Hải Phòng: Phát lộ thêm “bãi cọc Bạch Đằng” dưới… ao

Hải Phòng: Phát lộ thêm “bãi cọc Bạch Đằng” dưới… ao

Chứng tích quý dưới… ao

Gia đình ông Đào Văn Đến (tại khu Đầm Thượng, thôn 11, xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên) phát hiện được 13 cọc gỗ dưới đáy ao trong quá trình bơm nước để thu hoạch cá. Ông Đến đã báo sự việc lên cơ quan chức năng. Ngày 12/2, Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với UBND huyện Thủy Nguyên tiến hành khảo sát khu vực phát lộ các cọc gỗ.

Trao đổi với báo chí, ông Hoàng Minh Luân, Chủ tịch UBND xã Lại Xuân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng cho biết: Ngày 9/2, trong lúc tát cạn ao để thu hoạch cá, gia đình ông Đào Văn Đến phát hiện dưới đáy ao có 13 cọc gỗ. Ngay sau đó, ông Đến đã trình báo cơ quan chức năng về sự việc nêu trên. Tiếp nhận thông tin, UBND xã đã báo cáo lên huyện, sau đó UBND huyện đã cử cán bộ về kiểm tra và có văn bản báo cáo Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng.

Viện Khảo cổ học Việt Nam đã có nhận định ban đầu rằng bãi cọc Đầm Thượng mới phát hiện có giá trị trong việc nghiên cứu chiến trận Bạch Đằng năm 1288. Khu vực phát hiện bãi cọc gỗ đang là ao cá của người dân. Hiện tại một số cọc đã bị hủy hoại, không được bảo vệ. Gia đình đang tiến hành cải tạo, nạo vét mặt đáy ao để nuôi thả cá nên phải tiến hành khai quật khẩn cấp bãi cọc trên.

Ngày 14/2, Viện Khảo cổ học đã có công văn đề nghị UBND TP Hải Phòng cấp phép khai quật khẩn cấp khu vực bãi cọc nói trên. Diện tích khai quật là khoảng 400m2 tại khu vực ao cá nhà ông Đào Văn Đến. Thời gian khai quật từ ngày 18/2 đến 31/3.

Ngày 17/2, Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng có văn bản đề nghị UBND TP Hải Phòng cấp phép khai quật bãi cọc gỗ tại khu vực ao nhà ông Đến để phục vụ cho công tác nghiên cứu, đánh giá tổng thể chiến trận Bạch Đằng.

Ngày 20/2, Viện Khảo cổ học do Tiến sĩ Bùi Văn Hiếu – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học Dưới nước, phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng, UBND huyện Thủy Nguyên, tiến hành khai quật 13 cọc gỗ trong ao nuôi thủy sản của gia đình ông Đến.

Theo nhận định ban đầu, khu vực phát hiện số cọc gỗ mới này nằm ở ngã ba sông Kinh Thầy, sông Đá Vách và sông Đá Bạc. Ao nuôi thủy sản của gia đình ông Đến vốn là cồn đất nằm chính giữa ngã ba sông nói trên và cũng là nơi giáp ranh địa giới hành chính của 3 tỉnh thành: Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương.

Khu vực phát lộ cọc là một ao nuôi thủy sản
 Khu vực phát lộ cọc là một ao nuôi thủy sản

Mang cọc quý về… làm nhà

Khu vực phát hiện bãi cọc giáp với sông Đá Bạc. Nơi đây giờ là khu vực đầm nuôi trồng thủy sản của nhiều hộ dân và thường được gọi là khu Đầm Thượng. Theo chia sẻ của người dân thôn 11, trước đây khu vực này còn được gọi là cánh đồng chân cọc vì có rất nhiều cọc.

Ông Hoàng Minh Luân cho biết, khu Đầm Thượng có diện tích khoảng 40 ha. Khoảng năm 2009, người dân đào ao cũng phát hiện cọc gỗ. Do không có hiểu biết nên họ mang về để làm nhà. Việc phát hiện của người dân rất lẻ tẻ nên không ai để ý đó là những chiếc cọc có thể liên quan tới trận chiến Bạch Đằng.

Cho tới gần đây, thông tin về bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ, huyện Thủy Nguyên (bãi cọc được phát hiện vào cuối năm 2019) được các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn đánh giá có thể là một trận địa trong trận chiến Bạch Đằng đã được người dân hết sức chú ý. Chính vì vậy, khi thấy những chiếc cọc dưới đáy ao, ông Đến đã giữ nguyên hiện trạng và lập tức trình báo với chính quyền địa phương.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Đào Văn Đến chia sẻ, gia đình ông mua lại khu đầm này từ năm 2014. Quá trình chăn nuôi, gia đình ông phát hiện ra nhiều cọc gỗ. Gần đây, biết thông tin về cọc gỗ liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng thì gia đình mới trình báo. Mong muốn cơ quan chức năng về khảo sát, lấy mẫu phục vụ cho việc nghiên cứu. Cũng chính tại khu vực ao cá này, chủ cũ cũng đã đào được hơn 10 cọc gỗ và một thuyền gỗ.

Theo Tiến sĩ Bùi Văn Hiếu – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Khảo cổ học Dưới nước, Viện Khảo cổ học, trước mắt viện tập trung khai quật khu vực phát hiện 13 chiếc cọc gỗ này để phục vụ công tác nghiên cứu về chiến trận Bạch Đằng. Dự kiến, việc khai quật sẽ diễn ra trong vòng 40 ngày. Sắp tới sẽ có các chuyên gia đến từ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội xuống khảo sát, đánh giá.

Đây là bãi cọc thứ 2 được phát lộ trên địa bàn huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng. Trước đó, ngày 27/11/2019, Viện Khảo cổ học phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng đã tiến hành khai quật bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. 27 cọc gỗ có niên đại hàng nghìn năm tuổi đã xuất lộ trên diện tích khoảng 1.000 m2 tại khu vực cánh đồng Cao Quỳ tại xã Liên Khê.

Di tích bãi cọc tại cánh đồng Cao Quỳ được các chuyên gia, nhà nghiên cứu nhận định có thể là của trận địa khoảng cuối thế kỷ XIII, nhiều khả năng liên quan đến trận chiến trên sông Bạch Đằng chống quân Nguyên Mông năm 1288.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ