Quảng Nam có 9/18 địa phương là huyện miền núi với 102 xã, thị trấn; trong đó 79 xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới được đưa vào diện đầu tư của Chương trình 135.
Đến nay, mạng lưới trường học của các huyện miền núi khá phát triển với 13 trường THPT, 83 trường THCS, 86 trường tiểu học, 82 trường mẫu giáo, mầm non. Trong đó, loại hình trường dân tộc nội trú cấp huyện có 7 trường và trường dân tộc bán trú có 53 trường.
Ông Trần Đình Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của Trung ương về hỗ trợ, phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi như chế độ ăn, ở cho học sinh và giáo viên, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phòng học.
Bên cạnh chính sách của Trung ương, tỉnh cũng đã ban hành chính sách, chế độ hỗ trợ đối với học sinh thuộc khu vực II Chương trình 135 về học bổng, học phẩm. Từ 2010-2015, tỉnh đã hỗ trợ hơn 69 tỷ đồng cho hơn 78.000 học sinh. Ngoài ra, tỉnh ưu tiên đầu tư nhiều nguồn lực cho đầu tư trường, lớp học, giúp cơ sở vật chất cải thiện đáng kể.
Dù vậy, qua thực tế triển khai vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, chính vì vậy mong muốn Trung ương tiếp tục quan tâm, có chính sách hỗ trợ cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh ở các trường THPT miền núi có học sinh ăn, ở nội trú tại trường (hiện Quảng Nam có 9 trường THPT miền núi có tổ chức loại hình này); có cơ chế riêng cho tỉnh Quảng Nam trong việc hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số không được hưởng chế độ theo Nghị định 116 nhằm tạo điều kiện cho các em đi học.
Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Quảng Nam, ông Hà Ngọc Chiến - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội, cho rằng chính sách dân tộc là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước, luôn được quan tâm.
Qua thực tế giám sát tại Quảng Nam cho thấy tỉnh đã có sự chăm lo đầu tư phát triển kinh tế - xã hội miền núi, vùng dân tộc thiểu số.
Bên cạnh chính sách của Trung ương, tỉnh Quảng Nam cũng đã có nhiều chủ trương, đề án, tạo cơ chế và chính sách riêng của địa phương để hỗ trợ, phát triển giáo dục miền núi, hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh. Từ đó, giúp giáo dục miền núi của tỉnh phát triển, chất lượng được nâng cao.