Những năm trước, đầu tháng 8, Trường Tiểu học Ngọc Sơn (huyện Thanh Chương) tổ chức nhập học cho học sinh lớp 1. Tuy nhiên, năm nay lịch tuyển sinh phải lùi lại đến giữa tháng do ảnh hưởng của mưa khiến cơ sở vật chất của trường thiệt hại nặng nề.
Cô Lê Thị Hồng Hạnh – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Mưa bão khiến cây xà cừ lâu năm bị bật gốc, đổ xuống khu nhà hiệu bộ, làm trang thiết bị máy móc trong đó hư hỏng hoàn toàn. Ngoài ra, hệ thống mái tôn che nắng, sân trường, tường bao cũng bị hư hỏng. Nếu tổ chức nhập học như thường sẽ gây mất an toàn cho học sinh. Nhà trường đã làm tờ trình gửi xã, gửi huyện xin phương án sửa chữa, khắc phục, chỉnh trang trường lớp, tạo tâm lý hứng khởi cho các em trong năm học mới. “Dù khó khăn thế nào, trường cũng cố gắng hết sức để đón toàn bộ học sinh tựu trường vào ngày 20/8”, cô Hạnh nói.
Được biết, Trường Tiểu học Ngọc Sơn cũng là một trong những trường khó khăn nhất của huyện Thanh Chương với 3 điểm trường, nơi xa nhất cách trường chính gần 6km. Trường đã lên kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia nhiều năm nay. Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương còn khó khăn, việc huy động xã hội hóa hàng năm rất hạn chế nên nhiều kế hoạch sửa sang, bổ sung cơ sở vật chất của nhà trường đang bị tạm dừng hoặc chậm tiến độ.
Dự kiến, từ nay đến năm 2025, sẽ có hơn 4.000 phòng học được xây mới để xóa phòng cấp 4 và phòng tạm, mượn và xây thêm khoảng 2.000 phòng học và các phòng chức năng. Tổng số vốn để đầu tư cho chương trình này là hơn 14.000 tỷ.
Không chỉ ở Thanh Chương, hàng chục ngôi trường của Nghệ An tại các huyện Kỳ Sơn, Yên Thành, Diễn Châu, Thái Hòa, Nghi Lộc đã bị hư hỏng nặng với tổng giá trị hơn 3,6 tỷ đồng vì mưa bão. Mới đây nhất, ảnh hưởng từ cơn bão số 4 gây mưa lớn, ngập lụt và sạt lở đất tại nhiều huyện miền Tây Nghệ An. Riêng ở huyện Kỳ Sơn, bão cũ chồng lũ mới khiến rất nhiều phòng học, nhà ăn bán trú, nhà ở cho giáo viên bị nước cuốn trôi khiến cho việc khắc phục gặp nhiều khó khăn.
Nhiều trường học của Nghệ An thiệt hại nặng nề sau 2 cơn bão số 3, số 4 |
Trước tình hình này, Sở GD&ĐT cũng đã yêu cầu các Phòng GD&ĐT thống kê thiệt hại báo cáo với Sở và trình UBND các huyện để có kế hoạch chi ngân sách khắc phục hậu quả thiên tai.
Đối với các huyện miền núi, khó khăn nhất là còn nhiều phòng học tạm, bán kiên cố ở các điểm trường lẻ. Những phòng học này dễ bị hư hỏng, sập hoặc bị cuốn trôi khi xảy ra mưa lũ, sạt lở đất. Trên thực tế, sau 2 trận bão nhiều thầy trò đã bị mất phòng học, mất nhà ở bán trú cho học sinh như: Mường Típ, Mường Ải, Chiêu Lưu, Mỹ Lý… (huyện Kỳ Sơn). Mong muốn của các nhà trường là được đầu tư xây dựng phòng học kiên cố bằng nhà xây để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.