Nơi ấy, vị trí chiến lược quan trọng được Ngô Quyền chọn 1.083 năm trước

GD&TĐ - Khi kéo quân về cửa biển Bạch Đằng bố trí thế trận, Ngô Quyền sớm nhận ra vị trí chiến lược quan trọng của làng Dầm - tức làng Lương Xâm.

Di tích Từ Lương Xâm – 1.083 năm trước là đại bản doanh chỉ huy của Ngô Quyền.
Di tích Từ Lương Xâm – 1.083 năm trước là đại bản doanh chỉ huy của Ngô Quyền.

Cuộc chiến chống quân Nam Hán năm 938 gắn liền với địa danh Lương Xâm – nơi Ngô Quyền đặt một đồn quân lớn là đại bản doanh chỉ huy tiền phương. Từ đó, lễ hội Từ Lương Xâm được hình thành.

Lễ tế độc đáo

Theo thông tin từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, lễ hội Từ Lương Xâm (quận Hải An, thành phố Hải Phòng) đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Từ Lương Xâm được diễn ra trong các ngày 14 - 18 tháng Giêng hằng năm. Lễ hội nhằm tưởng nhớ Ngô Quyền và chiến thắng quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938.

Nội dung bản “Tiền Ngô Vương thiên tử ngọc phả lục” hiện lưu tại Từ Lương Xâm cho biết, khi kéo quân về cửa biển Bạch Đằng bố trí thế trận, Ngô Quyền sớm nhận ra vị trí chiến lược quan trọng của làng Dầm - tức làng Lương Xâm (tên cũ là Lãng Thâm) bây giờ.

Tại đây, ông đặt một đồn quân lớn là đại bản doanh chỉ huy tiền phương (còn đồn chỉ huy sở được đặt tại làng Cấm (tên chữ là Gia Viên) - khu vực trụ sở UBND thành phố Hải Phòng hiện nay. Tại đây, Ngô Quyền huy động nhân dân đắp thành vành kiệu, dấu vết nay vẫn còn.

Lễ hội Từ Lương Xâm được tiến hành với sự tham gia của hầu hết các làng xã trong vùng. Trong lễ hội Từ Lương Xâm, hàng chục làng xã rước kiệu từ đình làng mình tới chầu. Tất cả các kiệu đều đặt ở khu đất rộng trước cửa Linh từ để chấm giải.

Kiệu nào nhất thì lần sau được vinh dự thay mặt cả đoàn kiệu đứng dâng lễ Thánh Vương trước long sàng. Nghi thức tế Ngô Vương ở Từ Lương Xâm khá đặc biệt: Lễ phẩm phải có một bò, một lợn, một dê mổ tế sống – gọi là cỗ thái lao. Tế xong đem số thịt đó làm cỗ ăn tại đền và chia cho dân đinh. Vào những năm “phong đăng hòa cốc” ở Từ Lương Xâm còn có lệ hợp tế hàng huyện, hợp tế hàng tổng.

Trong lễ hội có nhiều tiết mục văn nghệ, biểu diễn ca múa nhạc dân tộc tái hiện lại chiến thắng Bạch Đằng. Các trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt dê, đu xuân, cờ tướng, cờ người...

Theo thông lệ, Từ Lương Xâm gắn mọi hoạt động của mình với các di tích thờ Ngô Vương trong vùng với tư cách là “Từ Cả” và trở thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của dân làng.

Lễ hội Từ Lương Xâm đã trở thành lời nhắc nhở, tiếng thúc giục hàng triệu con tim tìm về ngưỡng vọng. Đặc biệt mỗi khi nền độc lập dân tộc bị đe dọa, đất nước lâm nguy trước giặc ngoại xâm, trời làm hạn hán, gặp bão giông biển động, nghề nông - ngư thất bát.

Lễ hội Từ Lương Xâm mới được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội Từ Lương Xâm mới được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Vua Tổ trung hưng

Ngược dòng lịch sử, năm 937 Kiều Công Tiễn giết hại Dương Đình Nghệ để đoạt chức tiết độ sứ. Năm 938 con rể Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền kéo quân từ châu Ái (Thanh Hóa) ra Đại La trừ phạt tên phản nghịch. Kiều Công Tiễn lo sợ bèn sai sứ sang cầu viện binh Nam Hán.

Vua Nam Hán sai con trai Lưu Hoằng Tháo đem quân sang cứu viện. Quân Nam Hán chưa đến nơi thì Ngô Quyền đã chém đầu Kiều Công Tiễn, nhưng Hoằng Tháo vẫn tiến quân sang để giành lại chức tiết độ sứ.

Biết Hoằng Tháo sẽ đi theo đường sông Bạch Đằng để tấn công Cổ Loa, Ngô Quyền đã cho quân đóng cọc gỗ mai phục. Với tài quân sự mưu lược và lòng chiến đấu dũng cảm, Ngô Quyền đã thắng vạn quân Nam Hán trong thế chẻ tre, chém đầu tướng Hoằng Tháo. Sông Bạch Đằng trở thành dòng sông lịch sử.

Năm 939 Ngô Quyền xưng vương lập nên nhà Ngô, chấm dứt hơn 1.000 năm Bắc thuộc.

Hai trong số các cọc gỗ do Ngô Quyền sai đóng dưới lòng sông Bạch Đằng.

Hai trong số các cọc gỗ do Ngô Quyền sai đóng dưới lòng sông Bạch Đằng.

Lễ hội Từ Lương Xâm được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, không chỉ lưu giữ tôn vinh các giá trị truyền thống. Đó còn là dịp hậu thế ôn lại lịch sử vẻ vang, biết được đời sống tâm linh thờ cúng các anh hùng trong dòng chảy văn hóa dân tộc.

Theo giới nghiên cứu lịch sử, Từ Xương Lâm là một đài tưởng niệm vị anh hùng dân tộc Ngô Quyền - ông Tổ trung hưng của nền độc lập Việt Nam. Nhà yêu nước Phan Bội Châu, sau này tôn vinh Ngô Quyền là “vua Tổ phục hưng dân tộc”.

Các tư liệu tại Từ Xương Lâm cho biết, Từ được xây dựng từ xa xưa. Đến thời Hậu Lê thì rất nguy nga và được trùng tu vào thời Nguyễn. Hiện, di tích mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, chỉ có một số cấu kiện kiến trúc như đầu dư là mang phong cách thời Lê.

Nhìn toàn cảnh, ngôi Từ bố cục theo kiểu “nội công, ngoại quốc”, liên hoàn khép kín. Tại Từ còn lưu giữ được 25 đạo sắc chính và hơn 20 sắc phong được sao lại có niên đại năm 1522 đến năm 1924 của các triều Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng, Tây Sơn, Nguyễn. Trong các sắc phong đó, nhiều triều đại suy tôn Đức Vương Ngô Quyền là “Thượng đẳng tối linh đại vương”, là “Ngô Vương Thiên tử” và nhiều mỹ tự.

Đặc biệt tại nhà Giải vũ lưu giữ 3 chiếc cọc Bạch Đằng là chứng tích của trận Bạch Đằng năm 938. Trong trận này, Ngô Quyền đã sử dụng kế sách cắm cọc nhọn đầu bịt sắt ngầm ở cửa biển, lợi dụng con nước thủy triều tạo nên một trận địa cọc tiêu diệt quân Nam Hán làm nên chiến thắng lưu danh sử sách và chiếc thuyền rồng, biểu tượng cho trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 938.

Truyền thuyết dân gian tại địa phương lưu lại rằng: Ngô Quyền cắm cọc từ vùng Lương Xâm đến vùng cửa Nam Triệu. Sau khi ngài qua đời, một hôm có cây gỗ trầm hương trôi đến xã Lương Xâm, nhân dân các làng Bình Kiều, Hạ Đoạn, Lương Xâm, Xâm Bồ kéo nhau ra vớt cây gỗ và cắt ra làm 3 đoạn đem về tạc tượng Ngô Quyền. Làng Lương Xâm được chia đoạn gốc nên tạc tượng Ngô Quyền to và đẹp nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.