Nỗi đau nữ sinh bị tai nạn khi chuẩn bị thi THPT quốc gia 2015

GD&TĐ - Tỉnh dậy sau cơn mê dài tại bệnh viện, cơ thể đau nhức, chân bó bột, Trần Thị Huyền Trang ngơ ngác rồi nhớ lại, hai bố con em đang trên đường xuống TP Vinh dự thi THPT thì gặp tai nạn…  

Sau 20 ngày cấp cứu, điều trị tại bệnh viện, Trần Thị Huyền Trang được về nhà điều trị ngoại trú.
Sau 20 ngày cấp cứu, điều trị tại bệnh viện, Trần Thị Huyền Trang được về nhà điều trị ngoại trú.

Bố không qua khỏi, còn kỳ thi THPT cũng đã trôi qua trong thời gian hơn nửa tháng em nằm trong bệnh viện.

Gương mặt xinh xắn, hiền lành nhưng buồn bã, em Trần Thị Huyền Trang (xóm 4, xã Nam Sơn, Đô Lương, Nghệ An) vẫn chưa thể nào vượt qua cú sốc lớn lao này. Trong khi bạn bè nhận giấy báo điểm, chuẩn bị nộp hồ sơ đăng ký vào các trường ĐH, CĐ, thì em vẫn nằm đây, đôi chân bất động chưa thể đi lại được.

Còn chị Nguyễn Thị Châu Loan (SN 1973, mẹ Trang) chỉ biết động viên, chăm sóc con gái, trong khi bản thân chị cũng vô cùng khó khăn để đối diện với nỗi đau mất chồng.

Cách đây 1 tháng, chồng chị là Trần Văn Sơn (SN 1973) chở con gái đầu Trần Thị Huyền Trang xuống Vinh dự thi THPT quốc gia. Trước đó hai bố con cũng liên hệ, đặt cọc thuê 1 phòng trọ gần điểm thi, khỏi đến thời điểm cận kề khó tìm được chỗ ăn nghỉ.

“Con gái bị say xe, nên hai bố con không bắt ô tô xuống Vinh thi mà đi xe máy. Nghĩ đường cũng gần, chỉ cách khoảng 50km, 2h chiều bố con lên đường. Mới đi được hơn 1 tiếng, thì thấy số máy anh gọi. Tôi giật mình khi nghe giọng người lạ nói trong điện thoại, hỏi “chị có phải là người nhà của số máy này không, 2 người ngồi trên xe máy bị ô tô tải đâm, văng ra xa, chị đến ngay đi…”, chị Loan nghẹn ngào nhớ lại.

Bố mất, lại lỡ mất kỳ thi THPT 2015, giấc mơ xét tuyển vào học sư phạm mầm non của Trang đành dang dở.
Bố mất, lại lỡ mất kỳ thi THPT 2015, giấc mơ xét tuyển vào học sư phạm mầm non của Trang đành dang dở. 

Lúc đó, chị ngồi ru đứa con nhỏ mới sinh được 2 tháng tuổi, hốt hoảng thả con đang bồng trên tay cho hàng xóm, chị vội vã chạy xuống nơi xảy ra tai nạn. Trước mắt chị, chiếc xe máy nằm chỏng chơ giữa đường, dập nát. Hai bố con đã chở thẳng xuống BVĐK Nghệ An cấp cứu. Không nói nổi lời nào, chị ngã xuống ngất xỉu, rồi được người thân chở về nhà. 

Tối hôm đó, chị quặt thắt đón thi thể chồng về nhà, anh đã tử vong tại bệnh viện vì thương tích quá nặng. Còn Trang bị chấn thương não, gãy dập 1 chân và nằm mê man, chẳng hề hay biết bố đã mất, còn kỳ thi thì đã bắt đầu diễn ra.

Những ngày sau đó, khi Trang tỉnh lại, cả gia đình vẫn giấu chuyện bố em mất, vì lỡ kỳ thi THPT đã là một nỗi buồn lớn đối với em, nếu biết tin dữ về bố, thì sợ rằng em sẽ không chịu đựng nổi.

Nhưng cũng chẳng thể nào giấu được mãi. Trở về nhà, Trang không thấy bố đâu, chỉ còn chiếc di ảnh trên bàn thờ. “Em tỉnh dậy ở bệnh viện và không nhớ gì về vụ tai nạn nữa. 

Người thân kể lại xe tải đã đâm em văng hơn 20m, đầu đập xuống đường. Còn bố em bị thương nặng hơn. Vậy mà bố vẫn cố hô hoán mọi người “Cứu con gái tôi với! Xin hãy đưa con gái tôi đến bệnh viện, cứu lấy con gái tôi”! trước lúc ngất đi. 

Nghe mọi người kể lại, em thương bố lắm, không ngờ được những việc này lại có thể xảy ra đối với bố, với em”, Trang khóc.

Từ nhỏ em rất gắn bó với bố. Năm cuối cấp, mẹ mới sinh em út, mọi công việc nặng nhọc trong nhà bố đều gánh vác hết, và động viên Trang lo học hành, thi cử. Suốt 12 năm học vừa qua, Trang liên tục là học sinh giỏi, năm lớp 11, em đạt giải 3 môn Văn kỳ thi HSG cấp tỉnh. Ước mơ của cô nữ sinh là được trở thành cô giáo mầm non. Vậy mà, em lại gặp nạn ngay trước thềm kỳ thi quan trọng.

Ngôi nhà nhỏ chìm trong nỗi buồn. “Nhưng ngồi nhà mãi răng được, phải dậy mà đi làm, còn 4 đứa con giờ chỉ trông cậy được vô mẹ”, chị Loan nói. Hai vợ chồng chị lấy nhau đều là nông dân, vốn dắt lưng hơn 1 sào ruộng khoán. Trước đây, chồng chị làm thêm nghề đan chổi đót bán kiếm tiền, còn chị chạy chợ buôn bán lặt vặt.

Gia đình thuộc diện cận nghèo, sau khi bố mất, hai đứa em của Trang đã đòi bỏ học để đi kiếm tiền phụ giúp mẹ. Nhưng chị Loan nhất quyết không cho, nói với các con dù sao cũng phải “cố gắng học đến hết cấp 3, mẹ vất vả đến mấy cũng chịu được, chỉ cần các con ngoan ngoãn, học tốt, để mẹ vui lòng và bố con được thanh thản”.

Với Trang, kỳ thi đã qua đi, nhưng cuộc đời em vẫn còn ở phía trước. Và ước mơ thì không có giới hạn: “Em rất buồn và tiếc vì không tham dự được kỳ thi năm nay. Nhưng chuyện cũng đã xảy ra rồi, em phải cố gắng, hồi phục sức khỏe để giúp đỡ mẹ, chăm sóc các em, bây giờ nhà em khó khăn quá. Em vẫn ước mơ được trở thành giáo viên mầm non, có lẽ sang năm, em sẽ thi lại…”

Thầy giáo Nguyễn Anh Dũng - Hiệu trưởng trường THP Anh Sơn 2(Anh Sơn, Nghệ An) - cho biết: “Sau khi biết tin em Trần Thị Huyền Trang gặp tai nạn, Ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô và các bạn học sinh đã thường xuyên đến thăm hỏi, động viên em và gia đình. Mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng Trang là một học sinh giỏi, chăm ngoan.

Trường hợp em Trang không tham dự kỳ thi THPT vì tai nạn trước ngày thi, nhưng kết quả học lực, hạnh kiểm 3 năm cấp 3 đạt khá trở lên, chúng tôi đã hướng dẫn gia đình xin giấy chứng nhận của bệnh viên, lập hồ sơ gửi Sở GD&ĐT Nghệ An xin đặc cách tốt nghiệp THPT cho em”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...