô thị hóa của Thủ đô cao, áp lực dân số lớn khiến nhiều người dân phải cho con đi học trái tuyến. Điều này dễ làm nảy sinh nhiều vấn đề trong quản lý, giao thông đô thị và bất tiện sinh hoạt cho người dân.

Với mức học phí dân lập, không phải cư dân nào cũng đủ điều kiện để cho con theo học. Do vậy, vấn đề cần đặt ra là cần phải có trường công lập tại các khu đô thị để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận người dân thu nhập không cao.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: Trong nhiều giải pháp được đặt ra, ngành Giáo dục luôn mong muốn tại các khu đô thị mới cần phải có hệ thống trường công để đáp ứng nhu cầu của người dân có mức thu nhập trung bình. Người dân ở các khu đô thị mới chủ yếu ở mức trung bình nên hầu hết cư dân đều mong muốn gửi con học công lập, mà trường công thì lại quá ít, dẫn đến việc quá tải.

Sở GD&ĐT Hà Nội đã đề xuất UBND thành phố rà soát quy hoạch mạng lưới trường học để xây dựng và điều chỉnh lại quy hoạch đã được phê duyệt năm 2012. Trong đó, việc quy hoạch cần căn cứ vào số lượng dân cư hiện sinh sống và dự báo dân cư di dân đến, đặc biệt là các khu có chung cư cao tầng để dành quỹ đất đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung phòng học, trường học, giáo viên đủ đáp ứng nhu cầu học tập của người dân.

Chạy đua xây trường đón khu đô thị

Hà Đông là quận đang phát triển với hơn 48km2 dân số 300.000 người. Do dân số đông nên mỗi năm Hà Đông tăng từ 5.000 - 7.000 học sinh so với năm học trước. Thêm vào đó là việc mở rộng các đơn vị hành chính nên số trường của quận Hà Đông trong những năm gần đây tăng vượt bậc, là một trong những quận có số trường tăng nhiều nhất.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng - Trưởng phòng Giáo dục quận Hà Đông chia sẻ: Năm 2018, quận Hà Đông có 110 trường với 85.000 học sinh và 3600 giáo viên. Trong 4 năm gần đây mỗi năm quận Hà Đông thành lập mới từ 5 - 7 trường và riêng năm 2018 này thành lập đến 7 trường trong đó có 5 trường mầm non và 2 trường tiểu học để đáp ứng điều kiện tăng dân số.

Là quận đang có tốc độ đô thị hóa rất nhanh, đặc biệt là có những khu đô thị cao tầng mọc lên “hàng ngày” nên Phòng GD&ĐT đã tham mưu với UBND quận quan tâm đến việc xây trường tại các khu đô thị.

Ngành GD-ĐT đã cùng với Tập đoàn Nam Cường xây dựng hệ thống trường học liên cấp tại Khu đô thị Dương Nội, trung tâm quận. Hệ thống này được bố trí theo các cấp học từ Mầm non, Tiểu học, THCS và bậc Phổ thông. Sau khi hoàn thành, hệ thống dự kiến đáp ứng nhu cầu giáo dục của 1.870 trẻ mầm non, 2.670 học sinh tiểu học, 2.403 học sinh THCS và 1.335 học sinh phổ thông.

Còn bà Nguyễn Thị Tuyết Lê - Trưởng phòng GD&ĐT Thanh Trì cho biết: Là một huyện ngoại thành nhưng tốc độ gia tăng dân số những năm gần đây rất nhanh, đặc biệt có rất nhiều dự án khu đô thị mới đang xây dựng trên địa bàn.

Ngành GD-ĐT đã tham mưu với lãnh đạo huyện sử dụng 65% ngân sách toàn huyện đầu tư cho công tác xây dựng cơ sở vật chất trường học, đồng thời hàng năm cũng dành kinh phí đầu tư cải tạo sửa chữa mở rộng. Hiện nay, các trường trên địa bàn huyện đều có thể đảm bảo nhu cầu học tập của học sinh.

Huyện cũng rất quan tâm về những khó khăn của các học sinh tại các khu đô thị mới như Khu đô thị Đại Thanh, Khu đô thị Pháp Vân Tứ Hiệp... Để chuẩn bị cho năm học mới, huyện Thanh Trì đã đầu tư xây dựng trường tiểu học mới ở Khu đô thị Tứ Hiệp để phục vụ cho dân cư khu đô thị này cũng như Khu đô thị Văn Điển.

Đối với trường học trong các khu đô thị mới, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành tiêu chuẩn bắt buộc đối với công trình dịch vụ đô thị, trong đó, chỉ tiêu tối thiểu trên 1.000 người đối với trường mầm non là 50 chỗ, tiểu học là 65 chỗ, THCS 55 chỗ và THPT 44 chỗ. Thế nhưng, qua các số liệu thống kê, Hà Nội có tới 75 trẻ học mầm non /1.000 dân. Các cấp học cao hơn cũng xảy ra tình trạng tương tự do tỷ lệ dân số tăng quá cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ