Quy hoạch lại mạng lưới trường học
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp trong năm học 2017 - 2018 là tiến hành rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục trong tỉnh.
Công tác này được tiến hành theo hướng sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo cụm trường, liên trường, các điểm trường chính, điểm trường lẻ đảm bảo hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương.
Song song đó là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, từng bước giải quyết tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và giáo viên không đủ tiêu chuẩn. Đảm bảo đến năm 2020 đội ngũ nhà giáo các cấp học trong tỉnh đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường, lớp của các địa phương trong tỉnh.
Theo Đề án sáp nhập trường, ngày 15/3/2018 UBND TP Cao Lãnh đã ban hành 2 Quyết định số 96 và 97/QĐ-UBND sáp nhập 2 trường tiểu học.
Theo đó, trên địa bàn phường 6 sáp nhập Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến vào Trường Tiểu học Thực hành Sư phạm (Trường Tiểu học Nguyễn Khuyến trở thành điểm phụ của Trường Tiểu học Thực hành Sư phạm).
Trên địa bàn xã Mỹ Tân sáp nhập Trường Tiểu học Mỹ Tân vào Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trường Tiểu học Mỹ Tân trở thành điểm phụ của Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm).
Theo ông Thái Minh Nhựt - Phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT Đồng Tháp: Việc sáp nhập trên nguyên tắc tạo thuận lợi cho người dân, đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh. Phù hợp với quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của thành phố…
Tập trung đầu tư trường chuẩn quốc gia
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, việc tổ chức, sắp xếp lại hệ thống các trường tiểu học trong giai đoạn hiện nay là thực hiện chủ trương của tỉnh. Nhằm khắc phục tình trạng trường lớp có quy mô nhỏ và chất lượng giáo dục chưa cao. Tạo điều kiện đầu tư, tập trung xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ I, phấn đấu xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II.
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đáp ứng mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây cũng là thực hiện tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, tránh lãng phí trong việc sử dụng các nguồn lực của Nhà nước và nhân dân. Từ đó có điều kiện tập trung đầu tư nguồn lực kể cả về đội ngũ cán bộ, giáo viên và cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục.
Song song đó, việc tổ chức, sắp xếp lại hệ thống trường học còn hướng đến mục tiêu quan trọng là chuẩn bị thực hiện chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Việc đầu tiên cần thực hiện là rà soát thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; báo cáo thực trạng các điểm trường lẻ trước khi dồn ghép các điểm trường lẻ.
Trên cơ sở đó, địa phương xác định nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, cần kiên cố hóa, xây dựng hoặc mua sắm bổ sung, sửa chữa, cải tạo đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình. Qua đó, xác định các hạng mục ưu tiên hoặc các loại trang thiết bị mua sắm theo kế hoạch…
Lộ trình cụ thể sắp tới sẽ triển khai là tiến hành sắp xếp các trường mầm non, tiểu học và THCS (về điều kiện địa lý, giao thông, số lượng lớp/trường thấp, bố trí điểm lẻ chưa hợp lý) và bố trí số lượng học sinh/lớp hợp lý, thực hiện việc sáp nhập đơn vị, ghép lớp, điểm lẻ giảm đầu mối…
Tỉnh Đồng Tháp đã mạnh dạn sắp xếp lại hệ thống trường học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và tinh gọn bộ máy. Việc tập trung rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp; bố trí đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đã từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển sự nghiệp GD-ĐT.
Tuy nhiên, theo một số cán bộ quản lý trường học, việc sắp xếp lại trường lớp cũng cần phải nghiên cứu thật kỹ và cần có lộ trình phù hợp. Vì từ một điểm trường lẻ quy mô vài chục đến hơn một trăm học sinh, nay sáp nhập về trường chính với quy mô hàng nghìn học sinh dẫn đến gánh nặng cơ sở vật chất cho địa phương.
Một khó khăn nữa khi dồn ghép các điểm trường lẻ vào trường chính là quỹ đất mở rộng điểm trường chính cũng rất khó khăn và phức tạp. Bên cạnh đó, cũng cần tính toán đến phương án tại một số xã địa bàn rộng, có các điểm trường lẻ quá xa trung tâm, việc sắp xếp chuyển học sinh về điểm trường trung tâm là khó khăn. Nguyên nhân là do các gia đình không muốn cho con đi học xa trong khi công tác bố trí và phục vụ ăn, ở bán trú cho học sinh tại điểm trường trung tâm còn thiếu thốn và chưa đáp ứng yêu cầu.