Cùng đi có lãnh đạo các Vụ, Cục, cơ quan trực thuộc Bộ GD&ĐT.
Tiếp và làm việc với đoàn của Bộ GD&ĐT có ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng; bà Phạm Hồng Hải, Giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng, đại diện các sở, ban, ngành tại địa phương.
Quang cảnh buổi làm việc tại UBND tỉnh Lâm Đồng - Ảnh: Bộ GD&ĐT |
Bám sát Nghị quyết
Theo báo cáo, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, tỉnh Lâm Đồng bám sát nội dung chương trình, nâng cao phương pháp và hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cơ bản đã đáp ứng cả về số lượng và chất lượng khi triển khai dạy học Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Từ năm học 2014-2015, ngành GD&ĐT thực hiện đổi mới phương thức tuyển sinh vào lớp 10 theo phương thức sử dụng kết quả học tập các năm học cấp THCS để xét tuyển thay cho phương thức thi tuyển sinh trước đây. Đánh giá kết quả đào tạo theo hướng chú trọng năng lực phân tích, sáng tạo, tự cập nhật, đổi mới kiến thức; năng lực nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ; năng lực thực hành và khả năng thích nghi với môi trường.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc khảo sát tổng kết Nghị quyết 29 tại huyện Đơn Dương - Ảnh: CTV |
Từ năm 2015, triển khai tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia (nay là Kỳ thi tốt nghiệp THPT) với 2 mục đích vừa xét tốt nghiệp THPT vừa lấy kết quả đó làm căn cứ để các trường đại học, cao đẳng thực hiện công tác tuyển sinh.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm đã được chuẩn bị chu đáo và được tổ chức theo đúng tinh thần đảm bảo thi gọn nhẹ, giảm tốn kém cho xã hội và người dân, giảm áp lực đi lại cho thí sinh.
Phương thức thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế giữ ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương.
Kết quả nổi bật, từ 2013 đến nay, có 644 học sinh tham gia thi học các cuộc thi quốc gia, quốc tế, đạt 249 giải.
Bên cạnh kết quả đạt được, Lâm Đồng cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, công tác quán triệt Nghị quyết chưa đạt yêu cầu dẫn đến chuyển biến về nhận thức trong đội ngũ cán bộ, giáo viên còn chậm, chưa sâu sắc, làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ chung của ngành.
Cần bảo đảm công bằng trong giáo dục
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc ghi nhận, đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 29 sau 10 năm trên địa bàn Lâm Đồng. Điều đó cho thấy sự lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc, sát sao của cấp uỷ, chính quyền địa phương, với tinh thần giáo dục là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị.
Thứ trưởng đề nghị, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục khắc phục vấn đề thiếu giáo viên, nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu đổi mới. Tiếp tục quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho giai đoạn triển khai sâu rộng là năm nay và 1-2 năm tới.
"Với hơn 27% dân số là người dân tộc thiểu số, tỉnh Lâm Đồng cần quan tâm đảm bảo công bằng trong giáo dục, rút ngắn khoảng cách chất lượng giáo dục giữa các địa phương trong tỉnh", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Dịp này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và đoàn công tác Bộ GD&ĐT đã tới khảo sát tại Trường tiểu học Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương.
Tại đây, Thứ trưởng đánh giá cao quá trình triển khai Nghị quyết 29 của Nhà trường, địa phương. Trong đó, nổi bật là công tác lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của địa phương, công tác tuyên truyền góp phần tạo sự đồng thuận của phụ huynh, xã hội.