Một trong những nội dung nổi bật tại hội nghị đó là vấn đề nỗ lực phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tại Việt Nam.
Những chuyển biến tích cực
Chia sẻ với báo chí và truyền thông, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em. Nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em”.
Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật và thực hiện nhiều chính sách đồng bộ nhằm bảo vệ trẻ em và giảm thiểu lao động trẻ em. Liên quan đến lao động trẻ em, việc hoàn thiện pháp luật, chính sách của Việt Nam về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em được thể hiện trong các văn bản pháp luật như: Luật Trẻ em năm 2016, Bộ luật Lao động năm 2019, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Theo đó, Luật Trẻ em 2016 đã xác lập rõ nguyên tắc bảo vệ tối ưu quyền trẻ em trong lĩnh vực lao động. Cụ thể, tại Điều 26 quy định rõ: “Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị bóc lột sức lao động; không phải lao động trước tuổi, quá thời gian hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo qui định của pháp luật; không bị bố trí công việc hoặc nơi làm việc có ảnh hưởng xấu đến nhân cách và sự phát triển toàn diện của trẻ em”.
Đây là nguyên tắc có tính xuyên suốt trong mọi hoạt động có sử dụng lao động trẻ em. Việc này nhằm hiện thực hóa quyền của trẻ em, đồng thời xác định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc bảo vệ quyền trẻ em.
Việt Nam là một trong số ít các quốc gia thực hiện khảo sát cấp quốc gia về lao động trẻ em. Kết quả khảo sát lao động trẻ em năm 2018 do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, quy mô và xu hướng trẻ em tham gia lao động đã giảm hơn 6% (từ 15,5% vào năm 2012 giảm xuống còn 9,1% vào năm 2018). Đây là một thành công lớn, thể hiện sự nỗ lực của Việt Nam trong công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
Tồn tại nhiều khó khăn
Tuy nhiên, cũng theo ông Đặng Hoa Nam, việc phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em vẫn còn gặp nhiều bất cập. Lao động trẻ em chủ yếu tồn tại ở khu vực kinh tế nông thôn và phi chính thức nên có thể khó phát hiện. Theo kết quả điều tra quốc gia về lao động trẻ em cho thấy, Việt Nam hiện có 1,75 triệu lao động trẻ em, chiếm 9,6% tổng dân số trẻ em từ 5 đến 17 tuổi. Đặc biệt, lao động trẻ em tồn tại đặc biệt trong khu vực kinh tế phi chính thức, với khoảng 1,7 triệu trẻ em.
Theo số liệu thống kê, ước tính nước ta có trên 1 triệu trẻ dưới 17 tuổi tham gia lao động. Trong đó, có trên 500.000 trẻ em làm công việc nặng nhọc độc hại, có 20,1% lao động trẻ em làm trên 42 giờ/tuần. 20,9% số trẻ em trong độ tuổi 15 - 17 ở nông thôn không còn đi học.
77% thanh, thiếu niên từ 15 - 19 tuổi làm việc ở khu vực phi chính thức với những việc được trả lương thấp hơn 55% so với làm việc ở khu vực chính thức. Mỗi năm có khoảng 1,5 đến 1,6 triệu thanh niên bước vào độ tuổi lao động, nếu không được đào tạo nghề, dự kiến đến năm 2026 sẽ có khoảng 30% lao động phải chuyển đổi nghề.
Cùng với đó là sự tác động của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu làm suy giảm điều kiện kinh tế. Sinh kế của nhiều hộ gia đình bị gián đoạn, nhiều người rơi vào tình cảnh thiếu việc làm, thất nghiệp, gia đình bị mất trụ cột kinh tế khi có người tử vong. Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, 70% trẻ em lao động đến từ các gia đình thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo. Nguyên nhân thứ hai là một số trẻ em không thể tiếp tục đi học vì phải giúp đỡ gia đình kiếm sống.
Ngoài ra, hiện nay đã xuất hiện tình trạng dụ dỗ lừa đảo qua môi trường mạng làm gia tăng nguy cơ trẻ em, người chưa thành niên trở thành lao động trẻ em, bị mua bán và bóc lột sức lao động. Trẻ em ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện tiếp cận các dịch vụ giáo dục, an sinh xã hội có nguy cơ trở thành lao động trẻ em.
Ngoài ra, nguyên nhân cũng đến từ nhận thức của các cấp, ngành, cán bộ cơ sở, người sử dụng lao động, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em về phòng ngừa lao động trẻ em chưa đầy đủ. Đội ngũ cán bộ các cấp, ngành, đặc biệt tại địa phương còn thiếu, hạn chế về năng lực phát hiện các trường hợp lao động trẻ em tại cộng đồng.
Thiếu cán bộ thanh tra nên việc tiến hành các cuộc thanh, kiểm tra về lao động gặp khó khăn nhất là khu vực phi chính thức, nơi có nhiều trẻ em tham gia lao động. Hạn chế về tài chính trong triển khai các mô hình phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em.
Dù đây vẫn là vấn đề lớn song kết quả này đã là nỗ lực không ngừng của Việt Nam. Thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện chính sách về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; truyền thông, nâng cao nhận thức, năng lực cho người sử dụng lao động, cộng đồng, giáo viên, cha mẹ và trẻ em về các cam kết quốc tế, về vấn đề lao động trẻ em trong các hiệp định thương mại...
Chính phủ cũng triển khai nhiều chương trình hỗ trợ giáo dục cho trẻ em nghèo, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Mỗi năm đã có hàng ngàn học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi được cấp học bổng và hỗ trợ học phí giúp các em có cơ hội tiếp tục học tập.
Từ năm 2002, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã chọn ngày 12/6 hằng năm là ngày Thế giới chống lao động trẻ em với mục đích vận động người dân trên thế giới quan tâm đến vấn đề lao động trẻ em và cùng nhau hành động để xoá bỏ tình trạng này.