Vì sao Chương trình GDPT 2018 dùng tên gọi nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh?

GD&TĐ - Nhiều giáo viên trong quá trình dạy học môn KHTN lớp 7 và Hóa học lớp 10 thắc mắc tại sao gọi tên các nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh.

Việc sử dụng tên gọi các nguyên tố bằng tiếng Anh trong SGK Hóa học và KHTN chương trình mới thu hút nhiều ý kiến trao đổi của giáo viên.
Việc sử dụng tên gọi các nguyên tố bằng tiếng Anh trong SGK Hóa học và KHTN chương trình mới thu hút nhiều ý kiến trao đổi của giáo viên.

Năm học 2022 - 2023 đã diễn ra gần 2 tháng, nhiều giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên lớp 7 và Hoá học lớp 10 đang có băn khoăn khi triển khai chương trình mới, tên gọi các nguyên tố hoá học sử dụng bằng tiếng Anh. PGS.TS. NGƯT Cao Cự Giác - Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên sách giáo khoa (SGK) Khoa học tự nhiên và Hoá học bộ sách Chân trời sáng tạo (NXB Giáo dục Việt Nam) đã có cuộc trao đổi về vấn đề này. PGS Cao Cự Giác còn là giảng viên cao cấp Khoa Hoá học Trường Đại học Vinh, Phó Chủ tịch Hội Giảng dạy Hoá học Việt Nam, Chủ tịch Hội Hoá học Nghệ An.

Băn khoăn khi sử dụng tên gọi các nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh

- Thưa PGS.TS. NGƯT Cao Cự Giác, dựa vào đâu mà SGK Khoa học tự nhiên và SGK Hoá học theo chương trình mới lại sử dụng tên gọi các nguyên tố hoá học bằng tiếng Anh?

- Dựa vào Chương trình GDPT môn Khoa học tự nhiên và môn Hoá học của Bộ GD&ĐT ban hành năm 2018. Theo đó, thuật ngữ hoá học được sử dụng theo khuyến nghị của Liên minh Quốc tế về Hoá học thuần tuý và Hoá học ứng dụng (IUPAC – International Union of Pure and Applied Chemistry) và Tiêu chuẩn Việt Nam (Tiêu chuẩn 5529:2010 và 5530:2010 của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng; Quyết định số 2950-QĐ/BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ và Công văn 1041/BGDĐT-GDTrH của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kí ngày 18 tháng 3 năm 2016).

- Một số ý kiến cho rằng, sử dụng tiếng Anh để viết tên các nguyên tố và chất hoá học sẽ “không giữ gìn sự trong sáng của Tiếng Việt", gây phiền toái trong giao tiếp cuộc sống người Việt, ngay cả trong SGK cũng có chỗ viết tiếng Việt có chỗ lại viết tiếng Anh. Với vai trò Tổng Chủ biên SGK Khoa học tự nhiên và SGK Hoá học, ông giải thích điều này như thế nào?

PGS.TS. NGƯT Cao Cự Giác.
PGS.TS. NGƯT Cao Cự Giác.

- Chúng ta phải hiểu rằng, SGK lần này viết không phải là để dạy tiếng Anh, mà hoàn toàn đang dạy tiếng Việt. Chỉ có các thuật ngữ khoa học được sử dụng chung trên phạm vi toàn cầu mới viết bằng tiếng Anh (tên các nguyên tố, chất hoá học và một số thuật ngữ khác). Thực tế trước đây các nguyên tố và chất hoá học đã được viết và phiên âm sang tiếng Việt chưa chính xác. Ví dụ nguyên tố “hiđro” hay hợp chất “glucozơ”, “anđehit”,… đều không phải là tiếng Việt. Muốn đọc được, chúng ta phải viết cách ra từng từ như “hi đ rô”, “g lu cô dơ”, “an đê hit” hoặc phải có dấu gạch nối giữa các từ như ““hi-đ-rô”, “g-lu-cô-dơ”, “an-đê-hit”. Cả hai cách viết này sẽ không phù hợp trong việc viết và gọi tên nguyên tố hoá học. Như vậy, cách viết và đọc trên không thể nói là “giữ gìn tiếng Việt trong sáng”.

Việc sử dụng tên gọi các nguyên tố hoá học liên quan đến cuộc sống, trong chương trình cũng đã nói rõ là trong trường hợp tiếng Việt đã có thuật ngữ dễ hiểu thì dùng tiếng Việt. Cụ thể vẫn sử dụng tên tiếng Việt cho 13 nguyên tố (ăn sâu vào tiềm thức của người Việt) ở dạng đơn chất như vàng, bạc, đồng, chì, sắt, nhôm, kẽm, lưu huỳnh, thiếc, nitơ, natri, kali và thuỷ ngân; đồng thời ghi chú thuật ngữ tiếng Anh trong ngoặc đơn để tiện tra cứu.

Tuy nhiên khi viết ở dạng hợp chất thì phải dùng tên theo IUPAC vì khi đó chỉ một thuật ngữ hoá chất, ví dụ, Fe2(SO4)3 – iron(III) sulfate, Al(OH)3 – aluminium hydroxide,... Tương tự như vậy, SGK vẫn sử dụng tên gọi tiếng Việt cho các vật thể được tạo nên từ các đơn chất đó, ví dụ viết “thanh sắt”, “bột lưu huỳnh”, “nồi nhôm”, “mâm nhôm”, “mâm đồng”, “tượng đồng”, “nhẫn vàng”, “vòng bạc”, “nhiệt kế thuỷ ngân”, “phân lân kali”, “quặng sắt”, “dây điện lõi đồng”, “que hàn bằng thiếc”… SGK không yêu cầu các em phải nói “cái cầu này làm bằng iron”, “trống copper”, “nhiệt kế mercury”, “dây điện lõi copper”… như một số người suy diễn. Do đó, trong SGK khi nào viết đến dạng đơn chất hoặc vật thể của 13 nguyên tố trên thì vẫn dùng tiếng Việt, còn lại đều sử dụng tiếng Anh. Đó là lí do tại sao trong SGK, có chỗ viết tiếng Việt và có chỗ viết tiếng Anh cho các từ đó.

Học sinh có nhiều ưu điểm

PGS.TS. NGƯT Cao Cự giác cho rằng, sử dụng tên các nguyên tố hoá học bằng tiếng Anh sẽ giúp học sinh thuận lợi trong tra cứu thông tin trên Internet, trau dồi tiếng Anh học thuật trong học tập và nghiên cứu khoa học.

PGS.TS. NGƯT Cao Cự giác cho rằng, sử dụng tên các nguyên tố hoá học bằng tiếng Anh sẽ giúp học sinh thuận lợi trong tra cứu thông tin trên Internet, trau dồi tiếng Anh học thuật trong học tập và nghiên cứu khoa học.

- Ông có thể giải thích rõ thêm ý nghĩa khi dạy học các nguyên tố hoá học theo danh pháp mới này?

- Trước hết phải hiểu đây không phải là danh pháp mới, IUPAC không hề thay đổi danh pháp từ khi đặt tên cho các nguyên tố, mà ở đây là chúng ta đang thay đổi cách viết phù hợp với tên gọi của IUPAC quy định, đó là sử dụng tiếng Anh. Ba ưu điểm nổi trội khi các em sử dụng tên gọi các nguyên tố hoá học và theo đó là các chất hoá học bằng tiếng Anh có thể kể như sau:

Thứ nhất là tính nhất quán và thuận lợi: Tên gọi các nguyên tố và các chất hoá học theo SGK cũ cũng đã thay đổi nhiều lần theo thời gian và do được phiên âm để tiện đọc nên đã không thống nhất với tên quy định quốc tế (IUPAC). Ví dụ, tên gọi nguyên tố H theo tiếng Việt đang tồn tại nhiều cách viết (hiđrô, hiđro, hidro, hyđrô, hydro), nhưng nếu viết theo tên tiếng Anh chỉ có một cách duy nhất là hydrogen. Tương tự, một thời chúng ta gọi chất đường đơn giản là glucoza, sau đó lại đổi sang glucozơ, nhưng vẫn không đúng theo tên quốc tế là glucose. Với ba cách viết này, cách viết cuối cùng bằng tiếng Anh sẽ nhanh hơn kể cả khi viết tay cũng như khi đánh máy vì không có dấu và quan trọng là viết đúng theo quy định quốc tế, do đó chắc chắn sẽ không còn tranh cãi về cách viết tên gọi (danh pháp) các nguyên tố và chất hoá học về lâu dài.

Thứ hai là tính đồng bộ và ứng dụng trong cuộc sống: Khi sử dụng tên gọi các nguyên tố và chất hoá học bằng tiếng Anh trong SGK, chúng ta sẽ đồng bộ hoá được tên gọi mà các em được học trong nhà trường với tên hoá chất được ghi trên bao bì, chai, lọ của các nhà sản xuất hoá chất trong và ngoài nước. Đồng thời không gây nhầm lẫn cho các em khi đọc thông tin về thành phần của các loại thuốc, biệt dược do nhà sản xuất công bố.

Thứ ba là tính hội nhập toàn cầu: Giáo dục Việt Nam ngày càng phát triển, đặc biệt khoa học tự nhiên có tính hội nhập sâu rộng và để hội nhập được phải thích ứng toàn cầu. Hiện nay học sinh có xu hướng ngày càng tham gia nhiều cuộc thi khoa học khu vực, quốc tế, cũng như tham gia học tập và nghiên cứu ở các nước phát triển. Do đó cách gọi tên các nguyên tố, chất và thuật ngữ hoá học bằng tiếng Anh sẽ tạo điều kiện cho học sinh tiếp cận nhanh chóng với kiến thức khoa học của nhân loại. Chỉ cần vào Google làm một phép so sánh về kết quả tìm kiếm kiếm từ khoá "hiđro" sẽ cho khoảng 953.000 kết quả (trong 0,52 giây), trong khi đó từ khoá “hydrogen” cho khoảng 694.000.000 kết quả (0,44 giây) tức là tăng gấp khoảng 728 lần.

Tương tự, từ khoá “glucozơ” sẽ cho khoảng 715.000 kết quả (0,42 giây), nhưng với từ khoá “glucose” sẽ cho khoảng 636.000.000 kết quả (0,43 giây), tăng gấp 889 lần kết quả tìm kiếm. Như vậy sử dụng tên các nguyên tố hoá học cũng như các thuật ngữ hoá học bằng tiếng Anh sẽ giúp các em thuận lợi rất nhiều trong việc tra cứu thông tin trên Internet, đồng thời tạo động lực cho học sinh trau dồi tiếng Anh học thuật trong học tập và nghiên cứu khoa học.

Tên gọi các nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh sẽ được sử dụng đồng bộ trong các trường học ở nước ta khi thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Tên gọi các nguyên tố hóa học bằng tiếng Anh sẽ được sử dụng đồng bộ trong các trường học ở nước ta khi thực hiện Chương trình GDPT 2018.

Giáo viên Hoá học cần hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của việc sử dụng tên nguyên tố hoá học và các chất bằng tiếng Anh trong dạy học để làm tốt công tác truyền thông với xã hội, từ đó lan toả sự hấp dẫn của môn Khoa học tự nhiên và môn Hoá học đến các em học sinh.

- Một số giáo viên lo ngại học sinh sẽ khó tiếp thu cách viết này khi học môn Hoá học theo chương trình mới. Ý kiến của ông như thế nào về lo ngại này?

- Cách viết tên các nguyên tố và chất hoá học bằng tiếng Anh đã được đưa vào SGK môn Khoa học tự nhiên bắt đầu từ lớp 6 đến lớp 9. Vì thế học sinh đã được làm quen rất sớm cách viết này nên khi lên lớp 10 nếu lựa chọn môn Hoá học thì các em cũng đã biết cách gọi tên của các nguyên tố và hợp chất hoá học bằng tiếng Anh.

- Ông có nhắn nhủ gì với giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên và môn Hoá học khi sử dụng cách gọi tên các nguyên tố hoá học bằng tiếng Anh?

- Với giáo viên thì đây là một thay đổi chưa có tiền lệ. Bên cạnh số đông nhận ra sự cần thiết phải thay đổi và ủng hộ, thì cũng còn một số giáo viên đang lo lắng và băn khoăn, điều đó cũng dễ hiểu. Thiết nghĩ, sau một năm dạy học, thầy cô sẽ quen dần và khi đó chuyện gọi tên các nguyên tố và hợp chất hoá học sẽ trở nên bình thường. Tuy nhiên, trong năm nay và năm học tới, còn hai khối 11 và 12 đang học SGK hiện hành, nên thầy cô sẽ gặp khó khăn nhất định nếu tham gia dạy học song song 2 chương trình. Theo tôi, nếu có đủ đội ngũ, các trường nên bố trí giáo viên dạy chương trình mới theo suốt cả ba năm học ở THPT.

Chúc thầy cô tìm thấy nhiều thú vị trong dạy học!

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ