Mức phạt nào cho thí sinh gian lận?
Luật sư Phạm Quang Xá phân tích: Đối với những cán bộ sai phạm, Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố 8 bị can về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (trong đó có 2 cựu công an) để điều tra vụ gian lận thi cử ở địa phương này. Tuy nhiên, đối với những phụ huynh của các học sinh này thì đến nay vẫn chưa một ai bị xử lý.
Ai cũng biết thi đại học từ trước đến nay được đánh giá là kỳ thi nghiêm túc, khắt khe nhất trong đời đi học của một học sinh nhằm tạo công bằng xã hội. Tuy nhiên, tất cả lại được mang ra mua bán và đổi chác chẳng khác gì thịt cá.
Với mỗi kỳ thi đại học chỉ cần chênh nhau 0,25 điểm là quyết định cả số phận và tương lai của thí sinh. Thế nhưng qua vụ việc gian lận thi cử thì số điểm được mua đã lên đến 25 điểm, một con số khiến người ta cảm thấy vô cùng mất niềm tin vào nền giáo dục của nước nhà.
Điều đáng nói hơn nữa là tất cả những thí sinh được mua điểm đều là con cái của những người có chức quyền, đảng viên, vì vậy nó càng làm cho làn sóng phẫn nộ trong dư luận dâng cao. Bởi vậy, khi chưa có những hình thức xử phạt thích đáng thì có lẽ dư luận vẫn chưa thể thôi dậy sóng.
“Đối với những thí sinh đã trúng tuyển bằng điểm gian lận, hình phạt đầu tiên các em phải nhận đó là việc bị nhà trường trả về theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 13 Nghị định số 138/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, đối với vi phạm "Sửa điểm bài thi trái quy định", người vi phạm ngoài việc bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng, các bên còn phải "Khôi phục tình trạng ban đầu đã bị thay đổi", tức là phải trả lại điểm số gốc trước khi sửa điểm.
Như vậy khi trả lại điểm số gốc mà điểm số của các thí sinh không đủ để trúng tuyển vào trường, đương nhiên họ sẽ bị buộc phải thôi học. Đây cũng là hình phạt thích đáng dành cho những trường hợp gian lận thi cử, nó cũng là bài học xương máu cho các em trong hành trình sắp tới.”, Luật sư Phạm Quang Xá nhấn mạnh.
Mức phạt cho phụ huynh mua điểm
Dư luận hiện đang rất quan tâm tới vấn đề những quan chức đã mua điểm cho con sẽ bị xử lý như thế nào? Phải khẳng định chắc chắn rằng các phụ huynh này không thể vô can trong việc điểm thi của con họ bỗng dưng được nâng cao bất thường như vậy.
Luật sư Phạm Quang Xá cho biết: "Trong trường hợp này, cơ quan điều tra cần làm rõ những phụ huynh đó có đưa tiền, tài sản, lợi ích vật chất trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc lợi ích phi vật chất khác để người có thẩm quyền sửa điểm thi cho con họ hay không?, nếu có họ có thể bị xử lý hình sự về tội "Đưa hối lộ" theo Điều 364 Bộ luật hình sự 2015.
Những học sinh đủ 18 tuổi, cùng cha mẹ tác động vật chất, hoặc phi vật chất để được sửa điểm, nâng điểm sẽ là đồng phạm, cùng bị xử lý về tội danh này. Còn nếu có chứng cứ về việc học sinh và phụ huynh có cùng ý chí để thực hiện hành vi đưa hối lộ thì cả phụ huynh và học sinh đều bị xử lý hình sự.
Đối với người có chức vụ, quyền hạn mà nhận tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất để sửa điểm, nâng điểm thì sẽ bị xử lý về tội nhận hối lộ, quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự. Trường hợp của nhận hối lộ từ 1 tỷ đồng trở lên thì phải đối mặt với hình phạt cao nhất là tử hình."