Mối quan hệ giữa người với người vốn dĩ luôn là một phạm trù không có một khái niệm rõ ràng, với mỗi cá nhân nó sẽ đều mang một ý nghĩa riêng biệt. Tình yêu cũng vậy! Đôi khi có những khoảng xa cách khiến tình yêu mất mát dần.
Đó là những cảm nhận được gợi nên từ bài thơ “Khoảng cách” của nhà thơ Chu Hồng Tiến.
Khoảng cách
Bó hoa
không lá
Chùm hoa
không hoa
Tiếng hát không đàn đệm
Bản nhạc không lời
Cặp mắt ướt đi qua trưa nắng
Đôi cánh khô khong bay qua cơn mưa rào
Tôi và em
Có nhiều khoảng cách trong tưởng tượng
Cách xa một đường bay
Một cọng cỏ
Chúng ta lạc nhau trong cuộc hẹn
Em hút vào ngõ trái
Anh ơ hờ một cành lá không hoa
Nhà thơ Chu Hồng Tiến
Nhan đề bài thơ là dự báo về những gì đang diễn ra trong mối quan hệ của hai nhân vật trữ tình, từ đó bao quát và ngầm truyền tải tới độc giả tư tưởng chủ đề của tác phẩm.
Bài thơ được viết bằng thể thơ tự do, với bối cảnh trữ tình là khoảng cách trong tâm hồn của hai người trong tình yêu.
Hai khổ đầu được mở ra với hình ảnh “Bó hoa/không lá”, “Chùm hoa/không hoa”, “Tiếng hát không đàn đệm”, “Bản nhạc không lời”.
Có thể nhận thấy, những hình ảnh trên đều mang hơi hướng của sự thiếu hụt lạ lùng nào đó. Mỗi sự vật đều thiếu vắng đi phần quan trọng nhất của nó, thậm chí là phần linh hồn của mỗi vật.
Nếu “Tiếng hát không nhạc đệm”, “Bản nhạc không lời”, “Bó hoa/không lá” là những thiếu hụt dễ hiểu, dễ chấp nhận thì “Chùm hoa/không hoa” là một thiếu vắng vô lí. Phải chăng, thiếu hụt đó chính là dấu hiệu của khoảng cách đang hiện ra.
Ở hai câu thơ 'Cặp mắt ướt đi qua trưa nắng/Đôi cánh khô khong bay qua cơn mưa rào', tác giả sử dụng biện pháp tu từ đối “cặp mắt ướt” - “trưa nắng”, “đôi cánh khô khong” - “cơn mưa rào”. Những hình ảnh đối lập, gợi cho người đọc liên tưởng tới sự không thể hoà hợp giữa hai sự vật nằm trong cùng một bối cảnh.
Từ ấy, ta có thể dễ dàng liên tưởng tới tình cảm của hai nhân vật trữ tình. Dù trong cùng một không gian, thời gian nhưng họ dường như cũng chẳng thể hoà vào làm một.
Khoảng cách trong tình cảm đã được nhân vật trữ tình nhận ra qua những chi tiết như “khoảng cách trong tưởng tượng”, “cách xa một đường bay”, “một ngọn cỏ” với cảm xúc buồn và hụt hẫng, cảm giác tưởng gần mà xa.
Ảnh minh họa. |
Dù chỉ là khoảng cách trong tâm hồn không thể đong đếm được: “Ihoảng cách trong tưởng tượng”. Có khi khoảng cách thật lớn: “xa một đường bay”, lúc chỉ ngang “một ngọn cỏ” nhưng khoảng cách là có thật.
Ở hai câu thơ tiếp theo, tác giả đã sử dụng biện pháp ẩn dụ khi nhắc tới “ta lạc nhau trong cuộc hẹn”, “em hút vào ngõ trái” để diễn đạt sự trớ trêu khi dù muốn ở bên cạnh nhau, tuy gặp nhau “trong cuộc hẹn”, khoảng cách tâm hồn vẫn dần đẩy họ ra xa nhau: “Im hút vào ngõ trái”.
Đối diện với tình cảnh ấy, nhân vật trữ tình “tôi” lại dường như thờ ơ, “ơ hờ một cành lá không hoa” như chấp nhận thực tại mà không cố gắng níu kéo người mình yêu đang xa dần. “Cành lá không hoa” là hình ảnh ẩn dụ buồn cho tình yêu không còn linh hồn của họ.
“Khoảng cách” là bài thơ trữ tình được viết với ngôn từ chắt lọc mà đậm chất trữ tình cùng mạch cảm xúc chủ đạo là buồn và hụt hẫng. Qua đó,tác giả đã cho người đọc cảm nhận được bối cảnh cũng như thế giới nội tâm của nhân vật trữ tình xuyên suốt tác phẩm.
Bài thơ để lại trong lòng người đọc một cảm giác buồn xao xuyến khi nhận ra giữa người với người luôn luôn có “khoảng cách” dù họ không muốn thế.