Nỗ lực vì Kỳ thi nghiêm túc, an toàn, trung thực, công bằng

GD&TĐ - Một kỳ thi nghiêm túc, không có gian lận cũng chính là để đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng động viên thầy trò Trường THPT Gia Viễn B, Ninh Bình trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng động viên thầy trò Trường THPT Gia Viễn B, Ninh Bình trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 chia sẻ điều này khi trao đổi về công tác chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi.

Chuẩn bị càng kỹ lưỡng càng tốt cho quá trình tổ chức Kỳ thi

- Thứ trưởng đánh giá thế nào về công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 của các địa phương đến thời điểm này?

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT là công việc thường niên hàng năm của ngành Giáo dục và luôn là việc được ngành xác định cần tập trung cao nhất, không thể chủ quan, lơ là. Khâu quan trọng, quyết định thành công của Kỳ thi chính là khâu chuẩn bị. Chuẩn bị càng kỹ lưỡng bao nhiêu càng tốt cho quá trình tổ chức Kỳ thi bấy nhiêu.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm qua đã được phân cấp về UBND các tỉnh/thành phố chỉ đạo tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện về kỳ thi tại địa phương, do đó sự chuẩn bị từ địa phương bao gồm các điều kiện cơ sở vật chất, lựa chọn con người, tập huấn đội ngũ làm thi, xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với các tình huống bất thường, hỗ trợ thí sinh dự thi… nếu được làm tốt sẽ là cơ sở cho thành công của Kỳ thi.

Để kịp thời nắm tình hình chuẩn bị từ địa phương, Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 đã tổ chức các đoàn công tác, đoàn kiểm tra làm việc với các địa phương về công tác chuẩn bị cho Kỳ thi. Qua làm việc trực tiếp với các địa phương và báo cáo của 63 tỉnh/thành phố gửi về Ban Chỉ đạo cấp quốc gia, có thể thấy các địa phương đã chủ động, khẩn trương, chu đáo, toàn diện trong công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra tại Điểm thi Trường THPT Hồ Thị Kỷ, Cà Mau.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra tại Điểm thi Trường THPT Hồ Thị Kỷ, Cà Mau.

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được thực hiện với tinh thần chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện; hướng tới Kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan, đúng quy chế.

Các tỉnh/thành phố đã ban hành Chỉ thị về tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện đều được thành lập từ sớm và ban hành kế hoạch công tác, phân công, phân nhiệm rõ ràng trong Ban Chỉ đạo. Ngoài triển khai theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Quy chế, hướng dẫn chung của Bộ GD&ĐT,các địa phương tuỳ theo điều kiện cụ thể còn có những chỉ đạo, hướng dẫn riêng để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện tổ chức Kỳ thi. Các địa phương cũng đều xây dựng kịch bản, phương án dự phòng các tình huống về thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh, giao thông, phòng cháy chữa cháy, cung ứng điện… để kịp thời ứng phó, xử lý trong những ngày diễn ra Kỳ thi.

Ngành Giáo dục địa phương đã chỉ đạo để học sinh hoàn thành chương trình lớp 12, tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT. Từ vùng thuận lợi đến vùng khó khăn đều có nhiều phương thức, cách thức hỗ trợ học sinh hoàn thành chương trình, ôn tập hiệu quả và tổ chức một đến nhiều đợt thi thử. Đặc biệt các địa phương đều quan tâm chỉ đạo việc hỗ trợ cho thí sinh có điều kiện hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo không để bất kỳ thí sinh nào vì khó khăn kinh tế hay đi lại mà không thể tham gia Kỳ thi.

Có thể nói, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được thực hiện với tinh thần chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện; hướng tới Kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng, khách quan, đúng quy chế.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thi tỉnh Bạc Liêu.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo thi tỉnh Bạc Liêu.

- Việc tổ chức Kỳ thi năm nay có những thuận lợi và khó khăn thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Thuận lợi đầu tiên phải kể tới là Kỳ thi năm nay cơ bản giữ ổn định như năm 2022. Quy chế thi năm nay được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở Quy chế năm 2020, 2021 với một số điều chỉnh nhằm tăng cường các yếu tố an ninh, an toàn và bảo đảm quyền lợi cao nhất cho thí sinh, phân công và chịu trách nhiệm rõ cho mỗi bên liên quan tổ chức Kỳ thi.

Thuận lợi tiếp theo là sau 3 năm Kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức trong bối cảnh dịch Covid-19 với biết bao khó khăn, thử thách thì đây là năm Kỳ thi quay về trạng thái bình thường, ngay cả thời gian thi cũng thay đổi trở về vào thời điểm cuối tháng 6 như thời gian trước khi có Covid-19. Học sinh lớp 12 dự thi năm nay cũng đã có một năm học cuối trọn vẹn học trực tiếp. Sự an tâm cho thí sinh, người làm thi, phụ huynh và toàn xã hội phần nào mang lại thuận lợi cho tổ chức Kỳ thi năm nay.

Sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ. Sự phối hợp, giúp đỡ của các Bộ, ngành. Sự vào cuộc thống nhất, thông suốt, trách nhiệm từ Trung ương tới địa phương cũng là những thuận lợi trong tổ chức Kỳ thi.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra tại Điểm thi Trường THPT Võ Minh Đức, Bình Dương.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra tại Điểm thi Trường THPT Võ Minh Đức, Bình Dương.

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi cũng có những khó khăn mà Ban Chỉ đạo quốc gia và Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố đã lường trước để có giải pháp trong chỉ đạo và tổ chức Kỳ thi. Khó khăn đầu tiên có thể kể đến là lứa học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm nay có 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, do đó các trường cần tăng cường tổ chức ôn tập nhằm giúp các em có được kiến thức và tâm thế tốt nhất bước vào Kỳ thi.

Khó khăn nữa là có thể xuất hiện tâm lý chủ quan vì nghĩ rằng công việc này nhiều năm đã làm; chủ quan từ chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị đến công tác kiểm tra, giám sát các quy trình - điều này đã được Bộ GD&ĐT, Ban Chỉ đạo quốc gia quán triệt trong các chỉ đạo khi làm việc tại địa phương, cũng như trong các cuộc họp, tập huấn với Ban Chỉ đạo thi tỉnh, thành phố và đội ngũ cán bộ làm thi.

Vấn đề sử dụng thiết bị công nghệ cao, tinh vi để gian lận cũng là một trong những khó khăn đặt ra cho việc đảm bảo an toàn và tính nghiêm túc cho Kỳ thi.

Kỳ thi tổ chức trên quy mô lớn, cùng một thời điểm với sự tham gia của trên 1 triệu thí sinh, khoảng 250 nghìn người tham gia công tác tổ chức thi, tổ chức ở các vùng miền địa hình khác nhau, nên công tác bảo đảm an ninh, an toàn cần phải có kế hoạch, giải pháp. Tình hình thời tiết cực đoan, khắc nghiệt, nắng nóng, thiếu điện… sẽ là những khó khăn cần phải có phương án dự phòng.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra tại Điểm thi Trường THPT Ngô Quyền, Đồng Nai.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra tại Điểm thi Trường THPT Ngô Quyền, Đồng Nai.

Đề thi đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi và tuyển sinh

- Thứ trưởng có thể chia sẻ, đề thi năm nay như thế nào để bảo đảm mục đích, yêu cầu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT?

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Như chúng ta đều biết, kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, đánh giá chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh. Mặt khác, kết quả này cũng là cơ sở để nhiều trường đại học sử dụng trong xét tuyển đại học, cao đẳng. Theo thống kê, có khoảng trên 60% trường đại học sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT xét tuyển.

Với tính chất như vậy, định hướng đề thi tốt nghiệp THPT sẽ đảm bảo các mức nhận biết, thông hiểu. Học sinh cần nắm chắc kiến thức cơ bản của chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Đồng thời, nội dung đề thi sẽ chú ý mức độ vận dụng, vận dụng cao, có tính phân hóa phù hợp là căn cứ để các cơ sở đào tạo đại học sử dụng như một trong các phương thức xét tuyển.

Đầu tháng 3, Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi tham khảo Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 làm cơ sở để các nhà trường, giáo viên, học sinh ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi chính thức. Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã triển khai các công việc về đề thi đảm bảo theo đúng yêu cầu trong Chỉ thị 17 của Thủ tướng Chính phủ là đề thi tuyệt đối an toàn, chính xác, đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi và tuyển sinh.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Điểm thi Trường THPT Gia Viễn B, Ninh Bình.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Điểm thi Trường THPT Gia Viễn B, Ninh Bình.

Ngăn chặn gian lận bằng thiết bị công nghệ cao

- Để bảo đảm Kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, công bằng, Bộ GD&ĐT có lưu ý gì để ngăn chặn gian lận thi cử, đặc biệt gian lận bằng các thiết bị công nghệ cao, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao là vấn đề đã được Bộ GD&ĐT và Bộ Công an cảnh báo từ nhiều năm qua. Đồng thời với đó là những giải pháp được đưa ra để vừa cảnh báo, vừa ngăn chặn giảm thiểu cao nhất gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao.

Một trong những giải pháp quan trọng là tuyên truyền nâng cao nhận thức cho không chỉ thí sinh, phụ huynh, giáo viên mà còn toàn xã hội về việc phòng, chống gian lận thi cử bằng thiết bị công nghệ cao; việc mua bán, sử dụng những thiết bị này không chỉ vi phạm quy chế thi mà còn vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành.

Ngành Công an bằng các biện pháp nghiệp vụ đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc buôn bán thiết bị công nghệ cao. Hàng năm, trong công tác tuyên truyền, tập huấn trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đại diện các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an các tỉnh/thành phố đều cung cấp thông tin, tập huấn kỹ lưỡng cho đội ngũ cán bộ coi thi để lực lượng này chủ động phát hiện, nhận diện thí sinh mang và sử dụng thiết bị công nghệ cao với mục đích gian lận.

Để phòng chống gian lận thi cử nói chung và gian lận bằng thiết bị công nghệ cao nói riêng, vai trò của cán bộ coi thi là rất quan trọng. Khi công tác tập huấn được thực hiện nghiêm túc, khi những người làm công tác coi thi tiếp nhận đầy đủ các thông tin từ tập huấn, nắm chắc các cảnh báo, nhận diện và thực hiện nhiệm vụ được giao với trách nhiệm cao nhất, việc phát hiện và ngăn chặn thiết bị công nghệ cao nhằm gian lận thi cử là có thể thực hiện được.

Một kỳ thi nghiêm túc, không có gian lận cũng chính là để đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh.

- Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023.

- Trước thềm Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Thứ trưởng có lưu ý, nhắn nhủ gì tới thí sinh, phụ huynh và cán bộ coi thi?

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng: Năm 2023 là năm thứ tư Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức và là năm đầu tiên mối lo dịch bệnh không còn hiện hữu phức tạp như những kỳ thi trước. Mặc dù vậy, những học sinh dự thi năm nay vẫn là những học sinh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngành Giáo dục thời gian qua đã tích cực hỗ trợ, củng cố kiến thức cho các em; bản thân các em học sinh cũng rất nỗ lực trong quá trình học tập.

Tôi đã đến làm việc với nhiều địa phương và gặp gỡ các em học sinh tại một số trường học trong những ngày ôn thi nước rút. Không khí và tinh thần học tập của các em rất đáng ghi nhận. Tôi mong rằng, các em sẽ mang tinh thần này để bước vào Kỳ thi đạt kết quả tốt nhất.

Với các vị phụ huynh, ngoài dành sự chăm sóc, động viên tinh thần cho các em thí sinh bình tĩnh, tự tin, tôi mong rằng, phụ huynh cũng dành sự quan tâm nhắc nhở các em để thực hiện đúng Quy chế thi - có như vậy mới tránh được những thiệt thòi về kết quả thi cho chính các em.

Với đội ngũ cán bộ coi thi nói riêng và tất cả cán bộ làm thi nói chung, tôi muốn nhắc lại tinh thần chỉ đạo “4 đúng - 3 không” mà Bộ GD&ĐT đã quán triệt. “4 đúng” là: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình, không được bỏ bất cứ một quy trình nào; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường, “3 không” là không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực quá mức.

Thực hiện được “4 đúng - 3 không” chính là chúng ta đang hướng đến một kỳ thi nghiêm túc, an toàn, trung thực, khách quan và công bằng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ