Điều này cho thấy, là đất nước mà thiên tai được ví như “đặc sản”, việc ứng phó và thích nghi phải thường xuyên, liên tục.
Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) Nguyễn Hiệp cho biết: Do điều kiện vị trí địa lý, địa hình tự nhiên nên từ xưa đến nay thiên tai luôn khốc liệt. Trong các loại hình thiên tai, giặc nước là kinh khủng nhất. Những năm gần đây, mức độ của thiên tai càng nghiêm trọng hơn do nhiều yếu tố chủ quan lẫn khách quan.
Do vậy, việc phòng chống và thích ứng với thiên tai như một điều hiển nhiên. Trong đó việc tập trung vào chính sách huy động toàn xã hội tham gia phòng chống thiên tai là quan trọng nhất. Bởi qua việc nâng cao kỹ năng chống chịu thiên tai của người dân, củng cố đê điều, khu neo đậu tàu thuyền, xây dựng nhà chống bão sẽ dần hình thành xã hội an toàn trước thiên tai.
Cũng theo ông Hiệp, để làm được điều này, Nhà nước và chính quyền các cấp phải có chính sách thu hút người dân tham gia. Các cơ quan chức năng chủ động trong việc hỗ trợ doanh nghiệp đưa thế mạnh công nghệ xây dựng hệ thống cảnh báo mưa lũ tại thôn bản, định vị tàu cá trên biển hay hệ thống đê ngăn lũ di động.
Cùng với việc phòng chống thiên tai, tăng cường khả năng thích ứng với sự biến đổi của thiên tai của người dân cũng vô cùng quan trọng. Đó là việc cung cấp kiến thức, kỹ năng để người dân có thể tồn tại trong cơn mưa bão, cách xử lý ô nhiễm môi trường, thức ăn sau bão để ổn định sức khỏe, hạn chế dịch bệnh.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Thị Liên Hương, trước mùa mưa bão hàng năm, Cục đều có công văn yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, nước sạch, quản lý chất thải cơ sở y tế sau bão lũ. Đó là việc chuẩn bị nhân lực, kế hoạch, thuốc, hóa chất, trang thiết bị trước bão, lũ…
“Khi bão, lụt xảy ra, cán bộ y tế ngoài nhiệm vụ tại cơ sở y tế còn phải có hoạt động ngoại viện để theo dõi tình hình ngập lụt, vệ sinh môi trường, giám sát mức độ ô nhiễm nước ăn uống, sinh hoạt của người dân, nguy cơ phát sinh dịch bệnh; từ đó, có biện pháp hỗ trợ cụ thể trong bão và sau bão”, bà Liên Hương nêu rõ.
-Bộ Y tế vừa có công văn yêu cầu sở y tế các tỉnh, thành khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ, các đơn vị trực thuộc Bộ triển khai công tác y tế trong ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.
-Các đơn vị tiến hành thống kê thiệt hại do mưa lũ gây ra tại cơ sở y tế, nhân viên y tế, kho tàng, vật tư để khôi phục hoạt động khám chữa bệnh; Đánh giá tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý, không để dịch xảy ra sau mưa lũ cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó chú trọng đến người già, người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ có thai và trẻ em…