Nói không với lề thói xấu

GD&TĐ - Liên tiếp những vụ việc liên quan đến hành vi thiếu chuẩn mực của nhà giáo thời gian vừa qua đã gây bức xúc trong công luận. Có những vụ việc cơ quan điều tra đã kết luận, pháp luật đã nghiêm trị, răn đe cái ác, góp phần xoa dịu nỗi đau của nạn nhân và bức xúc của xã hội. 

Học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) trao đổi kỹ năng sống ngoài giờ lên lớp. Ảnh Hà Thành
Học sinh Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) trao đổi kỹ năng sống ngoài giờ lên lớp. Ảnh Hà Thành

Nhưng cũng có những vụ việc còn ở dạng nghi án. Đáng chú ý, với một số nghi án, có không ít ý kiến, thậm chí từ những người có vị trí trong xã hội, đã đặt ra vấn đề, đó không phải là vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nhà giáo, mà là cách bày tỏ yêu thương với HS!

Yêu thương HS là phẩm chất cần thiết đối với mỗi người chọn nghề sư phạm. Từ tình yêu thương lớn lao dành cho học trò, cho nghề nghiệp, người giáo viên mới có động lực để luôn phấn đấu, rèn luyện, hiệu quả giáo dục mới đạt được ở mức tốt nhất. Nhưng thế nào là cách làm đúng trong biểu hiện tình yêu thương? Mạnh tay với HS, thầy cô giáo có thể “vịn” vào câu “thương cho roi cho vọt”? Vuốt tóc, vuốt má, bá vai ôm cổ học trò có thể xem là biểu hiện của nựng nịu yêu thương?
Nhiều ý kiến đã cho rằng, cách đặt vấn đề khi hành vi không chuẩn mực xảy ra theo kiểu này chỉ là một lối “biện minh”, “đánh tráo khái niệm”. Nhưng, cũng có rất nhiều ý kiến chỉ ra một thực tế đau lòng khác, đó là trong xã hội và cả trong nhà trường, vẫn còn không ít người có nhận thức và kỹ năng ứng xử chưa chuẩn về cách “bày tỏ yêu thương”.

TS Trần Thành Nam (ĐH GD - ĐHQG Hà Nội) lưu ý có một thực tế là chính người lớn cũng thiếu hiểu biết và không trang bị cho trẻ những kỹ năng để biết bảo vệ mình. “Không ít người nghĩ rằng vỗ mông trẻ là chuyện bình thường, thực ra đó cũng là một hành vi xâm hại”. Hay vụ cô giáo ở tỉnh Nghệ An dùng thước đánh 23/27 HS trong lớp vì không làm được bài, với cô, chỉ vì yêu thương học trò, muốn học trò tốt hơn (!?). Không chỉ thầy cô, mở rộng ra cả phụ huynh và người thân học trò, vẫn còn không ít người “vô tư” bày tỏ yêu thương cùng roi vọt, cùng “âu yếm” quá mức!

Trường học hôm nay đã hướng đến 4.0, trường học thông minh, đã thay đổi khác ngày xưa rất nhiều. Quyền HS, quyền giáo viên đã được pháp luật định rõ. Bảo tồn những truyền thống tốt đẹp là cần thiết nhưng những lề thói không còn phù hợp với thời đại văn minh cũng cần phải thay đổi, trong đó có những hành vi như bắt học trò thụt dầu, quỳ gối, đánh thước hay vuốt má, vuốt tóc, ôm vai, vỗ mông...

Thực tế cho thấy từ những hành vi cứ nghĩ là bình thường theo lối bày tỏ yêu thương ấy đến vi phạm pháp luật không phải quá dài. Theo thống kê của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, 93% đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là người thân quen!

Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, đạo đức, vi phạm pháp luật trong ứng xử với trẻ em là cần thiết. Nhưng càng cần thiết hơn, ở góc độ nhà trường là tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng xử lí tình huống cho cả thầy và trò để phòng ngừa xâm hại. Thời gian qua, ngành GD đã liên tục có những chỉ đạo phòng chống bạo lực, xâm hại trong nhà trường.

Vấn đề tiếp theo là cần sự nỗ lực, chung tay vào cuộc của cấp cơ sở cùng cả gia đình, xã hội. Không thể để một nơi khởi nguồn, gieo trồng những giá trị văn minh, văn hóa như môi trường GD lại vẫn còn tồn tại những nhận thức và hành vi “thủ cựu”, kém văn minh! Và cũng không thể hiệu quả nếu như cuộc chiến chống những lề thói cũ kém văn minh này chỉ dừng lại sau cánh cổng trường!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ Ukraine trong một cuộc tập trận tại thao trường Yavoriv, phía tây Ukraine.

NATO hưởng lợi trong chiến sự

GD&TĐ - Binh sĩ Ukraine bị Nga bắt giữ tiết lộ các huấn luyện viên NATO cố gắng học hỏi lực lượng Kiev khi huấn luyện những người này.