Nỗ lực nâng cao chất lượng xóa mù chữ ở Cư Prao

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cư Prao là xã đặc biệt khó khăn của huyện M’Drắk (Đắk Lắk), công tác xóa mù chữ được chính quyền quan tâm và đạt kết quả tích cực.

Một học sinh xã Cư Prao nỗ lực học chữ. (Ảnh: Thành Tâm)
Một học sinh xã Cư Prao nỗ lực học chữ. (Ảnh: Thành Tâm)

Những kết quả tích cực

Ông Nguyễn Tăng Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Prao cho biết, toàn xã hiện có 12 thôn buôn với 1.582 hộ và 5.793 nhân khẩu.

Trên địa bàn có 10 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó, dân tộc tại chỗ có 465 hộ. Đặc điểm dân cư, chủ yếu là các hộ gia đình di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào. Tỉ lệ hộ nghèo còn tương đối cao, tuy nhiên nhân dân các dân tộc trên địa bàn đoàn kết, cùng nhau phấn đấu xây dựng quê hương ngày một phát triển.

“Cư Prao là xã đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện hơn 20km và trung tâm tỉnh hơn 100km. Diện tích rộng, địa hình phức tạp, giao thông đang được đầu tư, dân cư phân bổ rải rác ở nhiều khu vực. Về mùa mưa, một số khu dân cư bị chia cắt. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, chính quyền, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, nhất là đội ngũ nhà giáo, đến nay công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ (PCGD, XMC) đạt được nhiều kết quả tích cực”, ông Liêm chia sẻ.

Thầy Nguyễn Hải Hoán (người đứng hàng sau) kiểm tra 1 lớp phổ cập giáo dục gồm nhiều độ tuổi cho học sinh xã Cư Prao. (Ảnh: Thành Tâm)

Thầy Nguyễn Hải Hoán (người đứng hàng sau) kiểm tra 1 lớp phổ cập giáo dục gồm nhiều độ tuổi cho học sinh xã Cư Prao. (Ảnh: Thành Tâm)

Còn theo thầy Nguyễn Hải Hoán, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Khuyến (PTDTBT), khó khăn nhất trong việc XMC, chống tái mù chữ ở Cư Prao là việc đi vận động người học ra lớp.

“Địa hình xã rộng, kéo dài trên sườn đồi có độ dốc cao, giao thông liên thôn còn cách trở, một số vùng bị chia cắt và bị cô lập về mùa mưa. Đời sống nhân dân địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Một số bộ phận người dân nhận thức chưa đầy đủ về công tác giáo dục. Mặt khác, nhiều hộ thường có sự di chuyển chỗ ở từ thôn này sang thôn khác theo mùa vụ. Thêm nữa, không ít trường hợp bị sai lệch họ, tên, ngày tháng năm sinh ...”, thầy Hoán chia sẻ.

Để giải quyết bài toán này, thầy Hoán cùng đội ngũ cán bộ địa phương, giáo viên đã chia nhau trực tiếp bám địa bàn, thậm chí “mật phục” chọn đúng thời điểm mới tiếp cận để vận động từng hộ dân.

Một hộ dân ở thôn 7, xã Cư Prao nằm ở khu vực triền đồi, thầy cô đến vận động cho con đi học nhưng phải "mật phục" nhiều lần mới gặp được gia đình. (Ảnh: Thành Tâm)

Một hộ dân ở thôn 7, xã Cư Prao nằm ở khu vực triền đồi, thầy cô đến vận động cho con đi học nhưng phải "mật phục" nhiều lần mới gặp được gia đình. (Ảnh: Thành Tâm)

“Công tác ở đây, giáo viên nắm chắc địa hình, địa vật và tập quán sinh hoạt, lao động của người dân mới có thể vận động. Nhiều hôm, các thầy cô phải chờ từ chiều đến tối mới gặp được người dân, vì họ đi làm rẫy xa, sáng sớm gà gáy dậy đi, tối mịt mới trở về nhà. Vận động ra lớp được, thầy cô phải dùng nhiều cách để động viên, thuyết phục họ học chữ”, thầy Hoán tâm sự thêm.

Học để hiểu biết pháp luật và chăm chỉ làm ăn

Thầy Dương Văn Ly, giáo viên Trường PTDT BT THCS Nguyễn Khuyến, Phụ trách PCGD, XMC xã Cư Prao thông tin, tổng số người trong độ tuổi từ 15 - 60 tuổi là 4.226 người. Trong đó, được công nhận biết chữ mức độ 1 (học hết lớp 3): 3.935, đạt tỉ lệ 93.11%; được công nhận biết chữ mức độ 2 (hoàn thành chương trình tiểu học): 3.571, đạt tỷ lệ: 84.5%. Đến nay, Cư Prao được công nhận đạt chuẩn quốc gia XMC mức độ 2.

“Hiện nay, đã tham mưu địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi đồng bộ cho các lớp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở. Mục tiêu trong năm học 2023-2024, duy trì xã đạt chuẩn PCGD tiểu học và THCS mức độ 3, chuẩn XMC mức độ 2. Phấn đấu, nâng tỉ lệ số người trong độ tuổi từ 15-35 biết chữ mức độ 2 lên trên 95%”, thầy Ly cho biết.

Anh Long và anh Sinh đánh cá ở suối đá. (Ảnh: Thành Tâm)

Anh Long và anh Sinh đánh cá ở suối đá. (Ảnh: Thành Tâm)

Anh Lý Hoàng Long (21 tuổi), trú thôn 5, xã Cư Prao cho biết, trước đây có đi học đến lớp 3 thì nghỉ học.

“Cách đây 2 năm đi đăng ký kết hôn, không nhớ chữ để ký nên phải điểm chỉ. Sau đó, được cán bộ, thầy cô vận động đi học. Giờ mình biết đọc, biết viết rồi, mình vui lắm”, anh Long tâm sự.

Vừa kéo xong mẻ chài bên dòng suối đá lởm chởm và chưa được con cá nào, nhưng anh Hoàng Văn Sinh (24 tuổi), cùng trú thôn 5, vui vẻ nói: “Trước đây chưa biết chữ, chưa biết luật pháp, chúng tôi toàn dùng bình kích điện bắt cá. Sau khi được học chữ, được thầy cô, cán bộ tuyên truyền, dùng kích điện bắt cá sẽ tận diệt cả cá con vừa sai quy định pháp luật nên chúng tôi chỉ dùng chài bắt cá thôi”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Động lực nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh 2024, ĐHQG TPHCM tiếp tục dành từ 5% đến tối đa 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của đại học này.