(GD&TĐ) - Sau kết quả từ 3 năm triển khai thí điểm, năm học 2013 – 2014, Bộ GD&ĐT chính thức đưa nội dung phòng, chống tham nhũng (PCTN) vào giảng dạy tại các cơ sở GD&ĐT.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa. Ảnh: gdtd.vn |
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, để việc tổ chức triển khai đạt kết quả tốt, trước hết phải xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh và không có tham nhũng trong nhà trường.
Xin Thứ trưởng cho biết vì sao Bộ GD&ĐT quyết định đưa phòng chống tham nhũng trở thành nội dung giảng dạy bắt buộc trong nhà trường từ cấp PTTH trở lên?
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Bộ GD&ĐT triển khai nội dung phòng chống tham nhũng trong các trường học căn cứ vào Chỉ thị số 10 của Thủ tướng. Thực ra, từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 3 khóa 10 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng và chống lãng phí đã nêu ra giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, nhân viên học sinh và nhân dân về phòng chống tham nhũng, yêu cầu đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào chương trình giáo dục.
Sau đó, năm 2009, Thủ tướng ban hành Quyết định số 137/2009/QĐ-TTg, phê duyệt dự án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng. Sơ kết, tổng kết sau 3 năm triển khai thực hiện, thấy rằng, việc đưa nội dung này vào giảng dạy từ cấp học THPT trở lên là phù hợp với điều kiện nước ta.
Tham khảo một số nước như Trung Quốc, Singapore, nội dung phòng chống tham nhũng được đưa vào ngay từ cấp tiểu học và THCS bằng các hình thức khác nhau. Ở tiểu học và THCS, chủ yếu đưa những tấm gương điển hình về đạo đức xã hội; đến cấp THPT sẽ cho học sinh nhận thức về khái niệm tham nhũng, tác hại của tham nhũng cũng như các hành vi ứng xử đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Bộ GD&ĐT căn cứ vào đâu để xây dựng bộ tài liệu giảng dạy cho nội dung này, thưa Thứ trưởng?
- Tài liệu giảng dạy về PCTN của từng cấp học do Bộ GD&ĐT chỉ đạo biên soạn. Căn cứ xây dựng tài liệu là quan điểm, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về phòng chống tham nhũng cũng như các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng.
Cùng với đó là dựa trên tham khảo kinh nghiệm quốc tế về phòng chống tham nhũng, tình hình phòng chống tham nhũng ở nước ta; căn cứ vào yêu cầu mục tiêu chương trình giáo dục các cấp học đối với việc đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào nhà trường theo quy định tại Quyết định số 137 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tiến hành biên tập, xuất bản đảm bảo chất lượng, giá cả hợp lý theo hạng mục sách giáo khoa, cung ứng đủ số lượng cho thư viện các trường và theo sự đặt mua thêm từ các cơ sở giáo dục, đào tạo. Tài liệu giảng dạy về PCTN dùng cho các cấp học và các nội dung liên quan được đăng tải trên trang thông tin của Bộ GD&ĐT.
Học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) khai giảng năm học mới. Ảnh: gdtd.vn |
Nội dung phòng chống tham nhũng sẽ được tích hợp, lồng ghép như thế nào, thưa Thứ trưởng?
- Việc giảng dạy nội dung phòng chống tham nhũng trong nhà trường, phương pháp là lồng ghép, tích hợp vào các môn học phù hợp với từng cấp học. Cụ thể, đối với THPT, nội dung phòng chống tham nhũng được tích hợp, lồng ghép vào môn học Giáo dục công dân với thời lượng là 6 tiết, được phân bổ trong 3 năm học từ lớp 10 đến lớp 12.
Đối với TCCN, nội dung phòng chống tham nhũng được giảng dạy 4 tiết trong môn học Pháp luật TCCN với tổng số tiết của chương trình không thay đổi, trong đó đã chuyển 4 tiết tự chọn (trong số 6 tiết tự chọn) thành 4 tiết bắt buộc và được bổ sung vào phần kiến thức bắt buộc 2 bài học về chống tham nhũng của chương trình môn học này.
Đối với các cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo trình độ ĐH, CĐ không chuyên về luật, nội dung phòng chống tham nhũng được tích hợp, lồng ghép vào môn học Pháp luật đại cương hoặc môn học khác phù hợp với thời lượng 5 tiết.
Với các cơ sở giáo dục ĐH có đào tạo trình độ ĐH, CĐ chuyên về luật, nội dung này được tích hợp, lồng ghép vào môn Luật Hành chính, Luật Hình sự hoặc môn học khác phù hợp với thời lượng 15 tiết, trong đó có 5 tiết tự nghiên cứu.
Việc lồng ghép, tích hợp trong chương trình chính khóa, đảm bảo không tăng số lượng tiết cũng như không tăng định mức giáo viên của các trường.
Ngoài ra, các trường lựa chọn đưa nội dung phòng chống vào các hoạt động ngoại khóa phù hợp với đặc thù của từng cấp học với một số hình thức như: báo cáo chuyên đề, tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về phòng chống tham nhũng, lồng ghép nội dung phòng chống tham nhũng trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt chính trị đầu năm, xây dựng chuyên mục giáo dục về phòng chống tham nhũng trên trang thông tin điện tử của trường…Đồng thời, kết hợp đưa nội dung phòng chống tham nhũng với việc thực hiện Đề án "Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường" (Đề án 1928).
Bộ GD&ĐT lưu ý gì với các nhà trường, với giáo viên để việc giảng dạy nội dung phòng chống tham nhũng có hiệu quả nhưng không gây quá tải đối với học sinh?
- Bộ GD&ĐT đã ban hành văn bản số 5571 hướng dẫn các Sở GD&ĐT, các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ, TCCN chỉ đạo và tổ chức đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào giảng dạy từ năm học 2013 – 2014.
Bộ GD&ĐT cũng đã lưu ý các trường, việc tổ chức giảng dạy nội dung này phải rất đa dạng, linh hoạt và phải phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Để tổ chức triển khai đạt kết quả tốt, trước hết phải xây dựng môi trường sư phạm lành mạnh, và không có tham nhũng trong nhà trường.
Muốn vậy, các thầy cô giáo phải thực sự là tấm gương về đạo đức tự học và sáng tạo. Đồng thời, nhà trường cần tổ chức nhiều hình thức đa dạng, linh hoạt, phong phú để truyền tải một cách tự nhiên những nội dung cần thiết về phòng chống tham nhũng và tác hại của phòng chống tham nhũng, từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của học sinh, sinh viên; xây dựng hành vi ứng xử về hành vi phòng chống tham nhũng ngay khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Hiếu Nguyễn (thực hiện)
TIN LIÊN QUAN |
---|