Lớp học xóa mù giúp cảm hóa và hướng thiện ở trại giam

GD&TĐ - Lớp học gồm 50 người với “đồng phục” là áo số, bàn tay đã cứng cầm bút lóng ngóng tì xuống vở tập viết chữ cái đầu tiên.

Thầy giáo và học trò đặc biệt lớp học xóa mù chữ tại Trại giam số 3 - Bộ Công an (đóng tại huyện Tân Kỳ, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài
Thầy giáo và học trò đặc biệt lớp học xóa mù chữ tại Trại giam số 3 - Bộ Công an (đóng tại huyện Tân Kỳ, Nghệ An). Ảnh: Hồ Lài

Họ chính là học viên – phạm nhân lớp học văn hóa xóa mù chữ tại trại giam số 3 (Bộ Công an) đóng tại xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, Nghệ An.

Lần đầu tiên học chữ

Già Ch. năm nay 56 tuổi mới lần đầu tiên được học chữ. Ông cũng là một trong những học viên lớn tuổi của lớp văn hóa xóa mù chữ năm học 2022-2023 do Trại giam số 3 tổ chức. Già Ch là người Mông, sinh ra lớn lên ở bản Huồi Xai, xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An. “Trước đây tôi chưa từng được đi học chữ. Ngày xưa trong bản còn chưa có trường học, chưa có thầy cô. Đường ra trung tâm xã thì xa, phải đi bộ, nên cứ ở trong bản rồi đến tuổi đi rẫy, không đi học nữa. Giờ thì nhiều tuổi rồi mà vẫn chưa biết chữ”, nam phạm nhân nói.

Người Mông thường kiệm lời, ít thể hiện cảm xúc ra ngoài, nhưng nhắc đến vợ con, Già Ch. bật khóc, mắt đỏ hoe. Phải ngừng lại một lúc, ông mới kìm xúc động, kể: “Hôm qua con mới xuống thăm, mang quà cho bố. Con cũng biết bố sắp đi học chữ rồi, động viên bố học cho tốt để hôm sau còn về nhà, về bản”.

Học viên lớp văn hóa xóa mù chữ tại Trại giam số 3 - Bộ Công an. Ảnh: Hồ Lài

Học viên lớp văn hóa xóa mù chữ tại Trại giam số 3 - Bộ Công an. Ảnh: Hồ Lài

Già Ch. vào trại thụ án vì án vận chuyển chất ma túy từ năm 2017. Cho đến giờ, bản Huồi Xái – quê hương của Ch. vẫn nằm biệt lập trên núi cao, chưa có giao thông thuận lợi. Lấy vợ sớm, B. lần lượt sinh 10 người con. Cuộc sống vất vả và hiểu biết còn hạn chế, Ch. đồng ý “xách ma túy” hộ và bị công an bắt giữ. Sau khi xét xử, Ch. chỉ chịu mức án nhẹ và nếu tiếp tục cải tạo tốt, sang năm có thể trở về với gia đình. Vì vậy, khi cán bộ trại giam thông báo về mở lớp xóa mù chữ Lầu Nỏ B. đã đăng ký tham gia. “Học chữ khó quá, nhưng tôi nghĩ nếu biết chữ các con rất vui nên cố gắng để khi ra tù biết đọc, biết viết”, Ch. cho hay.

Cũng là người Mông, nhà của phạm nhân Lầu Nỏ B. ở xã biên giới Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An. Năm nay 63 tuổi, B. là học viên lớn tuổi nhất của lớp văn hóa xóa mù chữ. Lúc nhỏ chưa có điều kiện đến trường, nên B. không biết chữ, tiếng Kinh cũng không thành thạo. Cuộc sống dựa vào làm rẫy mùa được nhiều, mùa được ít. Rừng đã cấm khai thác nên B. trải qua nhiều nghề để kiếm sống. “Thiếu hiểu biết, ham lợi nhanh trước mắt nên tôi nhận vận chuyển chất ma túy và bị phạt 8 năm tù giam”, phạm nhân Lầu Nỏ B. kể. Với án ma túy, hình phạt 8 năm tù là vẫn còn may mắn. Nhưng vào tù, được cán bộ giải thích, B. mới biết tội lỗi của mình sẽ còn gieo rắc đau thương đến bao nhiêu gia đình khác. “Tôi có 8 người con, cũng lớn cả rồi. Từ ngày vào đây các con xuống thăm, đều mong bố sớm về nhà. Tôi chỉ còn 2 năm nữa là hết án, cán bộ động viên đi học chữ để khi về còn biết ký tên, biết đọc, biết viết”.

Nghĩa tình đặc biệt trong trại giam

Người phụ trách lớp văn hóa xóa mù chữ tại Trại giam số 3 từ khóa đầu tiên là Thiếu tá Nguyễn Bá Đường. Mặc dù đã có kinh nghiệm nhưng mỗi khóa học mới, cán bộ trại giam này vẫn cứ nguyên những trăn trở của một người thầy. Học viên của lớp là đối tượng đặc thù, phần lớn đã nhiều tuổi, hoặc là người dân tộc thiểu số, ở vùng sâu vùng xa. Trước kia, vì hoàn cảnh khó khăn hoặc vất vả chưa có điều kiện tới trường. Cũng có phạm nhân đã đi học đến lớp 3 – 4 thì bỏ, lâu dần tái mù chữ. Vì thế, khi tham gia lớp văn hóa xóa mù chữ của trại, họ đều như học lại từ đầu nhưng tay cứng, khả năng tiếp thu chậm, nhanh quên. Một số học viên nói tiếng Kinh còn chưa thạo, nên việc dạy học lại càng vất vả.

“Học viên của lớp có thể làm nhiều công việc nặng nhọc, nhưng cầm bút lại trở nên lóng ngóng, khó khăn, thậm chí là nản vì quá mỏi tay khi tập viết. Có phạm nhân còn “nói thật” với cán bộ là đi lao động cải tạo thấy còn… khỏe hơn đi học chữ”, thiếu tá Nguyễn Bá Đường kể.

Thiếu tá Nguyễn Bá Đường và học viên trong lớp văn hóa xóa mù chữ. Ảnh: Hồ Lài

Thiếu tá Nguyễn Bá Đường và học viên trong lớp văn hóa xóa mù chữ. Ảnh: Hồ Lài

Vì vậy, để học viên hứng thú và không ngại học, thầy phải tạo không khí vui vẻ, không áp lực trong lớp. Thầy giáo đặc biệt này cũng chia sẻ, các lớp xóa mù chữ thường kéo dài 9 – 10 tháng, có khóa diễn ra trong 1 năm. Thời gian này một mặt để học viên có thể nhớ và cơ bản thành thạo đọc, viết. Ngoài dạy học sẽ có một số hoạt động văn hóa, giải trí… thông qua đó để thầy hiểu hơn về hoàn cảnh, nguyện vọng của “trò”. Việc trò chuyện, chia sẻ cũng là cách khơi gợi giá trị tốt đẹp, hướng thiện để phạm nhân có động lực cải tạo chờ ngày trở về.

Sinh năm 1995, Lương Văn Ư. là một trong những học viên trẻ tuổi của lớp học xóa mù chữ. Bố mất sớm, mình mẹ nuôi hai anh em nên Ư. sớm mưu sinh giúp mẹ. Tuổi trẻ nhận thức chưa đầy đủ nên cậu thanh niên người Thái bị lôi kéo thành con nghiện ma túy, rồi sau đó tham gia vận chuyển chất cấm. Cái giá phải trả quá đắt cho nam thanh niên trẻ khi chịu án phạt 20 năm tù giam. Điều ân hận nhất đối với Lương Văn Ư. là khi nghĩ về gia đình ở quê nhà Quan Hóa, Thanh Hóa.

“Em mới thụ án được hơn 2 năm. Trong này, em cũng có thời gian nhìn lại lỗi lầm của mình rồi cứ nghĩ không biết rồi sau này em có về báo đáp mẹ được hay không. Lớp học xóa mù chữ đối với em như một tia sáng. Em thấy rất vui khi mình lại có cơ hội được đi học để biết chữ”, nam phạm nhân kể.

Thượng tá Đào Anh Sơn – Phó Giám thị Trại giam số 3 cho biết, thực tế trong số các phạm nhân có nhiều hoàn cảnh thương tâm, người dân tộc thiểu số… Trước kia, khi còn ở ngoài xã hội, họ vì cuộc sống mưu sinh, không có điều kiện học hành, thiếu hiểu biết mà phạm tội, trả cái giá rất đắt. Vì thế, lớp học văn hóa xóa mù chữ không chỉ dạy chữ mà còn cảm hóa giáo dục người phạm tội. Khi biết đọc, biết viết sẽ góp phần nâng cao năng lực nhận thức, hiểu biết, cố gắng cải tạo, sớm hòa nhập cộng đồng trở về với gia đình, quê hương, làm người lương thiện có ích cho xã hội.

Nhiều năm đồng hành với lớp văn hóa xóa mù chữ tại Trại giam số 3, đại diện Sở GD&ĐT Nghệ An, ông Nguyễn Huy Cao – Phó trưởng Phòng Giáo dục chuyên nghiệp – GDTX cho hay, trên toàn tỉnh còn có trên 7.000 người chưa biết chữ hoặc tái mù chữ. Trong số này có thể có đối tượng đang thụ án tại trại giam số 3. Và lớp học văn hóa tại đây đang làm thay phần công việc cho ngành giáo dục, giúp những phạm nhân sau khi hoàn lương, trở về với gia đình đã biết đọc, biết viết, tái hòa nhập cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ