Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo nhiều trường đại học, các nhà hoạch định chính sách, các nhà lập kế hoạch, các chuyên gia, các nhà khoa học, cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên trong nước và quốc tế.
Hội thảo do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với UNESCO Hà Nội và Chương trình Khoa học công nghệ cấp quốc gia về Khoa học giáo dục tổ chức.
Tham luận tại hội thảo là các vấn đề về giáo dục Việt Nam 2011-2020: tổng quan về giáo dục Việt Nam 2011-2020; tiếp cận và công bằng giáo dục; chất lượng giáo dục; giáo dục đại học; học tập suốt đời; quản lý nguồn nhân lực. Đồng thời trao đổi, chia sẻ xu hướng phát triển giáo dục thế giới và định hướng phát triển giáo dục Việt Nam trong giai đoạn 2021- 2030.
Phát biểu khai mạc, ông Lê Anh Vinh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã nhấn mạnh đây là sự kiện hội tụ các chuyên gia hàng đầu về giáo dục trong và ngoài nước, cùng đối thoại về nhiều vấn đề rộng khắp bao phủ toàn ngành; là kết quả của tâm huyết và nỗ lực của tập thể cán bộ Viện trong bối cảnh phức tạp do đại dịch Covid 19. "Tôi vô cùng chờ mong được lắng nghe những bình luận, góp ý của các chuyên gia giáo dục đại học về những chủ đề của giáo dục phổ thông, hay những nhận định của các nhà nghiên cứu chuyên sâu về kiểm định chất lượng đối với các vấn đề về tiếp cận và công bằng trong giáo dục." - ông Vinh nói.
Thông qua 6 phiên họp toàn thể với sự tham gia của các diễn giả đến từ Bộ GD&ĐT, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, các đại học lớn trong nước và Đại học McKnight - Đại học Minnesota, Đại học Albany-SUNY, Đại học Southern Cross-Úc, Đại học Khoa học Xã hội Singapore, Đại học Mahidol, Thailand, SEAMEO, Hội thảo đã thể hiện tính tương tác cao giữa các diễn giả trong và ngoài nước. Các đại biểu đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thực tiễn, tăng cường mối quan hệ và mở rộng các cơ hội kết nối giữa các tổ chức, các đơn vị, các đối tác về phát triển giáo dục.
Chia sẻ của ông Michael Croft Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam đã ghi nhận, ngành giáo dục Việt Nam đã có bước chuyển mình đáng kể, chẳng hạn như việc giới thiệu chương trình GDPT mới năm 2018 theo nguyên tắc dựa trên năng lực và Luật Giáo dục sửa đổi 2019 với nhiều điểm mới nhằm nâng cao chất lượng, công bằng và hòa nhập trong giáo dục và đảm bảo học tập suốt đời cho tất cả mọi người. Trong suốt thập kỷ này, UNESCO đã sát cánh cùng Bộ GD&ĐT và Viện KHGDVN nói riêng để tạo ra những thay đổi tích cực và lâu dài cho hệ thống giáo dục.
Diễn ra trong 1 ngày, Hội thảo đã nhận được nhiều tham luận giá trị cho thấy đây là một sự kiện quan trọng và hết sức ý nghĩa, là diễn đàn để tất cả các bên liên quan trong giáo dục, nhất là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên cũng như đại diện của Nhóm Công tác Ngành Giáo dục không chỉ đúc kết những thành tựu chính đạt được trong 10 năm qua của giáo dục mà còn thảo luận những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế đó.
Những tham luận mang tinh thần xây dựng và có tính trách nhiệm cao, nêu bật các lĩnh vực ưu tiên chính mà ngành giáo dục nói chung và các cấp học, trình độ đào tạo cần cần giải quyết trong thập kỷ tới cũng như các giải pháp được đưa ra - sẽ là những căn cứ quan trọng cho Chiến lược phát triển GD giai đoạn 2021-2030 đã và đang được dự thảo theo cách tiếp cận dựa trên bằng chứng và theo định hướng kết quả. Đây sẽ là những căn cứ khoa học để cơ quan quản lý nhà nước tham vấn, là cơ sở góp phần làm nên thành công của giáo dục Việt Nam trong thời gian tới.