Phía sau những bài báo giáo dục

GD&TĐ - Phía sau các bài báo viết về đề tài giáo dục là biết bao hình ảnh, câu chuyện mắt thấy, tai nghe, về các thầy cô giáo, về những em thơ ở nhiều vùng đất mà phóng viên đặt chân tới trên mọi miền đất nước. Vì nhiều lý do mà có những câu chuyện, những chi tiết chưa từng lên khuôn, lên hình trên báo. Cảm xúc chất chứa, cả niềm vui và nỗi buồn, có cả nỗi day dứt không thể mờ theo vết dấu thời gian.  

Hình ảnh nao lòng về HS vùng cao
Hình ảnh nao lòng về HS vùng cao

Nghề báo đi là để đến tận cùng...

Không chỉ đi, ghi lại thông tin, vấn đề, tiếp xúc nhân vật... rồi viết những bài báo là xong, những niềm vui, nỗi buồn của nhân vật, của ngành GD ở nơi phóng viên đến đều ít nhiều níu chân phóng viên và đọng lại tâm trí mãi về sau.

Có một thời không ít phóng viên của Báo GD&TĐ chẳng cần xe đưa xe đón, cứ thế trên vai một chiếc ba lô, đón những chuyến tàu đêm, những chuyến xe khách, hoặc rong ruổi xe máy, xe ôm, thậm chí cuốc bộ... để có thể đến vùng xa, vùng khó để viết bài. Rồi khi trở về tòa soạn, “thu hoạch” của phóng viên không chỉ là những bài viết sinh động, mà còn có cả suy nghĩ, hành động hướng về GD địa phương, nơi mình đã đến, đã tận mắt chứng kiến những nỗ lực của thầy cô và học sinh ở đó.

Cách đây 7 năm, chúng tôi đi đến vùng lòng hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang). Khi ấy đường đang làm vào lối đến trường tiểu học xa nhất, hẻo lánh nhất. Cuối con đường đang làm lầy bùn đất... Trường tiểu học cũ kỹ vùng lòng hồ là dãy nhà cấp 4 nằm thoáng mát hướng ra một hồ nước rộng lớn.

Có lẽ, chẳng đặc biệt gì nếu vào giờ tan học chúng tôi không nhìn thấy cảnh từng tốp HS lũ lượt kéo ra bè, thuyền thô sơ để vượt hồ về nhà. Những ánh mắt trẻ thơ trong trẻo, miệng cười đùa hồn nhiên, hò nhau nhanh cùng lên thuyền chèo về nhà kẻo trời tối. Học trò chỉ 9 - 10 - 11 tuổi đảm nhiệm việc chèo thuyền, còn các học trò nhỏ hơn, có cả trẻ mầm non, ngồi ngoan ngoãn vẻ như đã quen kiểu đi học vất vả và đầy nguy hiểm rình rập ấy. Mặt hồ mênh mông, lũ trẻ cứ chòng chành trên thuyền... từ trường ở bờ này, chúng phải về nhà rất xa bên bờ bên kia...

Điều đầu tiên khi nhìn thấy cảnh tượng này, tất cả nhóm phóng viên chúng tôi đều kinh ngạc khi được chính cô hiệu trưởng trường tiểu học cho biết, việc tự chèo thuyền đưa nhau vượt hồ đi học là chuyện thường ngày của những HS của trường. Nhiều em sống ở làng phía bên kia hồ, nếu đi đường vòng ven hồ để đến trường thì quá xa và vất vả, con đường đến trường bằng thuyền vượt hồ là cách đi gần nhất, “dễ dàng” nhất.

Chúng hầu hết là con nhà nghèo, hoàn cảnh khó khăn, hoặc cha mẹ người dân tộc lo bát cơm hàng ngày còn không đủ, có những đứa trẻ còn phải nhịn đói đi học, các cô giáo ở trường tiểu học khó khăn này vẫn thường phải nhường đồ ăn của mình để chia cho vài HS hay nhịn đói đi học, khi thì bắp ngô luộc, khi thì gói mì tôm sống, vì không lẽ để HS của mình đói lả không thể học, hoặc bỏ học vì đói.

Biết cảnh giáo viên khó khăn, HS nghèo đói, chúng tôi cũng chẳng dám hỏi thêm liệu đã từng xảy ra tai nạn gì với đám học trò nhỏ tuổi của trường bao giờ chưa? Nhưng chúng tôi đều cùng có một suy nghĩ: Tại sao tất cả học trò vượt hồ đi học không thể an toàn hơn với áo phao, hay cặp sách kiêm phao cứu sinh? Cô hiệu trưởng cho biết điều này quá khó, trường cũng đã xin với cấp trên và cấp trên cũng đã đề xuất lên tỉnh để xin cho những HS tự chèo thuyền đi học những chiếc áo phao... Nhưng xin rồi mà chưa có được.

Ngay lập tức, khi quay trở lại trung tâm tỉnh, một phóng sự ảnh được gửi về đăng lên trang điện tử của Báo GD&TĐ, những hình ảnh chân thực và nhiều cảm xúc về các HS của trường tiểu học vùng sâu đang oằn mình chèo thuyền vượt hồ đi học được đưa lên mặt báo. Đồng thời, chúng tôi bằng mọi cách để có được số điện thoại di động của người lãnh đạo cao nhất ở tỉnh lúc bấy giờ, gọi điện thoại để xin được phỏng vấn... Nhóm phóng viên chỉ nghĩ: Nếu đưa thông tin từ dưới lên trên thì bao giờ mới tới, bao giờ lũ trẻ chèo thuyền vượt hồ đi học mới bớt nguy hiểm.

Thời điểm đó không mấy khó khăn để một số phóng viên Báo GD&TĐ có thể liên hệ và phỏng vấn được lãnh đạo cấp tỉnh. Đồng chí Chủ tịch tỉnh tiếp phóng viên ngay tại phòng làm việc, nghe chúng tôi đặt câu hỏi về sự nguy hiểm của hàng chục học sinh hàng ngày đang tự chèo thuyền đi học, không một HS nào có một vật bảo hiểm tối thiểu là áo phao. Vị Chủ tịch tỉnh nói đây là lần đầu tiên nghe thấy thông tin này, và hứa sẽ cho kiểm tra ngay, nếu đúng là HS đi học nguy hiểm như vậy thì sẽ có phương án giúp đỡ HS, làm sao để HS đến trường an toàn hơn.

Quay trở về tòa soạn ở Hà Nội, nhóm phóng viên vẫn giữ liên lạc với nhà trường, hỏi han về chuyện áo phao cứu sinh trang bị cho học trò... Và chẳng thể chờ đợi các cấp phản hồi hay hành động như thế nào sau phản ánh của phóng viên. Nhóm đã tự đề xuất với Đoàn Thanh niên của Báo GD&TĐ, gọi điện thoại tới các nhà báo chuyên trách mảng GD của một số tờ báo, cùng bàn nhau tìm cách giúp đỡ ngay HS của trường tiểu học kia. Hàng chục chiếc áo phao đã được chính Đoàn Thanh niên của Báo GD&TĐ trao tới tận tay HS vùng hồ khó khăn của Bắc Giang khi ấy.

Chỉ hình dung ra những đứa trẻ nghèo khoác áo phao màu cam mua từ những đồng nhuận bút của phóng viên, sự góp sức ủng hộ của Đoàn viên thanh niên Báo GD&TĐ, mà nhóm phóng viên nhẹ lòng hơn. Chỉ thêm một chiếc áo phao, mùa đông lạnh giá vượt hồ đi học của các HS tiểu học nơi đó hẳn có thêm chút ấm áp.

Hình ảnh những đứa trẻ nhỏ xíu oằn mình chèo thuyền đi học, chông chênh giữa hồ nước mênh mông, đỡ ám ảnh giấc ngủ của chúng tôi sau bộn bề con chữ, cho những bài báo sớm mai lại lên trang...

Niềm vui nhân lên theo con chữ

Nhiều thế hệ phóng viên Báo GD&TĐ biết rõ về những đồng nhuận bút rất thấp sẽ được nhận, dù có đi đến vùng sâu, vùng xa, để có những bài viết chân thực về hoạt động GD đặc biệt ở nhiều địa phương, để ghi lại những hình ảnh và cảm xúc về những người thầy đang ngày đêm miệt mài cõng chữ đến nơi gian khó cho học trò. Vậy mà có nhiều phóng viên báo bạn từng “ghen tỵ” với đồng nghiệp ở Báo GD&TĐ khi thấy phóng viên Báo GD&TĐ “đi suốt”; có những người đã đi gần hết vùng khó khăn của hàng chục địa phương ở khắp ba miền Bắc- Trung - Nam.

Có những cây bút tự hứa với mình rằng cho tới hết cuộc đời làm báo sẽ phải đi đủ, viết đủ về 63 tỉnh/thành, nhất là chỉ muốn đến với những địa danh đặc biệt, những nơi gian khó của GD địa phương.

Năm 2004, ở đảo Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời - Cà Mau) vẫn còn rất thưa dân, chủ yếu là những người chài lưới hoặc chuyên nghề thu gom hải sản từ tàu thuyền của ngư dân ghé đảo bán. Trên đảo có 3 đơn vị biên phòng, hải quân, trực hải đăng. Ở đâu có dân cư thì ở đó có những đứa trẻ. Chừng gần hai chục đứa trẻ đủ mọi lứa tuổi ở Hòn Chuối được Đồn biên phòng Hòn Chuối tập trung vào một lớp học ghép nằm ngay giữa đảo. Sĩ quan trong đồn được cử ra làm thầy dạy học cho lũ trẻ.

Nhóm phóng viên đến thăm lớp học của Hòn Chuối, nhìn cảnh học nhiều trình độ trong một lớp học tuềnh toàng hết mức, còn cái sự học trông chờ hoàn toàn vào lòng tốt, nhiệt tâm của những thầy giáo bộ đội biên phòng- những người không có một thù lao gì cho việc tự nguyện dạy học cho lũ trẻ. Chứng kiến hoàn cảnh GD vô cùng khó khăn, thiếu thốn và sự nhiệt huyết của những người thầy mang quân hàm xanh, phóng viên đã viết phóng sự “Tiếng giảng bài trên hòn đá nhỏ”.

Thời gian ngắn sau chuyến đi đến Hòn Chuối, viết bài đăng báo, một ngày phóng viên nhận được cuộc gọi từ Trưởng đồn biên phòng Hòn Chuối và sĩ quan phòng chính trị của Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau. Họ đều cảm ơn nhà báo và vui sướng báo tin rằng sau khi bài báo về lớp học trên Hòn Chuối đăng trên Báo GD&TĐ, biết được điều kiện dạy và học trên Hòn Chuối quá thiếu thốn, Bộ Tư lệnh Biên phòng đã quyết định đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng một điểm trường khang trang cho lũ trẻ ở Hòn Chuối, và thêm nữa các “thầy giáo mang quân hàm xanh” cũng sẽ có “chế độ” cho nhiệm vụ “đứng lớp”.

Niềm vui của chúng tôi - những phóng viên lặn lội đi thực tế viết bài - không phải loanh quanh ở việc viết để lấy tiền nhuận bút. Phía sau công việc làm báo, phía sau thu nhập mưu sinh như bao nghề nghiệp khác, điều khiến phóng viên Báo GD&TĐ tự hào chính là những ảnh hưởng, tác động tích cực như thế đến GD ở những địa danh mà phóng viên đặt chân tới.

Niềm vui của cán bộ sĩ quan đồn biên phòng Hòn Chuối, chúng tôi cảm nhận được qua cuộc điện thoại báo tin mừng năm ấy. Hơn hẳn thế, cho tới tận bây giờ, mỗi khi hồi tưởng lại, nhóm phóng viên có thể mỉm cười và hình dung ra những đứa trẻ làng chài trên Hòn Chuối có lẽ không còn nheo nhóc trong lớp học ghép thiếu thốn đủ bề nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ