Đấu tranh đến cùng với bạo lực học đường
TS Trần Thành Nam cho biết: Việc giữ môi trường an toàn thân thiện trong trường học là cần thiết và ai cũng nhận ra đó là điều cần thiết trong sự phát triển của xã hội hiện tại.
Hiện nay đã có Nghị định 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường, hay đầu năm học này, Bộ GD&ĐT đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trong trường học.
Đã có nhiều biện pháp để xử lí bạo lực học đường nhưng trong thời gian qua có rất nhiều việc xảy ra trong trường học liên quan đến giáo viên, liên quan đến những hành vi ứng xử của giáo viên cũng như hành vi không phù hợp của phụ huynh khi tham gia vào học đường.
Đã có nhiều biện pháp, nhiều văn bản được ban hành, các cơ quan đã triển khai nhiều việc làm cần thiết nhưng vẫn xuất hiện những hiện tượng bạo lực trong trường học. Bởi vậy cần phải có một chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe, hợp pháp. Nghị định được ban hành sẽ là điều hợp lí.
Điều này thể hiện sự nhất quán, sự quyết tâm của ngành khi muốn đấu tranh đến cùng với bạo lực học đường và giữ môi trường an toàn thân thiện trong trường học. Ít nhất mọi người, cả những người trong và ngoài ngành Giáo dục đều phải nhận thức rõ điều này.
Tuy nhiên, việc đưa ra Nghị định, đưa ra những hình phạt có tính khả thi hay không sẽ là câu chuyện dài cần phải bàn để lấy thêm ý kiến. Cần có sự đồng thuận của xã hội trong việc xử lí nghiêm những vấn đề về bạo lực học đường để nó không xảy ra giống thời gian qua nữa.
“Vì chúng ta có rất nhiều văn bản nhưng có vẻ chưa hiệu quả, chưa giải quyết tận gốc nên cần phải có điều luật cụ thể, phù hợp với thực tiễn. Để đảm bảo tính khả thi, Nghị định này phải tích hợp với các văn bản khác để không chồng lấn. Những điều đã được quy định trong các bộ luật khác như xúc phạm đến mức phải xử lí hình sự như Bộ luật Hình sự đã quy định rồi thì sẽ trích dẫn sang” - TS Nam nêu quan điểm.
Nghị định sắp được ban hành sẽ đề cập đến những thứ chưa được đề cập trong các văn bản khác, trong đó xử lí hành chính là biện pháp cần được cân nhắc, có khả thi nhưng phải cân nhắc xem quá trình vận hành của nó thế nào. Trước khi làm cần trang bị cho giáo viên đủ những công cụ khác như kĩ năng nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp.
|
Cần có cách tiếp cận đúng
TS Trần Thành Nam bày tỏ: Những ý kiến trái chiều về dự thảo Nghị định trong thời gian vừa qua là do mọi người đang có cách tiếp cận không đúng về Nghị định. Nhiều ý kiến đang nhìn nhận mức phạt lên đến tận 30 triệu, bằng 10 tháng lương của giáo viên là điều bất hợp lí. Nhưng đó là cách tiếp cận sai, không phải là mấu chốt của vấn đề.
Cách tiếp cận đúng ở đây đó là, vấn đề bạo lực học đường và những vi phạm trong lĩnh vực giáo dục đang là vấn đề xã hội nhức nhối, chúng ta cần phải đấu tranh với việc này.
Nếu đưa ra mức phạt nhẹ thì sẽ không đủ sức răn đe, nhiều người sẵn sàng nộp phạt để làm cho xong, sẵn sàng chịu phạt để thực hiện việc đấy. Những ý kiến tranh luận trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông thời gian gần đây bùng phát là do mọi người đang có cái nhìn không đúng, có cách tiếp cận không đúng.
Phải nói rằng những hành vi thiếu chuẩn mực trong trường học đang là vấn đề nghiêm trọng, nếu toàn ngành đặt quyết tâm để xóa bỏ nó thì hình phạt đưa ra nặng là chuyện đương nhiên.
Chúng ta đưa ra hai phương án, một là nghiêm khắc thực hiện những quy định để thực sự không còn những hiện tượng bạo lực xảy ra trong học đường với một phương án là đưa ra một hình phạt rồi sau đó chúng ta chấp nhận nộp phạt nếu phạm lỗi, thì đương nhiên sẽ chọn phương án thứ nhất.
Nhiều ý kiến cũng đang cho rằng giáo dục là một ngành đặc thù, không nên phạt tiền như những ngành khác. Tuy nhiên, đó là những niềm tin “xơ cứng”. Tại sao những lĩnh vực khác như giao thông, thuế, an ninh trật tự, nông nghiệp, môi trường... phạt tiền được mà lĩnh vực giáo dục lại không thể?
Như vậy, khi làm luật phải nhìn đến mục tiêu phát triển. Những gì mang tính chất là mới mẻ, đột phá bao giờ cũng chịu sự phán xét của những người có niềm tin cũ. Những người có niềm tin cũ trong xã hội có ý kiến phản đối là đương nhiên.
Ví dụ như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy được ban hành năm 2007 đã gặp rất nhiều sự phản đối. Tuy nhiên sau hơn 10 năm thực hiện đã cho thấy, đây là một chính sách đúng đắn, góp phần kéo giảm số người thiệt mạng vì tai nạn giao thông, hạn chế được nhiều thương tích nặng như chấn thương sọ não. TS Trần Thành Nam