Đề cao hoạt động của công đoàn tại cơ sở GD
Tuần qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc với Công đoàn Giáo dục Việt Nam về tình hình hoạt động công đoàn và bàn giải pháp nâng cao năng lực, đạo đức nhà giáo, người lao động.
Đồng ý với dự thảo Kế hoạch triển khai “Nâng cao năng lực đạo đức nhà giáo, người lao động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: 5 năm qua toàn ngành đẩy mạnh công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 29 của BCH T.Ư Đảng Khóa XI;Trong đó nâng cao năng lực, đạo đức nhà giáo là nhiệm vụ quan trọng.
Về lâu dài phải coi đạo đức nhà giáo vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy thành công công cuộc đổi mới, do vậy tới đây phải phát động trong toàn ngành cuộc vận động nâng cao năng lực, đạo đức nhà giáo, người lao động.
Bộ trưởng yêu cầu Kế hoạch nâng cao năng lực, đạo đức nhà giáo phải được tiếp cận toàn diện thực tiễn, nâng cao hiệu quả hoạt động ở từng chuyên đề. Để Kế hoạch này được cụ thể hóa, có tính khả thi, Bộ trưởng gợi mở 3 nhiệm vụ:
Từ nay đến năm 2020 phải tạo được sự chuyển biến căn bản trong nhận thức về đạo đức của đội ngũ nhà giáo. Muốn vậy phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhà giáo trong việc tiếp cận thông tin, quy định của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, của Bộ GD&ĐT về đạo đức nhà giáo.
Nhiệm vụ tiếp theo là: Chính quyền tổ chức tập huấn, công đoàn phối hợp với các hình thức phù hợp, linh hoạt để chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ nhà giáo, các cấp quản lý giáo dục về năng lực, đạo đức nhà giáo nhằm từng bước tích lũy nền tảng, nâng cao phẩm chất trong đội ngũ nhà giáo; Lấy thường xuyên nhắc nhở, động viên tạo động lực hơn là áp lực công việc để nhà giáo chú trọng thực hành quy định về đạo đức nghề nghiệp, tránh được những biểu hiện lệch lạc trong phẩm chất, lối sống, đạo đức trong đội ngũ nhà giáo.
Thứ ba, Công đoàn phải là tổ chức phát hiện, kịp thời biểu dương, tôn vinh những cá nhân điển hình, tiên tiến; Chọn được những thầy giáo, cô giáo tiêu biểu, những tập thể sư phạm điển hình để vinh danh làm lan tỏa nhân rộng trong ngành.
Để tiếng nói của công đoàn có sức nặng, ảnh hưởng trước hết với nhà giáo, cùng với chính quyền nhằm uốn nắn các cá nhân thực hành quy định đạo đức nhà giáo, trong các hoạt động công đoàn, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý công đoàn các cấp phải bảo vệ tốt danh dự, uy tín, nhân phẩm nhà giáo; Kịp thời đấu tranh, lên án nếu có cá nhân nhà giáo nào vi phạm những quy định về đạo đức nghề nghiệp…
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu ra 3 giải pháp đề thực hiện kế hoạch nâng cao năng lực, đạo đức nhà giáo. Gồm: giải pháp công tác tuyên truyền; về tăng cường tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, bồi dưỡng và đào tạo; và giải pháp về phối kết hợp với các Bộ, ban, ngành chức năng để cùng thực hiện nâng cao năng lực, đạo đức nhà giáo.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trong buổi làm việc với Công đoàn Giáo dục Việt Nam |
Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019
Gần 20.000 học sinh lớp 11, 12 cùng nhiều thầy cô giáo, phụ huynh đã tham dự Ngày hội Tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2019, do Bộ GD&ĐT phối hợp với báo Tuổi trẻ tổ chức, tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ngày hội này là một cơ hội rất tốt để thí sinh, phụ huynh tiếp cận đầy đủ và chính xác thông tin về tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2019 trước khi đưa ra quyết định quan trọng cho lựa chọn của mình.
Tham dự và phát biểu tại ngày hội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An cho biết, phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 về cơ bản vẫn giữ nguyên so với 2018, Bộ GDĐT chỉ tập trung điều chỉnh các vấn đề kỹ thuật liên quan đến chấm thi, tăng cường các khâu giám sát để đảm bảo kỳ thi được tổ chức an toàn, hiệu quả, công bằng, khách quan hơn.
Về công tác tuyển sinh năm 2019, Thứ trưởng cho biết, vừa qua Bộ GD&ĐT đã ban hành 2 thông tư quan trọng, đó là: Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy chế tuyển sinh đại học hệ chính quy; tuyển sinh cao đẳng nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy và Thông tư sửa đổi bổ sung một số điều quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng, các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ.
Theo đó, Quy chế tuyển sinh đại học năm nay ngoài việc bổ sung quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng với khối ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề và bắt buộc thí sinh đã xác nhận nhập học phải nộp bản gốc giấy chứng nhận điểm thi thì vẫn giữ ổn định như năm 2018.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Lê Hải An phát biểu tại Ngày hội Tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2019 |
Bộ GD-ĐT công bố lịch thi dự kiến kỳ thi THPT quốc gia 2019
Theo đó, kỳ thi thi THPT quốc gia 2019 dự kiến diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 25 -27-6). Như vậy, thời gian diễn ra kỳ thi năm nay giống với năm 2018.
Thí sinh sẽ thi năm bài thi, gồm ba bài thi độc lập là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp là khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) và khoa học xã hội (tổ hợp các môn lịch sử, địa lý, giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục THPT; tổ hợp các môn lịch sử, địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT).
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh THPT phải dự thi bốn bài thi, gồm ba bài thi độc lập (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và một bài thi tự chọn trong số hai bài thi tổ hợp; thí sinh giáo dục thường xuyên phải dự thi ba bài thi, gồm hai bài thi độc lập (toán, ngữ văn) và một bài thi tự chọn trong hai bài thi tổ hợp.
Thí sinh được chọn đăng ký thi cả hai bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.