Tại Ấn Độ, bang Maharashtra bị ảnh hưởng nặng nề nhất lại đang cạn kiệt vắc xin do hệ thống y tế đang phải chống chọi với đại dịch đã làm chết 2,9 triệu người trên toàn thế giới.
Mất cảnh giác trong các lễ hội tôn giáo, các cuộc biểu tình chính trị và những trận đấu cricket, quốc gia đông dân 2 thế giới này đã có thêm hơn 1 triệu ca mắc Covid-19 mới kể từ cuối tháng ba. Từ nay đến cuối tháng 4, vào các cuối tuần, 125 triệu dân của Maharashtra sẽ phải ở trong nhà trừ khi ra ngoài mua thuốc và thực phẩm.
Đến nay, Ấn Độ đã tiêm chủng cho 94 triệu dân trong số 1,3 tỷ dân của mình nhưng hãng tin The Times of India cho biết trung bình các bang chỉ còn số vắc xin đủ tiêm trong hơn 5 ngày. Một số khu vực đang phải vật lộn với tình trạng thiếu vắc xin trầm trọng.
Tại Colombia, lệnh ở nhà cũng được thiết lập đối với 8 triệu người dân thủ đô Bogota khi họ đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 3. Bên cạnh đó là lệnh giới nghiêm đã được áp dụng đối với 7 triệu người ở 4 thành phố lớn khác.
Tại các nơi khác ở Nam Mỹ, Argentina đã bước vào lệnh giới nghiêm ban đêm từ thứ 6, kéo dài từ nửa đêm đến 6 giờ sáng cho đến ngày 30/4. Lệnh này sẽ có hiệu lực tại các khu vực có nguy cơ cao nhất đất nước, chủ yếu là các trung tâm đô thị - nơi quán bar và nhà hàng phải đóng cửa vào lúc 11 giờ đêm.
Cả Argentina và Colombia đều ghi nhận khoảng 2,5 triệu ca mắc Covid-19 mỗi nước, những con số chỉ đứng sau Brazil trong khu vực này.
Tại Pháp, cả nước phải chịu những hạn chế dưới một số hình thức khác nhau, trong khi những nỗ lực của chính phủ Đức nhằm hạn chế di chuyển và thương mại đã bị một số bang từ chối tuân thủ.
Giờ đây, thủ đô Berlin đang thay đổi các quy tắc để tập trung quyền lực, các điều chỉnh có thể dẫn đến lệnh giới nghiêm vào ban đêm và một số trường học đóng cửa ở những khu vực đặc biệt khó khăn.
Tuy vậy, một số quốc gia lại đang trong quá trình mở cửa.
Italy được thiết lập để kết thúc việc phong tỏa từ tuần tới đối với Lombardy – tâm chấn của đại dịch Covid-19 và một số khu vực khác với việc cải thiện số liệu thống kê về khả năng lây nhiễm.
Nước láng giềng Slovenia của Italy cũng tuyên bố giảm bớt các hạn chế về Covid-19 và dừng lệnh giới nghiêm kéo dài 6 tháng bắt đầu từ thứ 2.
Việc triển khai vắc xin bị cản trở
Cũng như ở Ấn Độ, việc triển khai vắc xin ở châu Âu tiếp tục gặp phải rào cản khi các nhà quản lý cho biết đang xem xét tác dụng phụ của vắc xin Johnson & Johnson.
Trong khi đó Pháp hạn chế hơn nữa việc sử dụng vắc xin AstraZeneca. Pháp đã nhiều lần thay đổi các quy định về vắc xin AstraZeneca vì nghi ngờ tính hiệu quả và lo ngại nó có khả năng liên quan đến chứng huyết khối.
Đối với trường hợp tiêm vắc xin Johnson & Johnson, Cơ quan Dược phẩm châu Âu cho biết “4 trường hợp nghiêm trọng” về chứng huyết khối bất thường đã được báo cáo, một trong số đó đã gây tử vong. Vắc xin này sử dụng công nghệ tương tự như của vắc xin AstraZeneca.
Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho biết họ không tìm thấy mối liên hệ nhân quả nào giữa mũi tiêm và chứng huyết khối. Tuy nhiên, họ ghi nhận “một số cá nhân” ở nước này có cục máu đông và lượng tiểu cầu thấp trong máu sau khi tiêm vắc xin và cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục.
Cả 2 loại vắc xin trên đều được chấp nhận sử dụng ở Liên minh châu Âu nhưng vắc xin Johnson & Johnson vẫn chưa được tung ra và các quốc gia EU khác nhau đã ngừng hoặc hạn chế sử dụng vắc xin AstraZeneca.
Một phát ngôn viên của AstraZeneca cho biết một nửa lô hàng vắc xin của họ đến EU sẽ bị trì hoãn trong tuần này.
Tại Mỹ, việc cung cấp vắc xin Johnson & Johnson dự kiến sẽ giảm mạnh vào tuần tới.
Tại Brazil, Thượng viện cho biết sẽ mở một cuộc điều tra về cách xử lý của chính phủ đối với đại dịch vì Tổng thống Jair Bolsonaro tiếp tục chống lại các biện pháp phong tỏa ngay cả khi số ca tử vong vì Covid-19 đã lập kỷ lục mới.
Liên hợp quốc cho biết hiện có chưa tới 2 triệu liều vắc xin trong chương trình COVAX để chuyển tới 92 nước đang phát triển trong 2 tuần qua (bằng số liều của riêng nước Anh).
Khoảng 60 nước, bao gồm một vài nước nghèo nhất thế giới, có thể phải dừng việc tiêm vắc xin vì gần như mọi vận chuyển thông qua chương trình COVAX bị chặn lại cho tới khoảng tháng 6.