Kết quả này ghi nhận nỗ lực, thành tích của Bộ GD&ĐT trong triển khai nhiệm vụ trọng tâm tăng cường ứng dụng CNTT năm 2017 vừa qua. Trả lời phỏng vấn Báo Giáo dục và Thời đại, ông Tô Hồng Nam – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD&ĐT) đã nêu bật những nỗ lực của toàn ngành trong công tác này trong năm qua để có được kết quả này.
Chiến lược bài bản và những chỉ đạo sát sao trong ứng dụng CNTT
Thưa ông, cho đến nay, Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ, ngành Giáo dục đã tổ chức chỉ đạo triển khai, thực hiện như thế nào?
Ngày 25/01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 117/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT giai đoạn
2016-2020, định hướng đến năm 2025”. Để triển khai Quyết định số 117, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các tỉnh/thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện. Đến nay đã có 52 tỉnh/thành phố ban hành Đề án hoặc Kế hoạch thực hiện, làm cơ sở để các địa phương triển khai có hiệu quả công tác ứng dụng CNTT trong GD-ĐT. Bộ cũng đã ban hành Kế hoạch số 345/KH-BGD&ĐT ngày 23/5/2017 triển khai các nội dung của Đề án trong các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ.
Bên cạnh đó, Kế hoạch ứng dụng CNTT của Bộ GD&ĐT giai đoạn 2016-2020 (Quyết định số 6200/QĐ-BGD&ĐT), Kế hoạch triển khai Chính phủ điện tử của Bộ (Quyết định số 2005/QĐ-BGD&ĐT) cũng đã được Bộ chỉ đạo tổ chức triển khai quyết liệt. Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 1.0, xác định các thành phần, hệ thống CNTT cần xây dựng và lộ trình, trách nhiệm tổ chức thực hiện, từ đó tăng cường khả năng kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu, và cơ sở hạ tầng thông tin
Để triển khai ứng dụng CNTT trong các nhà trường có hiệu quả, năm học 2017 - 2018, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn mô hình ứng dụng CNTT trong trường phổ thông (tiếp cận theo khung kiến trúc chính phủ điện tử của Bộ GD&ĐT) nhằm giúp các nhà trường xác định được mục tiêu, nội dung ứng dụng CNTT trong các hoạt động giáo dục một cách phù hợp với điều kiện thực tế, mang lại hiệu quả đầu tư và ứng dụng CNTT một cách thiết thực trong trường học; giúp các cơ quan quản lý giáo dục trong việc hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch và đánh giá công tác ứng dụng CNTT trong trường phổ thông khoa học và thực tế.
Triển khai Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn cơ chế đặc thù đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực CNTT trình độ đại học giai đoạn 2017 - 2020 nhằm nhanh chóng tạo ra nguồn nhân lực CNTT đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của các doanh nghiệp, thị trường lao động và hội nhập quốc tế.
Qua đó, nhiều qui định về đào tạo nhân lực CNTT được tháo gỡ theo hướng khuyến khích cơ sở đào tạo đại học mở các ngành mới trong nhóm ngành CNTT. Đồng thời giúp các cơ sở đào tạo đại học có cơ hội mở rộng, tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực trong quá trình đào tạo, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, thực hành, thực tập và giảng viên tham gia đào tạo, đặc biệt phải đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Thực hiện chủ trương tăng cường xã hội hóa, hợp tác với các doanh nghiệp lớn triển khai ứng dụng CNTT, năm 2017, Bộ GD&ĐT đã kí kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), qua đó Viettel sẽ hỗ trợ ngành GD-ĐT xây dựng hạ tầng kết nối Internet trường học, xây dựng kho học liệu số dùng chung toàn ngành, xây dựng CSDL ngành GD-ĐT và triển khai các ứng dụng CNTT trong các cơ sở GD&ĐT.
Có thể khẳng định rằng: công tác hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đã được ngành GD-ĐT triển khai kịp thời, phù hợp định hướng, chủ trương ứng dụng CNTT trong cơ quan Nhà nước của Chính phủ, góp phần triển khai có hiệu quả Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT
Những thành quả đáng trân trọng
Kết quả đạt được trong ứng dụng CNTT cụ thể như thế nào, thưa ông?
Bộ GD&ĐT đã triển khai thành công hệ thống phần mềm quản lý hành chính điện tử (e-Office) tới 100% cán bộ công chức, viên chức với 7 quy trình nghiệp vụ.
Kết hợp với phần mềm theo dõi thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, đã giúp công tác giao việc, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Bộ và các đơn vị thuộc Bộ trở nên minh bạch, hiệu quả (hàng tháng khoảng 9.000 lượt văn bản điện tử được gửi – nhận và theo dõi xử lý thông qua hệ thống); quy trình quản lý và đặt phòng họp, lập lịch công tác, sử dụng xe ô tô công vụ đều được thực hiện trên mạng.
Hệ thống này đã kết nối tới 63 Sở GD&ĐT trên cả nước phục vụ quản lý điều hành, gửi-nhận văn bản điện tử. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục triển khai kết nối tới các cơ sở đào tạo. Cổng thông tin điện tử của Bộ hoạt động ổn định, cung cấp thông tin kịp thời về chủ trương, chính sách của Bộ, của ngành.
Tích hợp 4 dịch vụ mức độ 4 và 20 dịch vụ mức độ 3. Đặc biệt, Cổng thông tin tuyển sinh là một dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 giúp kết nối, giao dịch các thủ tục liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh vào đại học giữa thí sinh, trường ĐH và cơ quan quản lý hoàn toàn qua mạng.
Hệ thống đã công khai đề án tuyển sinh, các điều kiện đảm bảo chất lượng của trên 300 trường ĐH, tiếp nhận và xử lý thành công yêu cầu đăng ký xét tuyển đầu vào các trường đại học của hơn 860.000 thí sinh. Trong năm 2018 và các năm tiếp theo Bộ tiếp tục rà soát, triển khai thêm các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 theo lộ trình được phê duyệt.
Để cung cấp thông tin quản lý ngành một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời, năm 2017, Bộ GD&ĐT đã xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm cơ sở dữ liệu toàn ngành về giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông (dùng chung trong tất cả các trường học, phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT và Bộ GD&ĐT).
Trước mắt CSDL ngành gồm 4 CSDL thành phần là mạng lưới trường học, lớp học, học sinh và đội ngũ cán bộ, nhân viên, giáo viên phục vụ quản lý giáo dục. Bộ cũng đã xác định lộ trình xây dựng các CSDL thành phần còn lại và tích hợp các hệ thống thông tin toàn ngành hiện tại vào CSDL Ngành, tạo nên một hệ thống thống nhất, dùng chung toàn ngành.
Những tồn tại cần được tháo gỡ
Ông có thể cho biết thực trạng về hạ tầng kỹ thuật CNTT hiện nay của ngành đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong lĩnh vực CNTT?
Năm 2017, Bộ GD&ĐT đã tăng cường năng lực đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) mạng thông qua việc nâng cấp các hệ thống, triển khai các giải pháp ATTT bao gồm cả phần cứng và phần mềm nhằm bảo vệ các hệ thống thông tin trọng yếu của Bộ, đồng thời tăng cường huấn luyện đội ngũ chuyên gia, hướng tới vận hành theo mô hình trung tâm vận hành an ninh (Security Operations Center - SOC).
Hệ thống mạng nội bộ (LAN), mạng không dây (wifi), đường truyền Internet tốc độ cao đảm bảo cho triển khai các ứng dụng CNTT nội bộ và toàn ngành đang được nâng cấp hiện đại. Tuy nhiên, chỉ số về hạ tầng kỹ thuật của Bộ GD&ĐT chưa cao (xếp thứ 12/20). Trong những năm tới, Bộ sẽ ưu tiên đầu tư hạ tầng CNTT phục vụ ứng dụng CNTT cơ quan Bộ và toàn ngành có hiệu quả.
Về nhân lực trong lĩnh vực CNTT, ngành đã có kế hoạch như thế nào để đảm bảo đội ngũ chuyên trách, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ CNTT, thưa ông?
Cơ cấu tổ chức, đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT thuộc Cục CNTT dần được kiện toàn, bổ sung. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thời gian tới cần tiếp tục bổ sung, đào tạo nhằm nâng cao chỉ số thành phần này.
Năm 2017, Bộ đã tổ chức nhiều khóa tập huấn cho cán bộ, công chức ứng dụng CNTT (tập huấn sử dụng e-Office, kỹ năng sử dụng CNTT, nâng cao nhận thức về an toàn thông tin). Bộ GD&ĐT là một trong 3 Bộ đầu tiên của cả nước tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng đảm bảo ATTT cho hơn 100 cán bộ công chức tại các đơn vị trực thuộc Bộ và cho 63 cán bộ chuyên trách CNTT của các sở GD&ĐT toàn quốc.
Công tác phổ biến tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ATTT đã được quan tâm thực hiện tốt, nhằm triển khai Quyết định 893/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Thường niên, từ năm 2006 Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức thành công cuộc thi quốc gia Sinh viên với ATTT, ngoài việc nâng cao nhận thức ATTT trong học sinh, sinh viên, cuộc thi này còn là nơi phát hiện những nguồn nhân lực tài năng về ATTT của đất nước, triển khai có hiệu quả Đề án phát triển nhân lực ATTT đến năm 2020 (Đề án 99) của Thủ tướng Chính phủ.
Xin cảm ơn ông!
Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển ứng dụng CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Index) là báo cáo thường niên do Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) phối hợp với Hội Tin học Việt Nam (VAIP) thực hiện từ năm 2005 đến nay. Báo cáo nhằm giúp các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp xác định vị trí, hiện trạng phát triển và ứng dụng CNTT-TT trong bức tranh tổng thể của cả nước.
Trên cơ sở đó đề ra giải pháp, định hướng phù hợp nhằm cải thiện việc ứng dụng CNTT của từng bộ, ngành, địa phương nói riêng và của cả nước nói chung, xây dựng thành công Chính phủ điện tử.
Từ năm 2016, chỉ tiêu và phương pháp đánh giá xây dựng báo cáo đã được đổi mới phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Chỉ số ICT Index được kết cấu theo hệ thống chỉ tiêu của Liên Hiệp quốc về đánh giá, xếp hạng chính phủ điện tử. Hệ thống chỉ tiêu đánh giá bao gồm 03 chỉ số thành phần là chỉ số hạ tầng kỹ thuật, chỉ số hạ tầng nhân lực, chỉ số ứng dụng CNTT. Việc tổ chức đánh giá cũng được đổi mới so với các năm trước đây, các số liệu được xác minh thực tế, kiểm tra tính logic và tin cậy trong thời gian 1-2 tháng trước khi nhập liệu để tính toán.