Nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai trong ngành GD

GD&TĐ - Chiều 8/5 tại Hà Nội diễn ra lễ kí kết Chương trình phối hợp công tác về phòng chống thiên tai (PCTT) trong ngành GD giai đoạn 2018-2023, giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Bộ GD&ĐT.

Nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai trong ngành GD

Dự lễ kí kết có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo các đơn vị chức năng của hai Bộ.

Mục đích của chương trình nhằm tăng cường sự phối hợp trong công tác phòng, chống thiên tai trong ngành GD; nâng cao nhận thức, năng lực và tinh thần chủ động của cán bộ, giáo viên, HSV, học viên trong công tác phòng chống thiên tai; tăng cường GD pháp luật về PCTT trong ngành GD.

Qua đó góp phần hạn chế tối đa sự gián đoạn các hoạt động dạy - học khi thiên tai xảy ra; xây dựng cộng đồng an toàn hơn trước thiên tai; giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, môi trường, giảm thiểu các rủi ro về đuối nước và phát triển bền vững, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Có 2 nội dung chính trong chương trình phối hợp, gồm: Các hoạt động chuẩn bị, phòng ngừa thiên tai; Các hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi lễ
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại buổi lễ  

Nhận định về tầm quan trọng của chương trình phối hợp công tác, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Việt Nam là đất nước nằm ở vùng chịu tổn thương thiên tai rất lớn, nhất là trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong những năm gần đây. Vì vậy, phương châm chủ động ứng phó, phòng chống, thích ứng với biến đổi khí hậu và thiên tai là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt lâu dài.

GD&ĐT là lĩnh vực lớn với hơn 25 triệu thầy cô giáo, HSSV trong tổng số 93 triệu dân, là đối tượng cần cung cấp những kiến thức về biến đổi khí hậu, về thích ứng với tình hình thiên tai. Đây cũng là khu vực có cơ sở vật chất rất lớn với hơn 42.000 trường học của 5 cấp học trải khắp đất nước; khi thiên tai đến thì đây cũng là khu vực chịu tổ thương rất lớn về cơ sở vật chất.

Để nâng cao nhận thức cộng đồng thì không con đường nào tốt hơn là qua những chương trình GD, vì nó vừa có tác dụng nâng cao nhận thức, vừa có tác động lan tỏa đến cộng đồng. Tiếng nói của thầy cô giáo, tiếng nói của các HSSV đến với thành viên gia đình là nhanh nhất và hiệu quả nhất.

“Xuất phát từ những lý do đó, hai Bộ đã quyết định kí chương trình phối hợp, trên cơ sở đó để các cơ quan chức năng của hai bên thể chế hóa thành những chương trình cụ thể, nâng cao khả năng thích ứng, nâng cao khả năng cộng đồng, chung tay để ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu một cách chủ động, hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại và góp phần thúc đẩy nền kinh tế” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cương chia sẻ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi lễ
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi lễ

Tại lễ kí kết, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao việc cần thiết phải nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ, đặc biệt là HS phổ thông, đối với các hiểu biết về biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Theo Bộ trưởng, trong chương trình hợp tác phối hợp, Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện việc nghiên cứu biên soạn tài liệu phổ biến kiến thức, GD kỹ năng về PCTT, phù hợp với đặc thù từng vùng miền, đặc điểm tâm sinh lý và lưới tuổi của từng cấp học; được lồng ghép vào các môn học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa, tổ chức in ấn và cung cấp cho các cơ sở GD trong toàn ngành phù hợp định hướng chương trình GD phổ thông tổng thể.

Như vậy, HS sẽ được học những kiến thức cần thiết; các thầy giáo cô giáo cũng được tiếp cận với vấn đề biến đổi khí hậu và PCTT. Từ đó giúp nâng cao nhận thức và đặt ra trách nhiệm trong việc xử lí những tình huống trước, trong và sau thảm họa, những vấn đề về bão lũ, thiên tai, biến đổi khí hậu…

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ GD&ĐT nhất trí rất cao với Bộ NN&PTNT trong chương trình phối hợp, ưu tiên cho những hoạt động trước mắt, đồng thời cũng chú trọng đến tính chất lâu dài, đưa các chương trình này vào các môn học phù hợp với chương trình phổ thông và SGK mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ