Ứng phó với thiên tai: Người dân không thể đứng ngoài cuộc

GD&TĐ - Hàng năm Việt Nam đón nhận khoảng 20 loại hình thiên tai. Thiên tai dường như trở nên thân quen, là điều bình thường với tất cả người dân từ trẻ nhỏ đến người già. Sống chung với thiên tai từ lúc bé nhưng không ít người dân vẫn thiếu kỹ năng phòng, chống. Bằng chứng là hậu quả của thiên tai, dù cường độ mạnh hay nhẹ đều để lại tổn thất về tài sản, sức khỏe, thậm chí là tính mạng cho người dân.

Ứng phó với thiên tai: Người dân không thể đứng ngoài cuộc

Ngày càng nhiều hiện tượng cực đoan, trái quy luật

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết: Thiên tai ở Việt Nam đã và đang diễn ra hết sức phức tạp, nhiều biểu hiện cực đoan, trái với quy luật. Trong vòng 20 năm qua, thiên tai khiến hơn 400 người chết và mất tích hàng năm. Thiệt hại về kinh tế ước tính khoảng 1 đến 1,5% GDP hàng năm.

Còn theo ông Đào Xuân Lai, Trưởng phòng Biến đổi khí hậu và môi trường (Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc), vài năm gần đây, thiên tai càng diễn biến phức tạp ở Việt Nam. Người dân và cơ quan cảnh báo không thể lường hết về số lượng cũng như cường độ. Nguyên nhân do sự biến đổi khí hậu, phát thải nhà kính, những tác động của con người vào môi trường tự nhiên làm trầm trọng thêm sự biến đổi của thiên tai.

Năm 2017 được coi là năm người dân cả nước hứng chịu nhiều loại hình thiên tai. Giá rét ở phía Bắc, bão ở miền Trung và hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long khiến cuộc sống người dân lao đao, sức khỏe vì thế cũng không đảm bảo.

Tại Nha Trang, nơi lâu nay vẫn được coi là “yên bình” trước những cơn bão cũng bị tấn công dồn dập. Cơn bão số 12 đổ bộ vào Nha Trang những tháng cuối năm để lại những vết thương ngoài sức tưởng tượng của người dân và cả chính quyền. 44 người chết, hàng ngàn ngôi nhà bị đổ, trăm ngàn ngôi nhà bị tốc mái cùng nhiều tài sản bị hư hại khiến người dân nơi đây gần như kiệt quệ sau bão.

Cũng trong năm 2017, người dân Yên Bái trải qua những giây phút kinh hoàng khi cơn lũ quét đi qua. Người dân miền núi vốn quen thuộc với lũ ống, lũ quét nhưng nhiều người vẫn không tin lại có cơn lũ lịch sử như vậy. Lũ đi qua để lại cảnh đổ nát, hoang tàn. Mất mát, tang tóc là những gì người ở lại phải chịu đựng và chống chọi. Hay như ở Sóc Trăng, hạn hán, xâm nhập mặn khiến nhiều gia đình không thể trồng cây, cấy lúa. Nhiều gia đình phải rời nhà đi tìm cơ hội nơi khác. Trẻ nhỏ vì thế cũng không được đến trường, phải tham gia lao động phụ giúp gia đình.

Người dân - chủ thể mọi can thiệp

Một trong những nguyên nhân khiến hậu quả của thiên tai luôn nặng nề do tâm lý chủ quan của người dân. Phóng sự “Đừng đùa với thiên tai” của Đài Phát thanh Truyền hình Khánh Hòa cho thấy người dân địa phương đón bão trong niềm “hân hoan, vui sướng”. Trước bão một ngày, người dân thay vì ở nhà chằng chống nhà cửa, cất đồ đạc lại rủ nhau ra biển đón bão. Đến khi bão đi qua, để lại hậu quả nặng nề, ai nấy đều nuối tiếc về sự chủ quan của mình.

Phó cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) Nguyễn Hiệp cho rằng: Sống ở đất nước thiên tai là đặc sản mà người dân lại thiếu kỹ năng phòng chống, thiếu kỹ năng vượt qua là điều đáng lo. Theo ông Hiệp, ngoài việc truyền tải kịp thời, chính xác thông tin dự báo và cảnh báo thiên tai đến người dân qua các phương tiện truyền thông khác nhau, đã đến lúc phải thúc đẩy cộng đồng cùng tham gia phòng chống thiên tai thông qua việc nâng cao kỹ năng chống chịu và khả năng thích ứng của mỗi người.

Từ hiện tượng thiên tai xảy ra năm 2017 cho thấy, nơi được coi là an toàn đã không an toàn trước bão, nơi quen với sự xuất hiện của lũ ống, lũ quét nhưng cách ứng phó vẫn chậm… Điều này chứng tỏ sự cần thiết của việc phòng chống thiên tai và đem lại một cộng đồng an toàn cho người dân.

Theo ông Lai, từ đầu năm 2018 nhiều hoạt động nhằm giúp người dân nâng cao hiểu biết để chủ động ứng phó với thiên tai đồng thời xây dựng nhà an toàn cho người dân đã được triển khai. 300 căn nhà được xây dựng tại Quảng Ngãi và 300 căn tại Khánh Hòa, Phú Yên và Quảng Nam được hoàn thành trong năm 2018 sẽ phần nào giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn sinh sống tại vùng thường xuyên xảy ra thiên tai nhanh chóng ổn định cuộc sống.

“Điểm đặc biệt của các ngôi nhà an toàn này là sự tham gia của người dân ở tất cả các giai đoạn như xác định địa điểm xây nhà, chọn mẫu thiết kế và giám sát việc xây dựng. Hơn nữa, trước khi xây dựng nhà, người dân được tập huấn về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng”, bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc trao đổi.

Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc đưa kiến thức và kỹ năng để đóng góp vào những nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên tai. Bên cạnh đó là việc tìm ra sáng kiến mới, thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn, đặc biệt là phát huy kinh nghiệm dân gian để xây dựng khả năng ứng phó phục hồi sau thiên tai cho người dân để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Bà Caitlin Wiesen, Giám đốc quốc gia Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ