Kiểm tra ra sai phạm
Từ giữa tháng 8, các địa phương bắt đầu tung lực lượng để kiểm tra an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất bánh Trung thu, bánh kẹo và các loại hình dịch vụ liên quan đến ăn uống trên địa bàn. Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng thành lập 6 đoàn kiểm tra tại 12 địa phương về các vấn đề liên quan với mục đích phát hiện và mạnh tay xử lý sai phạm.
Tại Hà Nội, đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm thành phố đã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu. Không quá bất ngờ khi kiểm tra cơ sở nào cũng có sai phạm, từ ít đến nhiều, liên quan đến yếu tố khách quan lẫn chủ quan.
Cơ sở sản xuất bánh ngọt, bánh Trung thu của Công ty TNHH Nhọ Nồi (144 phố Phó Đức Chính, Trúc Bạch, Ba Đình) là địa điểm đầu tiên đoàn kiểm tra liên ngành “hỏi thăm”. Tại đây, chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ pháp lý liên quan, khu vực sản xuất mất vệ sinh, nguyên liệu không rõ nguồn gốc để lẫn với thành phẩm, trên sản phẩm không ghi tên cơ sở sản xuất... Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở này, thu hồi toàn bộ sản phẩm, đồng thời giao cho UBND quận Ba Đình xử lý, tái kiểm tra.
Điểm kiểm tra tiếp theo là cơ sở sản xuất bánh Trung thu Tùng Lâm (100 Phó Đức Chính, Ba Đình) cũng có sai phạm như khu vực làm bánh không đảm bảo an toàn vệ sinh, đồ bảo hộ không đủ cho nhân viên… Với lỗi trên, đoàn kiểm tra yêu cầu trong 1 tuần, cơ sở phải khắc phục, nếu tái vi phạm sẽ đình chỉ hoạt động. Mất vệ sinh tại khu chế biến, không lưu mẫu cũng là lỗi của Công ty cổ phần bánh ngọt Anh Hòa (55 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân). Còn tại làng nghề La Phù (Hoài Đức, Hà Nội), Chi cục Quản lý thị trường phát hiện tại cơ sở Bảo Châu sử dụng nhãn mác từ năm 2012, bánh sử dụng chất ổn định và phụ gia không phù hợp với công bố…
Sản phẩm an toàn có quá khó
Người dân dù ở nông thôn hay thành thị đều mong muốn và có quyền được sử dụng sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, dường như an toàn thực phẩm vẫn là bài toán khó với cơ quan chức năng, là hy vọng… xa vời với người dân.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung, bánh Trung thu là sản phẩm làm theo thời vụ nên ngoại trừ công ty, đơn vị sản xuất lớn, uy tín, còn tại các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ đều có chung tình trạng lộn xộn từ cơ sở vật chất, nhân công đến nguyên liệu. Làng La Phù, Xuân Đỉnh (Hà Nội) là điển hình cho tình trạng trên bởi cách Tết Trung thu, Tết Nguyên đán chừng hơn 1 tháng, không khí ở đây nhộn nhịp hơn hẳn.
Lao động phổ thông từ nhiều nơi đổ về. Nguyên liệu được chất từ nhà ra ngõ. Sản xuất bánh trong thời gian ngắn nên ngay cả cơ sở lớn đôi khi cũng lơ là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chứ nói gì đến cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Chưa nói đến cơ sở vật chất, nguyên liệu đầu vào mà nhân công giá rẻ, từ mọi nơi đổ về đã khó kiểm soát được bệnh tật mỗi người trong khi đó việc chủ cơ sở tổ chức khám bệnh, tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm là điều khó có thể xảy ra.
Bánh của cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thì vậy. Hiện thị trường còn có bánh làm thủ công - handmade. Những sản phẩm này chủ yếu bán trên mạng, mua theo kiểu truyền miệng nên chất lượng sản phẩm chủ yếu đảm bảo bằng niềm tin. Khi xảy ra sự việc vì thế cũng khó truy xuất nguồn gốc sản phẩm lẫn trách nhiệm người bán.
Trung thu là tết của trẻ em. Những sản phẩm trên trước hết để phục vụ các em sau mới đến các thành viên khác trong gia đình. Nhưng nhìn vào danh sách cơ sở bị phát hiện sai phạm và xử lý mới thấy để lựa chọn được chiếc bánh an toàn thật khó.
- Bánh Trung thu chứa nhiều đường, mỡ, đạm nên cả người lớn, trẻ nhỏ không nên ăn nhiều bánh cùng lúc.
- Không vì tiếc tiền mà mua sản phẩm không rõ nguồn gốc. Khi mua xem kỹ thành phần, cơ sở sản xuất, hạn sử dụng. Phát hiện bánh có mùi vị, màu sắc lạ hoặc bị côn trùng cắn rách vỏ không mua hay sử dụng. Chỉ mua bánh ở cửa hàng có cơ sở sạch sẽ, bảo quản bánh cẩn thận…