Nỗ lực “xóa mù” bơi cho học sinh vùng sông nước

GD&TĐ - Với hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt, các hoạt động vui chơi, đi học hay sinh hoạt hằng ngày của HS đều gắn với sông nước. Để giảm thiểu tai nạn đuối nước, ngành Giáo dục và chính quyền địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, việc tập trung dạy bơi cho HS tại trường học đã phát huy tác dụng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ở đâu có nguy cơ đuối nước, ở đó dạy bơi cho HS

Thực tế khiến phụ huynh và giáo viên lo ngại là không chỉ HS thành thị mà rất nhiều em ở nông thôn, vùng sông nước không biết bơi. Nguyên do, nhiều nơi nước sông, kênh, rạch bị ô nhiễm nên con trẻ không thể tập bơi; còn hệ thống các hồ bơi chưa được quan tâm đầu tư, số lượng ít, chủ yếu tập trung khu vực thành thị.

Trước thực trạng này, các địa phương ở ĐBSCL quyết tâm dạy bơi và trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho HS. Mặc dù công tác phổ cập bơi cho HS còn cả một chặng đường dài và cần phải được thực hiện từng bước nhưng việc dạy bơi hiện nay được xác định là cấp thiết... Như TP Cần Thơ, trong những năm qua không có tình trạng HS bị đuối nước, đây là kết quả nỗ lực của ngành Giáo dục và chính quyền địa phương. Giải pháp được ngành Giáo dục TP Cần Thơ triển khai là các mô hình thí điểm dạy bơi cho HS, ưu tiên khối tiểu học. Bên cạnh đó tham mưu lãnh đạo các cấp quan tâm đầu tư và huy động xã hội hóa để xây dựng các bể bơi.

Hiện nay, từ các quận nội thành đến các huyện ngoại thành ở Cần Thơ đều có hồ bơi và các trường học tổ chức dạy bơi cho HS. Giáo viên dạy bơi được nhà trường đề cử từ giáo viên Giáo dục thể chất, có chuyên môn, nghiệp vụ về bơi lội. Giáo viên sẽ dạy HS các kiểu bơi, từ cơ bản đến nâng cao. Ngoài ra, HS còn được trang bị các kỹ năng phòng chống đuối nước, học cách cứu người khi gặp sự cố đuối nước…

Đến nay, tỷ lệ HS phổ thông của TP Cần Thơ biết bơi lên đến hơn 70%. Ông Nguyễn Hữu Nhân - Trưởng phòng Chính trị, Tư tưởng (Sở GD&ĐT TP Cần Thơ) chia sẻ: “Do bơi lội không phải là môn học chính thức, bắt buộc trong chương trình nên việc đầu tư nguồn lực từ Nhà nước để xây hồ bơi trong trường học rất khó khăn. Để gỡ nút thắt này, TP Cần Thơ chọn cách xây dựng hồ bơi trong trường học theo phương thức xã hội hóa. Chủ trương này đang được khuyến khích phát triển, nhằm phổ cập bơi cho HS và giảm đến thấp nhất tỷ lệ trẻ đuối nước.

Thời gian qua, ngành Giáo dục tỉnh Cà Mau cũng đã tập trung nguồn lực dạy bơi cho HS. Mục tiêu hướng đến là giúp các em biết bơi, biết thoát hiểm khi xảy ra tai nạn trên sông nước và có kỹ năng cứu người khi đuối nước. Từ những bể bơi trong trường học, bể bơi trong nhà văn hóa và bể bơi do xã hội hóa, số HS Cà Mau biết bơi ngày càng tăng.

Theo ông Nguyễn Minh Luân - Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau: “Việc dạy bơi cho HS nhằm giúp các em tự bảo vệ bản thân khi xảy ra sự cố trên sông nước và có kỹ năng khi cứu người đuối nước. Bằng nguồn lực của mình, chúng tôi sẽ cố gắng dạy bơi cho các em càng nhiều càng tốt. Đặc biệt mở rộng việc dạy bơi về các huyện, nơi vùng sâu, vùng xa. Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với Công đoàn ngành, Đoàn Thanh niên, cùng với sự tham gia của Hội Nông dân, Hội Phụ nữ… để tiến hành dạy bơi cho HS theo phương châm: Ở đâu có nguy cơ đuối nước ở đó tổ chức dạy bơi cho HS”.

Ảnh minh họa
 Ảnh minh họa

Đẩy mạnh xã hội hóa

Ở tỉnh Cà Mau, việc phổ cập bơi cho HS không chỉ riêng ngành Giáo dục mà còn có sự chung tay của xã hội. Bên cạnh việc dạy bơi cho HS ở trường học, ở các trung tâm văn hóa cấp xã trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng có nhiều hồ bơi xã hội hóa. Trong đó, lớp dạy bơi miễn phí do thầy Phạm Bá Trường (giáo viên Giáo dục thể chất Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, huyện Phú Tân) và anh Phan Thanh Sang - một viên chức ở huyện Cái Nước đứng ra tổ chức đã góp phần xóa mù bơi cho hàng ngàn HS vùng sông nước. Theo chia sẻ của anh Phan Thanh Sang, trong chuyến công tác tại huyện Ngọc Hiển, chứng kiến cảnh đuối nước thương tâm của các em HS, từ đó nảy sinh ý tưởng, rồi bỏ tiền mua hồ bơi, để dạy bơi cho các em trong vùng, tổng số tiền hơn 400 triệu đồng.

Tuy nhiên, ý tưởng này không phát huy tác dụng, sau đó hồ bơi biến thành hồ nuôi cá. Trong một dịp tình cờ, thầy giáo dạy thể dục Phạm Bá Trường đi qua khu vực, được biết anh Phan Thanh Sang có đầu tư hệ thống hồ bơi nhưng chưa hiệu quả nên cả hai cùng phối hợp mở lớp dạy bơi miễn phí. Hay tin, rất nhiều phụ huynh trong và ngoài xã đưa con, cháu đến học lớp dạy bơi được tổ chức 2 buổi mỗi ngày trong tuần. Đây là lớp dạy bơi thứ 8 của thầy giáo Phạm Bá Trường. Các lớp dạy bơi của thầy Trường được đặt tại các trường học, Trung tâm văn hóa cấp xã trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Việc tổ chức các lớp bơi lội nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng tránh đuối nước cho trẻ, nhất là các HS trên địa bàn tỉnh Cà Mau, nơi có rất nhiều kênh rạch và hệ thống sông ngòi...

Tại tỉnh Đồng Tháp, các trường học ở vùng sâu, vùng xa cũng rất vui khi được đầu tư xã hội hóa bể bơi cho HS. Từ sự chung tay, góp sức của Nhà nước và nhân dân, đến nay tỷ lệ HS biết bơi đã tăng đáng kể. Đây là một kỹ năng mang tính sống còn khi hằng ngày các em phải tiếp xúc với môi trường sông nước. Không dừng lại ở đó, từ việc phổ cập bơi được quan tâm, đầu tư, đã xuất hiện nhiều HS có năng khiếu môn bơi lội để tham gia vào đội tuyển tham dự các kỳ thi trong và ngoài địa phương.

Chia sẻ về công tác phổ cập bơi cho HS, thầy Phạm Thành Kiệt - Phó Hiệu trưởng Trường TH Thông Bình 1 (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp), cho biết: “Mỗi khi mùa lũ về, nước tràn mênh mông, đa số các em HS đến trường bằng phương tiện như xuồng, ghe… Nhưng điều làm chúng tôi lo lắng nhất là có đến 60% HS của trường chưa biết bơi. Xác định được mối nguy này, nhà trường phân công các thầy dạy thể dục tổ chức dạy bơi cho các em. Tuy nhiên, con nước ở địa phương phụ thuộc vào thủy triều, có lúc nước sông rất cạn, không đảm bảo vệ sinh nên khó thực hiện được việc dạy bơi cho HS… Vừa qua, nhà trường nhận được bể bơi di động từ nguồn xã hội hóa, thầy trò rất mừng vì từ nay có thể chủ động dạy bơi thường xuyên cho các em, không phải canh con nước hoặc đợi đến mùa lũ như trước đây”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.