Nỗ lực hướng nghiệp cho học sinh người dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Nhiều năm qua, thầy Vũ Sơn Hải và đồng nghiệp luôn động viên HS, đặc biệt là các em người DTTS bám con chữ để xây dựng tương lai cho bản thân.

Thầy Vũ Sơn Hải – Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) chia sẻ tại buổi ngoại khóa giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Ảnh NT.
Thầy Vũ Sơn Hải – Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) chia sẻ tại buổi ngoại khóa giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Ảnh NT.

Hướng nghiệp ngay từ sớm

Theo chia sẻ của thầy Vũ Sơn Hải – Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Đăng (huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn): “Học sinh trường chúng tôi gồm có 4 dân tộc anh em gồm: Nùng, Tày, Hoa và Kinh. Để học sinh, có định hướng rõ ràng cho bản thân, nhiều năm qua công tác hướng nghiệp sớm được nhà trường vô cùng chú trọng sau khi nhập học”.

Lý giải thêm việc hướng nghiệp sớm cho học sinh, thầy Hải nói: “Trường chúng tôi nằm ở địa bàn gần cửa khẩu vì vậy việc buôn bán, kinh doanh khá sầm uất do đó học sinh thường có tư tưởng học xong lớp 12 sẽ đi buôn bán hoặc lao động. Tuy nhiên, khi hướng nghiệp sớm thì tỉ lệ học lên sau khi tốt nghiệp THPT khá nhiều.

“Tôi luôn nói với học sinh của mình, đi học đại học, cao đẳng không phải là con đường thành công duy nhất nhưng đó là cơ hội để các em phát triển thêm kỹ năng, kiến thức, tạo lập thêm các mối quan hệ; cơ hội cho bản thân sau sau khi tốt nghiệp. Đặc biệt, lúc đó cơ thể, sức khỏe của các em đã phát triển hoàn thiện và đã đủ bản lĩnh để đương đầu với những thách thức mà cuộc sống gặp phải”, thầy Hải nói.

Với địa bàn huyện là một huyện gần biên giới, buôn bán sầm uất do đó ngoài định hướng cho học sinh học theo năng lực bản thân, thầy Hải đặc biệt chú trọng nhắc nhở học sinh tập trung vào học ngoại ngữ để ứng dụng vào cuộc sống cũng như tạo cơ hội việc làm cho bản thân.

Nhờ sự định hướng, truyền cảm hứng của nhà trường những năm gần đây, hiện tượng học sinh bỏ học giữa chừng gần như không còn.

Nỗ lực hướng nghiệp cho học sinh người dân tộc thiểu số ảnh 1

Một giờ học của cô trò Trường THPT Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh Ngô Chuyên.

Trong quá trình học, học sinh cũng tự đánh giá năng lực bản thân để định hướng tương lai cho bản thân, nhiều em đã chuyển hướng không học THPT nữa mà chọn con đường đi học nghề ở trường nghề Việt Đức hay các trường khác.

Thầy Hải cho biết thêm, để đạt được những kết quả đó chúng tôi quy định cô giáo chủ nhiệm là trong 3 năm chủ nhiệm ít nhất phải đến nhà học sinh một lần nhằm nắm bắt hoàn cảnh gia đình của mỗi em học sinh trong lớp.

Đối với những học sinh có dấu hiệu bỏ học, giáo chủ nhiệm phải đến nhà học sinh tìm hiểu hoàn cảnh, có giải pháp đề xuất với nhà trường để cùng giúp đỡ.

Đồng thời, nhà trường cũng có phong trào “hũ gạo tình thương” để giúp những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Đối với những học sinh có năng lực yếu, nhà trường tổ chức dạy phụ đạo, đề nghị các thầy cô phụ đạo mà không hưởng thù lao chính vì vậy mà hiện tượng học sinh yếu bỏ học không có.

Đầu tư cho học sinh mũi nhọn

"Trong hoạt động ngoại khóa, chúng tôi lồng ghép tổ chức các hoạt động hướng nghiệp tương lai, mời những cựu học sinh đã thành công về chia sẻ, động viên và phân tích cho học sinh hiểu và truyền cảm hứng để các em có động lực học tập hơn", thầy Vũ Sơn Hải, Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Đăng nói.

Với quan điểm giáo dục “đồng hành, chia sẻ” nhiều năm qua Trường THPT Đồng Đăng đã nỗ lực để học sinh được được phát triển toàn diện về thể chất cũng như năng lực bản thân.

Thầy Hải nói: “Ngoài chú trọng vào đào tạo chất lượng đại trà, chúng tôi cũng chú trọng vào đào tạo chất lượng mũi nhọn. Những học sinh được tuyển chọn vào đội tuyển tham dự kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, chúng tôi còn mời thêm các thầy cô có chuyên môn cao ở các trường khác về tham dự giảng dạy.

Bên cạnh đó, để học sinh an tâm khi tham dự kỳ thi học sinh giỏi mà không lo lắng bản thân sẽ học lệch nhà trường cũng bố trí các giờ dạy bù gia cố kiến thức cho học sinh không để các em bị thiệt thòi”.

Thầy Vũ Sơn Hải – Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Đăng đối thoại với học sinh. Ảnh NT.
Thầy Vũ Sơn Hải – Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Đăng đối thoại với học sinh. Ảnh NT.

Cũng nhờ vậy mà nhiều năm qua tỉ lệ học sinh giỏi của nhà trường tăng lên rất cao, năm học 2020-2021 số giải học sinh giỏi tỉnh đạt được chỉ 26 giải, tuy nhiên năm học 2021-2022 mặc dù ảnh hưởng của đại dịch covid-19 nhưng số giải lên 32.

Chia sẻ về quá trình học tập tại Trường THPT Đồng Đăng nữ sinh Hà Thị Minh Thư, học sinh lớp 12 nói: “Trong quá trình học em cảm thấy được đây là môi trường học em có thể phát huy hết khả năng của bản thân. Thầy cô luôn tận tâm chỉ bảo, các thầy cô luôn động viên chúng em nghe theo ước mơ của mình và cố gắng thực hiện ước mơ.

Đồng thời, khi học ở trường chúng em được tham gia các câu lạc bộ trong trường, tại các câu lạc bộ nhà trường đã lồng ghép nhiều hoạt động trong đó có hướng nghiệp để chúng em phát huy được khả năng của mình đồng thời hình thành sở thích nghề nghiệp cho bản thân mình”.

“Nhờ kinh nghiệm phân luồng sớm ở chương trình GDPT 2006 vì vậy, từ những kinh nghiệm đó khi triển khai chương trình chương trình GDPT 2018 chúng tôi khá thuận lợi và không gặp khó khăn gì trong quá trình phân luồng, hướng dẫn học sinh lựa chọn tổ hợp”, thầy Vũ Sơn Hải – Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Đăng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ