Ông Tống Phước Lộc - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh: Đẩy mạnh phân quyền
Năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh tuyển dụng 30 vị trí việc làm cho các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên và đơn vị trực thuộc với tổng số 337 viên chức, trong đó có 263 giáo viên và 74 nhân viên.
Tại Long An, năm học 2023 - 2024, tổng số cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên là 17.856 người; trong đó có 15.296 giáo viên. Dù vậy, Sở GD&ĐT đánh giá, số lượng giáo viên này chưa đáp ứng được nhu cầu. Theo rà soát, hiện nay, các cấp học còn thiếu 1.220 nhân sự. Trong đó, mầm non thiếu 216, tiểu học thiếu 345, THCS thiếu 529 và THPT thiếu 130.
Việc tuyển dụng này áp dụng theo Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 7/12/2023 của Chính phủ (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7/12/2023) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Có 3 điểm mới: Thứ nhất, người dự tuyển được đăng ký 2 nguyện vọng trong khi các năm trước đăng ký 3 nguyện vọng.
Thứ 2, vòng 1 chỉ còn thi phần 1 (kiến thức chung) và bỏ nội dung thi phần 2 (ngoại ngữ), do các vị trí việc làm cần tuyển không yêu cầu ngoại ngữ trong tiêu chuẩn trình độ đào tạo, bồi dưỡng và theo bản mô tả công việc, khung năng lực vị trí việc làm.
Thứ ba, ngay sau kỳ tuyển dụng, nếu phát sinh nhu cầu tuyển dụng mới đối với vị trí việc làm có yêu cầu về tiêu chuẩn, điều kiện như vị trí việc làm mà người dự tuyển đã đăng ký thì xem xét, quyết định việc trúng tuyển đối với người dự tuyển có kết quả tuyển dụng thấp hơn liền kề so với kết quả tuyển dụng của người trúng tuyển cho đến khi đủ nhu cầu tuyển dụng phát sinh.
Các điểm mới này sẽ giúp TP Hồ Chí Minh thuận lợi hơn trong tuyển dụng giáo viên, nhất là ở các bộ môn khó tuyển. Từ đó, địa phương thực hiện hiệu quả hơn Chương trình GDPT 2018.
Đặc biệt, năm học 2024 - 2025, TP Hồ Chí Minh cũng mở rộng danh sách trường công lập được phân quyền tuyển dụng giáo viên tại 9 đơn vị: Trường Phổ thông năng khiếu thể dục thể thao Bình Chánh (huyện Bình Chánh); THPT Nguyễn Văn Tăng (TP Thủ Đức); THPT An Nhơn Tây, THPT Củ Chi, THPT Quang Trung, THPT Trung Lập, THPT Trung Phú, THPT Phú Hòa và THPT Tân Thông Hội (huyện Củ Chi).
Như vậy, tính đến đầu năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh đã trao quyền chủ động tuyển dụng nhân sự cho 20 đơn vị trường học trên địa bàn thành phố.
Trước đó, năm học 2023 - 2024, thành phố mở rộng phân quyền tuyển dụng cho 4 trường THPT ở huyện Cần Giờ. Việc mở rộng phân quyền tuyển dụng nhằm giúp các trường ở khu vực ngoại thành chủ động hơn trong công tác tuyển giáo viên, giảm thiểu trường hợp ứng viên trúng tuyển không nhận nhiệm sở hoặc nhận nhiệm sở nhưng không gắn bó lâu dài với trường do điều kiện đi lại khó khăn.
Ngoài ra, đối với các môn học đặc thù luôn trong tình trạng khan hiếm nguồn tuyển giáo viên như Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh, Tin học, năm học tới, phương án dùng chung giáo viên giữa các đơn vị trong cùng cụm trường được đẩy mạnh. Cùng đó, TP Hồ Chí Minh tiếp tục tuyển dụng giáo viên từ nguồn sinh viên xuất sắc sau năm đầu tiên thí điểm vào năm học 2023 - 2024.
Thầy Hồ Sĩ Nhật Nam - Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Bình (Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu): Khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ
Thời gian qua, để chuẩn bị triển khai chương trình phổ thông mới, nhà trường căn cứ vào các nhóm môn học tự chọn cũng như tình hình cơ sở vật chất, đội ngũ… để lên “thực đơn” môn học cho học sinh lựa chọn. Tuy nhiên, có những môn học đứng trước nguy cơ giáo viên bị quá tải do số lượng học sinh đăng ký quá đông, trong khi có bộ môn thừa khi học sinh “không mặn mà” nhất là ở một số môn Khoa học tự nhiên. Đây là thực trạng chung ở nhiều trường khác không chỉ riêng Trường THPT Hòa Bình.
Trong năm học 2023 - 2024, nhà trường xây dựng 7 tổ hợp môn tự chọn gửi cho các trường THCS trên địa bàn huyện để học sinh lớp 9 tham khảo trước khi tham dự kỳ thi tuyển sinh vào 10. Mặc dù nhà trường đã cân nhắc kỹ lưỡng khi xây dựng tổ hợp môn để bảo đảm sự cân bằng về “tần suất” xuất hiện của các môn học trong tổ hợp, tuy nhiên kết quả lựa chọn các tổ hợp phụ thuộc vào quyết định của học sinh.
Cụ thể năm học vừa qua, nhà trường tuyển hơn 330 học sinh lớp 10 nhưng trong đó tổ hợp môn Hóa học, Sinh học đăng ký rất ít, chỉ 2 lớp với hơn 70 học sinh.
Tính theo quy định chung, nhà trường đủ biên chế giáo viên, tuy nhiên lại thừa thiếu cục bộ diễn ra ở các môn Khoa học tự nhiên, như môn Hóa học đang dư 3 giáo viên. Nhà trường luôn ưu tiên công tác giảng dạy chuyên môn chính của giáo viên, nếu chưa đủ định mức số tiết có thể bố trí thầy cô dạy thêm các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, giáo dục địa phương theo lĩnh vực và công tác chủ nhiệm…
Sau khi công bố kết quả trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, nhà trường tiếp tục tư vấn, định hướng để học sinh “chốt” phương án lựa chọn các tổ hợp môn. Số liệu này là một trong những căn cứ quan trọng để nhà trường “biên chế” các lớp. Tuy nhiên, để bảo đảm sự cân đối khi bố trí lớp, nhà trường có những điều kiện, cơ chế nhất định khi sắp xếp.
Cụ thể, bên cạnh xem xét nguyện vọng của học sinh, trường còn căn cứ vào điểm thi, điểm học bạ THCS để có cơ sở tư vấn, xếp lớp cho các em. Khi đăng ký, học sinh được lựa chọn nhiều nguyện vọng, để nếu không theo học tổ hợp nguyện vọng 1 có thể học các lớp có tổ hợp ở nguyện vọng sau. Đây cũng là một trong những phương án để khắc phục tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ.
Ông Nguyễn Quang Thái - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Long An: Đặt hàng đào tạo
Thời gian qua, tỉnh triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Hằng năm, Sở GD&ĐT, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tiếp nhận, tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục thuộc phạm vi quản lý.
Trường hợp chưa tuyển đủ chỉ tiêu hoặc phát sinh nhu cầu cần tuyển dụng bổ sung thay thế số giáo viên nghỉ hưu, thôi việc thì tiếp tục xây dựng kế hoạch để kịp thời tuyển dụng viên chức cho ngành.
Sau khi tuyển dụng vẫn chưa bố trí đủ giáo viên theo định mức, các cơ sở giáo dục thực hiện thỉnh giảng hoặc hợp đồng giáo viên.
Tỉnh cũng có chính sách để thu hút đội ngũ giáo viên vào công tác ngành, nổi bật là Nghị quyết số 30/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành cuối năm 2023, quy định chế độ hỗ trợ người được tuyển dụng tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh với mức 50 triệu đồng/người. Ngoài ra, để thu hút nguồn sinh viên giỏi về công tác tại trường chất lượng cao, trường chuyên, thời gian qua, tỉnh thực hiện chế độ hỗ trợ đối với viên chức có trình độ thạc sĩ mức 120 triệu đồng/người.
Những năm gần đây, Sở GD&ĐT tỉnh Long An phối hợp các cấp, ngành xây dựng kế hoạch đặt hàng đào tạo trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đặt hàng đào tạo 868 sinh viên sư phạm. Trong đó, mầm non 271, tiểu học 189, THCS và THPT 408. Đây là nguồn giáo viên tuyển dụng bổ sung cho những năm tiếp theo. Dự kiến, năm 2024 sẽ đặt hàng đào tạo 2.083 sinh viên sư phạm.
Với vai trò, nhiệm vụ được giao, thời gian tới, Sở GD&ĐT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh về các cơ chế, chính sách trong việc thu hút nguồn nhân lực cho ngành GD-ĐT tỉnh Long An; đồng thời, phối hợp chặt chẽ các cấp, ngành để đào tạo, tuyển dụng giáo viên và bố trí về trường đang thiếu. Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ, giải pháp đã và tiếp tục được thực hiện, hy vọng công tác tuyển dụng giáo viên ở tỉnh sẽ thuận lợi hơn, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành Giáo dục. Qua đó, giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên những năm qua và nâng cao chất lượng giảng dạy.
Ông Bùi Khánh Nguyên - Diễn giả độc lập về giáo dục (TP Hồ Chí Minh): Tạo động lực nghề nghiệp
Thiếu giáo viên có hai nguyên nhân lớn. Thứ nhất, nguồn cung giáo viên từ các trường sư phạm còn hạn chế khi chỉ một số trường đại học được đào tạo chuyên ngành khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên.
Thứ hai, do độ kém hấp dẫn của nghề giáo so với nghề nghiệp khác. Dù có chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm hay cho phép người tốt nghiệp cử nhân có thể học chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm để trở thành giáo viên, thì việc nhận lương thấp cũng như khối lượng công việc lớn kèm áp lực nặng nề khiến nhiều cử nhân Sư phạm chọn nghề khác. Đặc biệt, có nhiều cơ hội tốt hơn với cử nhân các ngành như Sư phạm Ngoại ngữ, Sư phạm Tin học…
Nếu thống kê công việc trong một ngày lao động của giáo viên hiện nay sẽ thấy, nhiều thầy cô phải làm những việc không liên quan đến giảng dạy và làm ngoài giờ rất nhiều mà không được trả lương thêm. Ngoài ra, thầy cô làm việc trong môi trường hà khắc mà chưa được quan tâm, hỗ trợ về sức khỏe tinh thần.
Cách thức tuyển sinh của trường sư phạm hiện chủ yếu dựa vào điểm thi mà thiếu phỏng vấn trực tiếp là một khiếm khuyết khiến việc chọn lọc thí sinh có thể không chính xác. Nghề giáo làm việc với con người, không chỉ đòi hỏi năng lực học thuật mà còn là tố chất, phẩm chất. Thế nên, điểm 3 môn thi học thuật để vào trường sư phạm không đủ. Khi tuyển không đúng người vào trường sư phạm, sẽ tạo ra những người dạy không hạnh phúc với nghề.
Để tháo gỡ những bất cập và khó khăn, hãy làm cho môi trường giáo dục trở nên bớt áp lực với giáo viên ngoài việc cải thiện thu nhập. Hãy tạo điều kiện để thầy cô tập trung vào thiết kế môi trường học tập riêng theo thế mạnh của tập thể sư phạm ở mỗi trường.
Nên có các trường sư phạm đào tạo online, khóa học online để giáo viên tự đào tạo thay vì học tập trung, trực tiếp ở các trường sư phạm. Ngoài ra, việc đào tạo liên tục nên tập trung vào các khóa tự học và hệ thống tự tính điểm để hỗ trợ thầy cô hoàn thiện mình trong công việc, bỏ bớt chứng chỉ mang nặng tính hình thức.
Công tác tuyển dụng và nâng chất lượng giáo viên có thể gói gọn trong từ “thực chất”. Trường học cần gương mẫu trong hoạt động mang tính thực chất, hỗ trợ giáo viên thực chất, dạy thực, học thực, trả lương theo mức độ và khả năng cống hiến thực tế.
Việc tuyển dụng, bổ nhiệm chỉ dựa vào bằng cấp mà không phải hệ thống đánh giá, việc hiệu trưởng không có quyền tuyển dụng và sa thải nhân sự, cũng như chịu trách nhiệm cao nhất về kết quả hoạt động của nhà trường sẽ dẫn tới không có ai chịu trách nhiệm cụ thể về việc gì trong trường học. Hơn nữa, người giỏi, người cống hiến nhiều và người đóng góp ít không có sự phân biệt về quyền lợi. Điều này lâu dài sẽ đánh mất động lực nghề nghiệp với giáo viên.
UBND TP Hồ Chí Minh giao Sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch để tiếp tục thực hiện đổi mới, phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn.
Theo đó, các địa phương ưu tiên bố trí biên chế và tuyển giáo viên mầm non theo quy định để đảm bảo an toàn cho trẻ và chất lượng giáo dục; tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp nâng cao trình độ đào tạo về đạo đức nhà giáo, đáp ứng Luật Giáo dục năm 2019. Các địa phương cần tăng cường công tác quản lý cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn; tiếp tục phát huy chuyển đổi số trong quản lý giáo dục mầm non; chỉ đạo thực hiện đổi mới Chương trình Giáo dục mầm non.