Thảm họa giáo dục chưa từng có
Theo đánh giá của Liên Hiệp Quốc, đại dịch Covid-19 đã tạo ra sự gián đoạn hệ thống giáo dục lớn nhất trong lịch sử, ảnh hưởng tới gần 1,6 tỷ người học trên toàn cầu tại hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Việc đóng cửa trường học và không gian học tập tác động tới 94% số học sinh, sinh viên toàn thế giới. Tỷ lệ này lên đến 99% tại các nước có thu nhập thấp và dưới trung bình.
Cuộc khủng hoảng làm trầm trọng thêm sự chênh lệch về giáo dục khi nó làm giảm cơ hội tiếp cận của trẻ em, thanh thiếu niên, người lớn ở những nhóm dễ bị tổn thương như người nghèo, người sống ở vùng nông thôn, miền núi, người tị nạn, người khuyết tật, người lao động ở các khu trọ,...
Hệ lụy này có thể kéo dài, xóa bỏ những tiến bộ mà giáo dục đã đạt được trong nhiều thập kỷ qua.
Kể từ đầu dịch đến nay, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài. Cùng với đó, là hàng chục nghìn học sinh, sinh viên bị nhiễm bệnh, phải điều trị hoặc cách ly, hàng nghìn trẻ em bị mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha và mẹ. Hàng chục nghìn trường học phải đóng cửa, làm khu cách ly; có hàng trăm trường, chủ yếu là trường mầm non tư thục phải giải thể,... Những thiệt hại này là chưa từng có đối với giáo dục nước ta.
Dạy học, bồi dưỡng giáo viên linh hoạt
Trước tình hình dịch ảnh hưởng nghiêm trọng, Bộ GD&ĐT kịp thời chỉ đạo các địa phương, trường học thực hiện “Dừng đến trường nhưng không dừng học”, việc dạy học được triển khai linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch từng địa phương như dạy và học trực tuyến, dạy học qua truyền hình hoặc giao bài tập, nhiệm vụ học tập ở nhà đối với vùng có dịch và dạy học trực tiếp đối với vùng an toàn.
Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo giảm tải chương trình học cho tất cả các cấp lớp; việc kiểm tra, đánh giá rất linh hoạt, đa dạng, tranh thủ giờ vàng khi được học trực tiếp trở lại. Nhờ vậy, tất cả các cơ sở giáo dục từ giáo dục mầm non cho đến THPT, giáo dục thường xuyên và giáo dục đại học đã hoàn thành nhiệm vụ năm học, với chất lượng giáo dục đảm bảo.
Ngành GD&ĐT đã tổ chức thành công hai kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và năm 2021, theo Luật Giáo dục 2019, với kết quả an toàn, nghiêm túc, đánh giá thực chất, chất lượng dạy và học. Sau khi có kết quả thi, Bộ GD&ĐT thực hiện đối sánh kết quả điểm thi và điểm học bạ của thí sinh dự thi theo môn thi và địa phương tỉnh, thành phố. Đây là điểm mới nhằm từng bước xây dựng văn hóa chất lượng, kết quả đối sánh đã được dư luận xã hội đánh giá cao, giúp các địa phương không ngừng cải tiến dạy và học, nâng cao chất lượng.
Bộ đã ban hành văn bản về dạy và học trực tuyến, kiểm tra đánh giá HS với phương pháp, hình thức đa dạng, có thể qua máy tính hoặc mạng Internet,... Những chỉ đạo này không chỉ tạo hành lang pháp lý cho việc dạy, học, đánh giá trực tuyến mà quan trọng hơn là chính quyền địa phương cũng có trách nhiệm đối với dạy và học trực tuyến.
Điểm nhấn mới đó là việc bồi dưỡng theo phương thức tự học của người học là chính, điều mà trước đây chưa thể làm được. Các khóa bồi dưỡng với công thức 5-3-7. Theo đó, người học phải có tối thiểu có 5 ngày tự học, tự nghiên cứu, sau đó sẽ có 3 ngày để tập huấn trực tiếp – dưới hình thức sinh hoạt chuyên môn tại nhà trường/cụm trường để trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, thắc mắc và 7 ngày làm bài tập kiểm tra đánh giá.
Việc dạy và học trực tuyến ở nước ta đã được các tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá tích cực. Báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 29-9-2020 nhận xét rằng: “Việc học trực tuyến để phòng-chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác”.
Điểm nhấn “Sóng và máy tính cho em”
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, công tác tổ chức dạy học gặp nhiều khó khăn. Nhiều tỉnh, thành phố phải tổ chức dạy học trực tuyến, song đường truyền internet hạn chế, phần mềm dạy học hoạt động chưa tốt, nhiều HS thiếu thiết bị học tập,...
Theo thống kê có hơn 7.350.000 HS học trực tuyến, nhưng có khoảng 1,5 triệu HS chưa có thiết bị học trực tuyến. Đây là nguy cơ không đảm bảo chất lượng và mất công bằng trong tiếp cận giáo dục.
Trước khó khăn đó, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất với Chính phủ chương trình “Sóng và máy tính cho em”.
Tại buổi lễ phát động chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định chương trình “Sóng và máy tính cho em” có ý nghĩa lớn để hạn chế bớt sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh tới ngành Giáo dục, hạn chế khó khăn cho HS, thể hiện tinh thần nhân ái, chia sẻ tương trợ của toàn xã hội đối với lứa HS bị thiệt thòi lớn trong thời dịch bệnh, chăm lo cho thế hệ tương lai.
Theo Kế hoạch của Bộ TT&TT và Bộ GD&ĐT, chương trình đặt mục tiêu phủ sóng toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối Internet tại các địa phương thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, phủ sóng toàn bộ 1.910 điểm chưa kết nối Internet di động trên toàn quốc.
Về hỗ trợ máy tính, chương trình đặt mục tiêu giai đoạn 1 (năm 2021) huy động 1 triệu máy tính cho HS, SV thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Giai đoạn 2, năm 2022 và 2023, hướng tới mục tiêu 100% HS, SV thuộc hộ nghèo, cận nghèo toàn quốc được trang bị máy tính, thiết bị học trực tuyến.
Nhiều trường đại học lọt vào các xếp hạng quốc tế
Mặc dù gặp khó khăn vì đại dịch, nhưng với chủ trương tự chủ đại học, nâng cao chất lượng, vươn tầm quốc tế, trong những năm gần đây, nhiều đại học và trường đại Việt Nam đã góp mặt trong bảng xếp hạng đại học thế giới.
Trong đó, có xếp hạng THE (Times Higher Education), là Bảng xếp hạng đánh giá xếp hạng giáo dục của Anh, có uy tín và ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới.
Với Bảng xếp hạng này, hai năm 2020 và 2021, Việt Nam có 3 trường lọt vào top 500 trường tốt nhất thế giới. Trong đó, ĐH Quốc gia Hà Nội xếp trong nhóm 251-300, ĐH Quốc gia TPHCM trong nhóm 401-500, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong nhóm 301-500.
Năm 2022, Việt Nam có 5 đại diện góp mặt. Ngoài ba trường, ĐH Quốc gia Hà Nội nhóm 301-350, ĐH Quốc gia TP.HCM nhóm 401-500, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhóm 501+, có thêm Trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp hạng 82 và Trường ĐH Duy Tân xếp hạng 107.
Ngày 2/11/2021, Tổ chức xếp hạng Quacquarelli Symonds của Anh (QS AUR) đã công bố kết quả Bảng xếp hạng đại học châu Á. Việt Nam có 11 cơ sở giáo dục đại học góp mặt trong bảng xếp hạng này. Cụ thể, Trường ĐH Tôn Đức Thắng ở vị trí 142, ĐH Quốc gia Hà Nội ở vị trí 147, ĐH Quốc gia TP.HCM vị trí 179, Trường ĐH Duy Tân vị trí 210;
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong nhóm 281-290, ĐH Huế trong nhóm 401-450, ĐH Cần Thơ và ĐH Đà Nẵng trong nhóm 501-550; Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong nhóm 551-600; Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM trong nhóm 601-650.
Nhiều học sinh đạt giải quốc tế
Mặc dù khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch, nhưng năm 2020 và năm 2021 tất cả học sinh Việt Nam dự thi Olympic quốc tế bằng hình thức trực tuyến đều đoạt giải.
Năm 2020, cả 24/24 thí sinh của Việt Nam tham dự thi Olympic quốc tế đều đoạt đoạt giải; trong đó có 9 Huy chương Vàng, 8 Huy chương Bạc, 5 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen. Năm 2021, Việt Nam có 37/37 HS dự thi Olympic quốc tế đều đoạt giải với: 12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen.
Ngoài ra, năm 2021 có ba HS đoạt giải cao ở kỳ thi Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có 2 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc. HS Hà Nội đại diện cho HS Việt Nam dự Kỳ thi Olympic Toán và Khoa học quốc tế (IMSO) dành cho HS dưới 13 tuổi, do Indonesia đăng cai, đã giành hơn 20 huy chương. Trong đó có 2 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc và 4 Huy chương Đồng môn Toán. Ở môn Khoa học, các em giành được 5 Huy chương Bạc và 4 Huy chương Đồng.
Nhiều địa phương miễn, giảm học phí
Thực hiện lộ trình miễn và giảm học phí đối với học sinh mầm non 5 tuổi và học sinh THCS theo Luật Giáo dục 2019, đồng thời do dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân, ngành GD&ĐT các dịa phương đã kịp thời tham mưu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thực hiện miễn hoàn toàn hoặc giảm học phí.
TP Hải Phòng miễn học phí đối với học sinh mầm non 5 tuổi và học sinh phổ thông tất cả các cấp bắt đầu từ năm học 2020-2021. Quảng Ninh sẽ được tỉnh hỗ trợ 100% học phí năm học 2021 – 2022 cho học sinh các trường công lập và ngoài công lập, trừ các trường vốn đầu tư nước ngoài. TP Đà Nẵng hỗ trợ miễn 100% học phí năm học 2021-2022.
Hà Nội hỗ trợ 50% học phí năm học 2021-2020 cho học sinh,... Một số tỉnh miễn học phí kỳ I, bao gồm: Vĩnh Long, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, TPHCM, Bắc Ninh,...
Tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh
Cùng với nhiều giải pháp dạy và học an toàn trong dịch bệnh, Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế phối hợp triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho học sinh 12-17 tuổi, bắt đầu từ ngày 27/10/2021 và dự kiến sẽ tiêm cho trẻ từ 3-11 tuổi trong giai đoạn tới để đảm bảo cho HS, GV an toàn đến trường học.
Qua 2 năm học đã có hàng chục nghìn giáo viên từ chỗ hoàn toàn chưa biết giảng dạy trực tuyến, nhưng được tập huấn, tự học, tự nghiên cứu, hỗ trợ nhau đã thực hiện được giảng dạy trực tuyến với nhiều phần mềm khác nhau của trong và ngoài nước. HS cũng đã làm quen với học trực tuyến, tiếp cận với công nghệ hiện đại để tự học.
Với việc triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ và sự hỗ trợ của Nhà nước và toàn xã hội, Ngành GD&ĐT nước ta không chỉ vượt qua đại dịch, mà đây cũng là một cơ hội góp phần chuyển đổi số, từng bước đưa giáo dục nước ta tiếp cận với giáo dục 4.0.