Nâng cao nhận thức về công tác xóa mù chữ tại Đắk Lắk

GD&TĐ - Ngày 15/12, Sở GD&ĐT Đắk Lắk tổ chức Hội nghị đánh giá công tác xóa mù chữ (XMC) năm 2023, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024.

TS. Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT triển khai nhiệm vụ XMC năm 2024. (Ảnh: Thành Tâm)
TS. Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT triển khai nhiệm vụ XMC năm 2024. (Ảnh: Thành Tâm)

Cần phát huy vai trò của người có uy tín

Theo TS. Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, XMC là việc làm đòi hỏi sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó các trường học đóng vai trò then chốt.

Đại biểu dự Hội nghị đánh giá công tác XMC năm 2023, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024 tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Thành Tâm)

Đại biểu dự Hội nghị đánh giá công tác XMC năm 2023, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2024 tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Thành Tâm)

“Cần coi trọng công tác truyền thông để nâng cao nhận thức về công tác XMC. Bởi, người mù chữ không đồng đều về độ tuổi, việc vận động ra lớp cần sự vào cuộc của nhiều tổ chức. Phải làm sao để người dân hiểu rõ, muốn thoát nghèo thì phải biết chữ, biết đọc biết viết để hiểu biết pháp luật, cao hơn là cập nhật kiến thức kinh tế, xã hội để phát triển bản thân, gia đình”, TS Hiệp nói.

Còn ông Huỳnh Viết Trung, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Krông Bông thì cho rằng, để chất lượng XMC đi vào thực chất, các xã, huyện cũng cần sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm sâu sắc việc tổ chức các lớp dạy chữ trước khi báo cáo cho cấp trên.

“Không chỉ các thầy cô nhiệt tình đến nhà vận động, cần có sự hỗ trợ của buôn trưởng, thôn trưởng, người có uy tín mới mang lại hiệu quả bền lâu. Cạnh đó, cần có chế độ, chính sách phù hợp cho người làm công tác phổ cập giáo dục XMC để gắn trách nhiệm với nhiệm vụ được giao”, ông Trung nhấn mạnh.

Ông Phạm Trịnh, Phó Trưởng phòng GDTrH-GDTX, Sở GD&ĐT Đắk Lắk báo cáo kết quả XMC năm 2023. (Ảnh: Thành Tâm)

Ông Phạm Trịnh, Phó Trưởng phòng GDTrH-GDTX, Sở GD&ĐT Đắk Lắk báo cáo kết quả XMC năm 2023. (Ảnh: Thành Tâm)

Theo báo cáo, năm 2022, tỉnh Đắk Lắk đã huy động được 233 người ra học lớp XMC. Trong đó, huyện Ea Súp huy động được 46 người tại xã Cư Kbang. Huyện M’Drắk huy động được 73 người tại trại giam Đắk Tân. Huyện Krông Ana huy động được 68 người, 100% học viên là người dân tộc thiểu số tại các xã Băng Adrênh và Ea Bông.

Năm 2022, tỉnh Đắk Lắk được Bộ GD&ĐT kiểm tra và công nhận xoá mù chữ đạt chuẩn mức độ 1.

Trong năm 2023, toàn tỉnh huy động được 342 người ra học lớp XMC. Cụ thể, huyện Ea Súp 100 người, huyện Ea Kar 61 người, huyện Cư M’gar 65 người, huyện Krông Ana 28 người và huyện Lắk 96 người.

Cần gắn xóa mù chữ với phát triển kinh tế - xã hội

TS. Đỗ Tường Hiệp chia sẻ, thời gian tới, Sở GD&ĐT cùng các ngành chức năng, địa phương sẽ tập trung nâng cao nhận thức cho các lực lượng tham gia hoạt động về công tác XMC, chống tái mù chữ trên địa bàn tỉnh.

“Biết chữ là điều kiện cần, là “cánh cửa” đầu tiên để bước vào lộ trình của học tập suốt đời đối với mỗi một con người. Công tác XMC được đặt ra cấp thiết, không thể thiếu và phải được đặt lên hàng đầu của việc nâng cao dân trí. Đây cũng là một tiêu chí quan trọng để xây dựng xã hội học tập.

Cùng với phổ cập giáo dục, nhiệm vụ duy trì và củng cố kết quả XMC được Chính phủ quan tâm đưa vào Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm. Công tác xoá mù chữ cho người dân nói chung và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng đã được Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh chỉ đạo sát sao, quyết liệt”, TS Hiệp nhấn mạnh.

TS. Hiệp cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh kết quả đạt được, thì tỷ lệ huy động người học XMC ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh còn thấp. Vẫn còn địa phương có người mù chữ, nhiều người chưa đạt chuẩn XMC nhưng chưa huy động hoặc huy động được rất ít người ra học. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong công tác này ở một số địa phương chưa thực sự chặt chẽ, thường xuyên và chưa hiệu quả.

Học sinh xã Cư Prao (M'Drắk) đến lớp phổ cập XMC. (Ảnh: Thành Tâm)

Học sinh xã Cư Prao (M'Drắk) đến lớp phổ cập XMC. (Ảnh: Thành Tâm)

Trong khi đó, đại diện phòng GD&ĐT huyện Lắk nhìn nhận, trong điều kiện một số trường học còn thiếu cơ sở vật chất, phòng học, đơn vị đã chủ động hướng dẫn các trường, các Trung tâm học tập cộng đồng phối hợp mở các lớp XMC.

“Đến nay, hầu hết đơn vị đã cập nhật kiến thức, kĩ năng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo thuận lợi cho người dân học tập theo nhu cầu. Có 37.303/ 46.783 người đạt chuẩn XMC mức độ 2. Toàn huyện có 11/11 xã đạt chuẩn XMC mức độ 2. Tuy nhiên, công tác xây dựng “Xã hội học tập” và chất lượng hoạt động của một số “Trung tâm học tập cộng đồng” còn mang tính hình thức”, trích tham luận của phòng GD&ĐT Lắk.

Tính đến tháng 8/2023, Đắk Lắk có 3/15 huyện đạt chuẩn XMC mức độ 1, tỉ lệ 20%. 12/15 xã đạt chuẩn XMC mức độ 2, tỉ lệ 80%. Tỉnh đạt chuẩn XMC mức độ 1.

Số người từ 15-60 tuổi đạt chuẩn XMC mức độ 2 là 1.333.190/ 1.424.886 người, tỉ lệ 93,56%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.