Lễ hội tổ chức lần đầu phải đăng ký
Theo bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) cho biết, Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội được Chính phủ giao Bộ
VH-TT&DL soạn thảo nhằm mục đích xây dựng một hành lang pháp lý chặt chẽ, khoa học, phù hợp với đặc thù của lĩnh vực hoạt động lễ hội nói chung và của từng vùng, miền nói riêng.
Dự thảo Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội gồm 4 chương, 19 điều quy định về quản lý và tổ chức lễ hội trên lãnh thổ Việt Nam. Đáng chú ý là việc cấp giấy phép trong hoạt động lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh, quy định về tổ chức hoạt động dịch vụ trong khu vực lễ hội và quản lý, sử dụng nguồn thu từ hoạt động tổ chức lễ hội.
Tại Chương II về Tổ chức lễ hội của dự thảo Nghị định có nhiều điểm mới. Trong đó quy định, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có quy mô toàn quốc hoặc khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được tổ chức lần đầu phải đăng ký với Bộ VH-TT&DL trước khi tổ chức. Lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề có quy mô cấp tỉnh được tổ chức định kỳ phải thông báo với UBND cấp tỉnh trước khi tổ chức lễ hội.
Dự thảo cũng đưa ra những điểm chặt chẽ như quy định về hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội, trình tự thủ tục tiếp nhận hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội; quy định về thời hạn có trách nhiệm thẩm định để trả lời đơn vị tổ chức lễ hội của các cơ quan chức năng…
Không cho phép thương mại, trục lợi
Một trong những vấn đề “nóng” được nhiều địa phương đề cập là vấn đề thương mại hóa lễ hội.
Theo thống kê của Bộ VH-TT&DL, hiện cả nước có khoảng gần 8.000 lễ hội. Trong những năm qua, công tác tổ chức và quản lý lễ hội ở nước ta có nhiều chuyển biến tích cực, việc tổ chức hoạt động lễ hội, đặc biệt là lễ hội dân gian đã từng bước đi vào nề nếp, góp phần quan trọng đối với công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Tuy nhiên, trên thực tế còn có những lễ hội chỉ chú trọng đầu tư đến hình thức, quy mô mà chưa đảm bảo về nội dung. Một số lễ hội còn duy trì tập tục chứa đựng những yếu tố bạo lực, chưa phù hợp với xu thế của thời đại…
Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đối với hoạt động lễ hội chưa đầy đủ, đồng bộ. Hiện nay, hoạt động quản lý lễ hội có nhiều văn bản điều chỉnh nhưng phần nhiều vẫn là những văn bản chỉ đạo, chưa được luật hóa, do đó việc áp dụng trong thực tế rất khó khăn, bất cập.
Đồng tình với chủ trương nâng cao công tác quản lý và tổ chức lễ hội, ông Nguyễn Quốc Huy, Trưởng phòng Quản lý hoạt động lễ hội (Cục Văn hóa cơ sở) cho biết, nghi lễ trong tổ chức lễ hội phải được tiến hành trang trọng, trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp, lòng yêu nước, tự hào dân tộc; loại bỏ hoặc thay thế những tập tục kích động bạo lực, mô tả cảnh đâm chém, đánh đập tàn bạo, rùng rợn, kinh dị, trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam. Phần hội đảm bảo vui tươi, lành mạnh, phù hợp với quy mô, tính chất, đặc điểm của lễ hội.
Nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước phải tính đến yếu tố thương mại của các lễ hội, quy định kinh phí tổ chức lễ hội theo hình thức xã hội hóa cần cụ thể hơn để các địa phương dễ vận dụng. Trên thực tế, một số nội dung như đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… đều phải sử dụng nguồn tiền ngân sách. Do đó, cần quy định rõ xã hội hóa ở mức độ như thế nào.